Giải mã mảng chạm khắc đình làng: Vẻ đẹp linh vật đình Chu Quyến

19/09/2021 07:00 GMT+7

Trong nhiều mảng trang trí chạm gỗ độc đáo ở đình Chu Quyến (đình Chàng) - một kiến trúc gỗ dân gian tiêu biểu và đặc trưng ở thời Lê Trung hưng cuối thế kỷ 17, nay thuộc xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội - có một mảng chạm trên xà nách của đình mang hình tượng 3 linh thú long, nghê, phượng khơi gợi nhiều điều.

Thông thường, trong trang trí dân gian, kể cả cung đình, linh thú thường được thể hiện theo cặp đôi (long - nghê, long - phượng, nghê - phượng), hoặc theo bộ tứ linh (long - lân - quy - phượng, long - nghê - quy - phượng), rất hiếm khi gặp lối trang trí “lẻ bầy” chỉ với long - nghê - phượng.
Mảng chạm rồng thể hiện thần thái uy nghi, nhưng cũng rất gần gũi ẢNH: THIÊN AN

Mảng chạm rồng thể hiện thần thái uy nghi, nhưng cũng rất gần gũi

ẢNH: THIÊN AN

Nhìn trên cấu kiện kiến trúc mảng chạm, có thể thấy bộ ba rồng - phượng - nghê được bố cục không theo quy chuẩn, kiểu thức nhất định, mà dựa vào tính thực tế. Rồng - phượng sánh đôi theo phương ngang, thuộc phân lớp dưới cùng, trong khi nghê đơn lẻ ở vị trí trên cao, rất phù hợp với không gian và diện tích hẹp của con chồng tiếp giáp xà thượng.
Ở cả ba linh thú, mỗi hình tượng được thể hiện một diện mạo độc đáo. Sự hoan hỉ, vui tươi, an yên kèm chút oai phong, uy dũng có thể nhận ra ở gương mặt của rồng, nghê. Những nét chạm phô diễn kỹ thuật đỉnh cao thời Lê Trung hưng như: nghê xuất hiện vảy, râu rồng hình đao mác… là chi tiết nổi trội.
Nhưng khi chuyển qua phượng, là linh thú rất khó diễn tả nét biểu cảm qua gương mặt, người thợ chạm đã ứng biến hoàn hảo với hình ảnh phượng tạo dáng rỉa lông, chăm chút cho sắc đẹp, phần nào thể hiện tính nữ của phượng. Một loài lông vũ, khi đứng rỉa lông, xõa cánh, hẳn phải là lúc bình yên, thư thái, ấm no, an toàn nhất, mới có thể ung dung tự tại, chăm chút cho bản thân.
Chỉ là mảng chạm về linh thú, tuy không phô diễn quá nhiều kỹ thuật chạm khắc đỉnh cao cho bằng các mảng chạm khác ở đình Chàng, nhưng có lẽ người xưa gửi gắm vào đó thật nhiều ẩn ý về nhân tình, thời cuộc. Nét biểu cảm của các linh thú như một mong ước cho xã hội bình yên, ấm no, hạnh phúc. Những bố cục không phân biệt cao thấp, trên dưới, quy chuẩn, khuôn phép của bộ ba rồng - phượng - nghê gửi gắm về một đời sống xã hội bình đẳng, chan hòa yêu thương.
Một trong những hình tượng xuất hiện nhiều ở đình làng Chu Quyến chính là rồng. Người viết từng gặp nhiều dáng hình rồng ở đủ phong cách chế tác, từ đắp nổi kiểu phù điêu đến chạm khắc, vẽ… trên đình làng, nhưng trong số những con rồng ấn tượng, ngắm mãi không chán, chính là rồng Chu Quyến.
Qua thời gian, mảng chạm không toàn vẹn, đã mất đi một số chi tiết nhưng hình tượng rồng vẫn còn khá hoàn hảo. Trong dáng thế thực sinh động, thân rồng được thể hiện uốn lượn nhịp nhàng, đầu rồng hơi nhìn nghiêng như đang trong tư thế quan sát người ra vào dưới mái đình.
Ở mặt kỹ thuật, mảng chạm thể hiện biệt tài người thợ chạm ở thời Lê Trung hưng, với độ phóng khoáng, bay bổng, các nét chạm rõ, tạo hình khối, đường nét sắc sảo, cảm giác rất tự nhiên, không bị gượng ép bởi tiểu tiết thể hiện. Những khoáng đạt trong nét chạm được cân đối, điều chỉnh chặt chẽ bằng bố cục, tạo cho hình tượng rồng vừa tinh, lại vừa mộc, diễn tả trọn vẹn sự dung dị, gần gũi… những tinh thần dễ nhận diện ở không gian đình làng.
Nhìn vào hình rồng, thấy ở đó sự oai vệ. Nghệ nhân cũng thể hiện đây là một con rồng kích thước lớn, khi đưa vào chi tiết người (dù đã bị phá hỏng mất nửa thân trên) nhưng cũng đủ để làm hình tượng đối chiếu, so sánh sự tương phản lớn - bé giữa người và rồng trên mảng chạm.
Người sánh đôi với rồng, hẳn còn gửi gắm ở đó ý niệm rồng thiêng đã trở nên gần gũi, thân thương với người, hòa nhập với người trong cuộc sống. Ý nghĩa bức chạm này, cảm giác như có chút ẩn khuất tâm tình của người thợ chạm với nhân sinh quan thời cuộc, khi mà cuộc sống chính trị đang trở nên rối ren với vua Lê - chúa Trịnh, niềm tin vào lãnh đạo đất nước bị suy yếu, ảnh hưởng của chế độ phong kiến lên đời sống dần suy tàn, người dân bèn tìm giá trị tinh thần từ những hình tượng trong tín ngưỡng dân gian, nhưng được sáng tạo theo phương cách mới, đầy tính nghệ thuật.
Trong thô sơ, giản dị, có sự tinh tế, điêu luyện. Cứ nhìn cận cảnh khuôn mặt rồng, thấy ở đó vẻ trong sáng, hiền từ như một bậc minh triết, đặc biệt là ánh mắt mở to đầy thần thái, khóe miệng rộng tươi cười, đem lại một cảm giác an yên, vui tươi, hoan hỉ.
Đôi tai rồng với sự cụp - vểnh đầy tinh nghịch, cũng đã phần nào biểu đạt sự tinh tế, khéo léo của người thợ chạm. Rồng ngự trên cao ấy, nhưng không trở nên xa lạ, mà như đang lắng nghe, đồng cảm và thấu hiểu chuyện người phàm. Đã qua bao trăm năm tồn tại, ý nghĩa, vẻ đẹp từ những mảng chạm thú vị ấy ở đình Chàng, đến giờ vẫn không hề lạc điệu. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.