Giải tỏa nghi vấn 'cổng thành Gia Định hay bót lính gác?'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
29/06/2019 06:12 GMT+7

Trên Báo Thanh Niên ngày 16.6 có bài viết Cổng thành Gia Định hay chỉ là bót lính gác?, nêu những hoài nghi của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử về cái gọi là 'cổng thành Gia Định' xưa nằm tại góc đường Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

Sau khi báo đăng, Thanh Niên tiếp tục nhận được những thông tin từ bạn đọc và các nhà nghiên cứu về di tích này.
Bạn đọc Phong Vũ (Hà Nội) cho rằng: “Chỗ đó là một bót lính gác của Ty Cảnh sát tỉnh Gia Định. Hồi bé, chiều nào bọn tôi cũng vào đá banh trên các bãi cỏ trong Lăng Ông và nhìn xéo góc nơi ngã ba đại lộ Lê Văn Duyệt chấm dứt vào đại lộ Chi Lăng (hiện là đường Phan Đăng Lưu), là Tòa Tỉnh trưởng Gia Định trong địa giới xã Bình Hòa. Nhìn chữ có thể đoán khá chính xác thời điểm: Chữ "Gia-Định" có gạch nối tức vào thời khoảng nửa đầu thế kỷ 20, lúc đó chữ quốc ngữ phát triển trước ở Nam kỳ (vì các sĩ phu Trung và Bắc kỳ bảo thủ chống Latin hóa tiếng Việt), nhưng lúc đó văn phạm còn theo gốc viết chữ Hán đặt tính từ trước danh từ gọi là “Gia-Định tỉnh”, “Bình-Hòa xã”. Từ nửa sau thế kỷ 20 thì chữ Việt mới đổi dần văn phạm theo cách nói tiếng Nôm đặt danh từ trước tính từ và bỏ gạch nối giữa các chữ Latin ký âm một danh từ riêng”.

Tài liệu thú vị

Nhà nghiên cứu Lương Chánh Tòng (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) cung cấp cho Thanh Niên bản chụp hai bức thư mà ông phát hiện được có nội dung liên quan tới cái “cổng” này.
Ngày 8.11.1965, nguyên nghị viện Hội đồng hàng tỉnh Cần Thơ Trần Phước Khánh (trú ở số 64 Chi Lăng, Gia Định) có thư đánh máy gửi tới ông Giám đốc Viện Khảo cổ (Phòng Bảo tồn di tích, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn) hỏi:
“Số là tại ngã ba đại lộ Chi Lăng và đại lộ Lê Văn Duyệt (Gia Định), ngay trước cửa chánh của Tòa Tỉnh trưởng Gia Định, ngang hông lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, tại vòng rào bằng gạch xây của Trường cao đẳng Mỹ thuật, có một cái cổng xưa. Tôi nói kiến trúc ấy là một cái cổng là vì hình thức nó, có chỗ lồi ra chỗ hũng vô, như hình cánh cửa dưới một thảo bạc. Trên lại có hình lỗ châu mai vòng quanh nóc. Có lẽ nó là một cái cổng của vòng thành Gia Định lúc trước cũng nên. Tôi nghĩ nó xưa là vì có chữ “Gia-Định”, chạm nổi trong hồ ở mé trước, và kiểu chữ là kiểu xưa. Vả lại cổng ấy rất thấp: thấp là đặc điểm các kiến trúc cổ của ta vì sợ bão bùng giông gió.
Chữ Gia-Định viết bằng chữ La Mã, nếu nói cổng xưa thì chắc chắn không trước 1860, 1865, thời gian cụ A-Lét-Xăng đờ Rốt phát minh chữ quốc ngữ cho mình. Tuy nhiên từ ấy những nay cũng được trăm năm rồi.
Nếu bình thường thì cổng này không gợi thành một vấn đề trình đến quý vị, nhưng nay nó bị một cây bồ đề hay da gì đó đe dọa tiêu diệt nó. Cây này mọc lên trên và chẻ tét nó ra. Nếu để lâu ngày sự tiêu hủy nguy hại hơn nhiều.
Tôi thành tâm nhìn nhận: Vấn đề tôi trình quý ông đây không biết nó thành một vấn đề chăng. Vì:
1/ Không biết kiến trúc đó có phải là cổng không; 2/ Nó có phải xưa không; 3/ Có cần bảo vệ một kiến trúc nhỏ như thế không.
Dầu sao với tấm lòng luôn luôn hoài cổ, và hoài cổ để xét mình và xét người xuyên qua lịch sử, tôi có mấy lời trên gọi là báo động đến quý ông để quý ông tùy nghi”.
Ngày 29.11.1965, Giám đốc Viện Khảo cổ khi đó đã có văn bản phúc đáp cho ông Trần Phước Khánh:
“Về cái cổng ở ngã ba gần Lăng Ông, Viện tôi xin trình bày cùng tôn ông như sau: Cổng này xét về phương diện kiến trúc được xây cất theo kiểu cách Tây phương, không theo kiểu ta. Thành Gia Định do các vua triều Nguyễn dựng lên, tuy gọi như vậy nhưng không ở Gia Định hiện nay mà thực sự ở bên Sài Gòn. Đến thời người Pháp lập cuộc đô hộ đã dỡ phá đi cả, còn cái cổng đề Gia Định ngày nay trông có tính cách quân sự thì chỉ có thể chỉ là một cái cổng nhỏ của trại lính tỉnh Gia Định, do người Pháp đã xây cất.
Vì vậy về phương diện văn hóa dân tộc, Viện tôi thấy không có gì quan trọng cần bảo vệ mà ngay thời chính quyền Pháp cũng không ghi vào danh sách cổ tích lịch sử cần bảo tồn. Trân trọng cảm tạ và kính chào ông…”.
Như vậy đã rõ, cái gọi là “cổng thành Gia Định xưa” (thành do Gia Long và sau đó là Minh Mạng cho xây) mà một số người nhầm tưởng thực sự chỉ là một bót lính gác hoặc một cổng nhỏ của trại lính tỉnh Gia Định do người Pháp xây cất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.