Giao thoa trang phục xứ Đàng Trong

15/10/2019 06:46 GMT+7

Tọa đàm về trang phục xứ Đàng Trong là hoạt động đầu tiên của Viện Nghiên cứu trang phục Việt (vừa ra mắt hôm qua 14.10), cũng là sự kiện được các nhà nghiên cứu tâm huyết với quá trình tìm hiểu văn hóa |trang phục của các dân tộc VN (GS-TS Nguyễn Khắc Thuần, TS Nguyễn Thị Hoa Xinh, TS Bá Trung Phụ, TS Hồ Văn Tường...) rất quan tâm.

Theo TS văn hóa Hồ Văn Tường, khi tìm hiểu về trang phục của xứ Đàng Trong, cần xác định trước hết là mốc thời gian, không gian. Ông nêu 3 nguồn tư liệu: Việt sử xứ Đàng Trong (1558 - 1777) của Phan Khoang; Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 của Li Tana; bài viết Bối cảnh vùng đất Quảng Bình trước và sau khi xuất hiện danh xưng Quảng Bình của Nguyễn Tiến Dũng. Từ đó, theo ông, có thể thấy lấy mốc thời gian của xứ Đàng Trong bắt đầu từ năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng từ bắc vào nam, trấn nhậm phủ Thuận Hóa, và kết thúc năm 1786, khi nhà Tây Sơn lật đổ chế độ chúa Trịnh.
Trong giới hạn của tọa đàm, tham luận các nhà nghiên cứu tập trung nói về trang phục của người Sài Gòn, trang phục truyền thống của người Hoa ở Nam bộ, áo dài Chăm (Aw kamei Cam) và trang phục truyền thống người Khmer Nam bộ. Bởi theo TS - nhà thiết kế Sĩ Hoàng (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu trang phục Việt), Khmer, Việt, Hoa, Chăm là bốn dân tộc chính có mặt từ những ngày đầu của Sài Gòn. “Những bộ trang phục của mỗi dân tộc này nhắc nhớ thuở ban sơ của Sài Gòn với những giồng đất, kênh rạch, cù lao và sự giao thoa văn hóa của một thương cảng sầm uất. Người Khmer là cư dân lâu đời nhất định cư trên giồng đất cao; người Việt đến khai phá từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17; người Hoa đến lập nghiệp từ cuối thế kỷ 17; sau đó là người Chăm vào cuối thế kỷ 19”, ông nói.
Cụ thể, theo Sĩ Hoàng, trang phục thuở ban đầu người Hoa sang VN vẫn giữ tóc đuôi sam, áo lụa tàu dệt hoa văn hoặc chữ phúc với hai tay rộng, mũ rộng vành và chủ yếu sinh sống bằng nghề tiểu thủ công và buôn bán; người Khmer mặc khăn rằn, váy áo gọn, thuận tiện cho việc đồng áng; người Chăm phát triển thổ cẩm, trang phục cầu kỳ về hoa văn dệt trên nền vải vóc; trong khi đó, người Kinh lại chọn khăn rằn quấn cổ và áo nâu, quần đen mộc mạc cho việc đồng áng hay trên sông nước - phương tiện giao thông chính ngày xưa. “Đặc biệt bộ áo bà ba là nét đặc trưng của người Kinh, tạo thành nét đẹp duyên dáng đậm đà của người dân Sài Gòn xưa”, Sĩ Hoàng nhìn nhận. Ông cũng cho rằng, nếp sinh hoạt, đặc điểm văn hóa, kinh tế của 4 dân tộc trên về sau đều có sự ảnh hưởng giao thoa với nhau thông qua cách ăn mặc.
Riêng với áo dài, các tài liệu nghiên cứu chưa xác định rõ áo dài VN xuất hiện từ thời nào, nhưng trong Phủ Biên Tạp Lục (Lê Quý Đôn), chính Võ vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sáng và định hình cho chiếc áo dài ở xứ Đàng Trong. TS Bá Trung Phụ (người dân tộc Chăm, nghiên cứu về trang phục Chăm), trong tham luận của mình, nêu rằng áo dài của người Chăm cũng có từ thời Nguyễn Phúc Khoát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.