Giải oan cho Hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Kỳ 2: Duyên rồng - phụng

18/11/2014 05:15 GMT+7

Cuộc đời của Ngọc Hân tài sắc từ lúc còn là công chúa Thăng Long đến khi làm Bắc cung hoàng hậu Phú Xuân không hề bình lặng.

>> Giải oan cho Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

 Tranh mô phỏng Lê Ngọc Hân bên Nguyễn Huệ ở Phú Xuân - Nguồn: lấy từ cuốn sách Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và tấm lòng tri ân hậu thế - NXB Văn hóa - Thông tin - Hà Nội 2013
Tranh mô phỏng Lê Ngọc Hân bên Nguyễn Huệ ở Phú Xuân - Nguồn: lấy từ cuốn sách
Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và tấm lòng tri ân hậu thế - NXB Văn hóa - Thông tin - Hà Nội 2013

Khi qua đời, vẫn còn hai nghi án lấy vua Gia Long và giết chồng là hoàng đế Quang Trung bằng thuốc độc khiến bà tổn hại thanh danh và hậu thế tốn nhiều giấy mực.

Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long. Theo Lịch triều tạp kỷ và Hoàng Lê nhất thống chí thì bà là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông, còn Ngự chế ngọc phả ký thì chép bà là con thứ 21. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Ngọc Hân là công chúa có tài sắc hơn cả trong số các cô con gái của vua.

Tháng 5.1786, tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” tới yết kiến vua Hiển Tông và được vua phong tước Công. Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó Ngọc Hân mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi và đã có nhiều người vợ.

Mối nhân duyên này đời sau kẻ cho là cuộc hôn nhân mưu đồ chính trị, người nói đó là nhân duyên trời định; người bảo gượng ép, kẻ bảo yêu từ cái nhìn đầu tiên… Riêng chuyện đó thôi đã tốn biết bao nhiêu giấy mực.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết: “Đêm hợp cẩn… Khi nguyên súy Nguyễn Huệ vào, Ngọc Hân sợ quá không dám ngước nhìn lên, cũng không dám thở mạnh… Bất ngờ nguyên súy quỳ chân xuống trước sập, úp mặt vào hai đầu gối của công chúa Ngọc Hân. Một sức mạnh huyền bí xa lạ thôi thúc, khiến công chúa đưa tay ôm lấy vai nguyên súy. Nguyễn Huệ ngẩng lên vui mừng và lần đầu tiên, công chúa bị cuốn hút vì ánh nhìn đam mê đến cuồng nộ của vị danh tướng vừa làm đảo lộn Bắc Hà.

Nguyễn Huệ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt sượng sùng thảng thốt của công chúa, thì thầm: Công chúa còn nhỏ quá và đẹp quá. Như một cái bông búp. Đừng lo âu. Ta biết công chúa đang lo âu đủ điều. Ta sẽ không cho phép ai, dù là quỷ thần, được làm công chúa khổ. Công chúa hãy yên tâm”.

Nguyễn Mộng Giác là nhà văn, áng văn trên lại được trích trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ chứ đêm hợp cẩn của Nguyễn Huệ đâu có mặt ai mà biết?

Tâm đầu ý hợp

Trong Dựng nước - Giữ nước (Diễn đàn của thư viện lịch sử quân sự) đoạn nói về chuyện này có chép: “Sau lễ kết hôn, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân lên kiệu đến bái yết tôn miếu nhà Lê, lễ xong hai người cùng về. Như thấu hiểu được tâm trạng của Ngọc Hân, Nguyễn Huệ mở lời bông đùa: “Con trai con gái nhà vua đã có mấy người được vẻ vang như nàng?”. Công chúa đáp: “Nhà vua ít lộc, các con trai con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó, chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lầu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi”. Nghe Ngọc Hân thủ thỉ lên nỗi niềm đó, Nguyễn Huệ lấy làm thích thú, tâm đắc. Đó là lời trao duyên đầu tiên giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân được sử sách ghi lại.

Từ đó, Ngọc Hân rời cung cấm nhà Lê về sống với Nguyễn Huệ ở trong phủ của mình, nằm bên bờ sông Nhị. Lúc đầu Ngọc Hân có vẻ thẹn thùng, bẽn lẽn vì chưa quen, mặc dù đó vẫn là đất Thăng Long muôn thuở của nàng. Biết được tâm lý của Ngọc Hân, không sỗ sàng như những kẻ chiến thắng thường tình, Nguyễn Huệ muốn tạo một sự thân quen, một tình yêu xuất phát từ sự thông cảm và hiểu biết ngay từ đầu”.

Sau hôn lễ của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân vài ngày, Lê Hiển Tông qua đời, nội tình nhà Lê xảy ra nhiều chuyện tranh giành khiến Nguyễn Huệ nhiều lúc muốn bỏ Thăng Long để vào Thuận Hóa, nhưng cuối cùng đành nuốt giận.

Đến ngày đưa linh cữu vua Lê Hiển Tông, Nguyễn Huệ cưỡi voi, đem ba ngàn quân hộ tống từ cung xuống bến đò, rồi chờ lễ rước từ cung xuống thuyền đâu vào đó mới quay trở lại.

Tang lễ xong, Nguyễn Huệ nói: “Tiên đế có 30 người con trai, ngày báo hiếu chỉ có một người con gái, nào có ai giúp đỡ mảy may? Người xưa bảo, con gái làm rạng rỡ cho nhà cửa, quả đúng thật”. Công chúa đáp: “Nhờ công đức của thượng công, thiếp được báo hiếu với hoàng khảo, mở mặt với anh chị em. Tục ngữ vẫn nói: Trai không ăn mày vợ, gái phải ăn mày chồng chính là thế đó!”.

Qua cách ứng xử nói trên, đủ biết hai người đã sớm tâm đầu ý hợp. Theo sử chép thì ngay cả người khó tính như Nguyễn Nhạc mà cũng không tiếc lời khen Ngọc Hân: “Người quý giá thế này thực không hổ thẹn làm cô em dâu của ta”.

Ít lâu sau, Ngọc Hân theo Nguyễn Huệ vào Thuận Hóa. Công chúa ở tại chùa Kim Tiên.

Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, phong cho Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu. Năm 1789, sau đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung cho xây cung điện Đan Dương và phong Ngọc Hân làm Bắc cung hoàng hậu. Bà sinh hạ được hai người con là công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Quang Đức. Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Như vậy, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân chỉ sống với nhau vỏn vẹn có 6 năm.

Sau cái chết của vua Quang Trung, cuộc đời Bắc cung hoàng hậu xảy ra biết bao sự biến, đến lúc qua đời vẫn chịu hàm oan...

Nguyễn Thế Thịnh

>> Khánh thành di lăng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.