Giải mã mảng chạm khắc đình làng: Độc đáo vũ điệu rồng ở đình Phú Hữu

21/09/2021 07:00 GMT+7

Đình Phú Hữu ngoài yếu tố tín ngưỡng, còn là không gian nghệ thuật lý thú, biểu đạt qua các mảng chạm hiếm gặp so với các đình làng khác cùng niên đại. Linh vật rồng là một trong số những chi tiết trang trí mỹ thuật độc đáo ở đình làng này.

Tọa lạc ở xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội, đình Phú Hữu - thờ thần Tản Viên sơn thánh, đã tồn tại hơn 300 năm. Không gian kiến trúc tổng thể đình Phú Hữu với cổng tam quan, tả vu, hữu vu và tòa đại đình. Trong kiến trúc đình làng cổ, tòa đại đình là nơi hội tụ, trình diễn và lưu giữ những mảng chạm đậm tinh thần, cuộc sống, nếp sinh hoạt của người làng lúc đương thời, thông qua những hoạt cảnh đời thường, hoặc thể hiện niềm ước mong hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, tạo vật và các loài linh thú.
Đình Phú Hữu cũng không là ngoại lệ. Tòa đại đình bề thế với năm gian hai chái, trên các cấu kiện kiến trúc còn lưu lại những mảng chạm độc đáo theo phong cách trang trí đình làng ở thế kỷ 17 như hình tượng người cưỡi voi, cưỡi ngựa, hình tiên nữ dang tay múa sống động. Bên cạnh một số ít mảng chạm tả hình người, linh vật rồng là chi tiết phổ biến hơn trong trang trí các cấu kiện kiến trúc khác ở đình Phú Hữu.
Tùy từng vị trí, rồng ở đình Phú Hữu được thể hiện với sắc thái khác biệt, đầy biểu cảm, đa dạng hình thể, cảm xúc. Hình tượng rồng gây ấn tượng nhất chính là ở các vì nách của đình. Trong kiến trúc cổ, vì nách là khoảng tam giác vuông đặt trên cột cái và cột quân, đỡ bởi xà nách. Khoảng trong của tam giác vuông này gồm các con chồng, là những cấu kiện gỗ chồng lên nhau, kích thước ngắn dần từ vì kèo lên áp mái. Trong hầu hết kiến trúc đình làng, tam giác vuông của vì nách thường được trang trí bằng mảng chạm. Ở đình làng Phú Hữu, vì nách được chạm đề tài rồng.

Rồng được biến hóa gần gũi với dân gian

Trong xã hội phong kiến, rồng là linh vật sánh với vua, sánh với cõi thiên không, nhưng khi vào kiến trúc dân gian nơi đình làng, rồng được biến hóa trở nên gần gũi hơn với con người, không theo quy luật lưỡng long, độc long… thường gặp chốn kiến trúc cung đình, mà tụ họp thành bầy - đàn, vui nhộn, thân thương.

Một gia đình rồng với nét chạm thể hiện niềm hạnh phúc, sum họp

Nhìn trên mảng chạm vì nách ở đình Phú Hữu, không còn thấy đường nét của kết cấu con chồng, thay vào đó là một mảng đồng nhất, biểu đạt những nét chạm mang tạo hình mềm mại, khoáng đạt, diễn tả vũ điệu của bầy rồng như muốn nói lên hoạt cảnh sự thanh bình, yên ả của “quần long tụ hội - thiên hạ thái bình”.
Đứng trước “vũ điệu” kỳ lạ của rồng ở đình Phú Hữu, cảm giác rồng không còn là rồng, sự uy nghiêm, cao sang được biến tấu mang đậm tính dân gian, có hóm hỉnh, vui tươi, có tinh thần gia đình, đùm bọc. Hình ảnh nghiêm nghị của rồng cha ngự trị trên cao, như đang quan sát, chở che cho cả gia đình; dưới một chút là hình ảnh bao dung của rồng mẹ, cùng cả bầy rồng con lít nhít vui đùa, mớm, vờn, hờn dỗi.
Rồng tai to trong trang trí kiến trúc là một nét đặc trưng của kỹ thuật chạm trổ lặp lại trong nhiều đình làng nơi xứ Đoài, nhiều nhà nghiên cứu định danh là rồng tai voi. Nhưng rất ít mảng chạm biểu đạt được giới tính rõ rệt của rồng như ở đình Phú Hữu. Chỉ với đôi tai rộng, cúp, đã thấy ở đó rõ hình ảnh của một mẹ rồng đang chăm chút cho đàn con.
Những kỹ thuật chạm đi nét lớn - nhỏ, mảnh - dày, nông - sâu cùng kỹ thuật trổ thủng, tạo cho mảng chạm trên hệ con chồng nối kết hoàn chỉnh, đẹp ở chiều sâu, diễn tả hết nét tinh hoa sống động một gia đình rồng, sum vầy, hạnh phúc. Nhìn mảng chạm rồng, ngẫm thật chẳng khác gì với những suy nghĩ, ước vọng, cầu mong về cuộc sống bình dị, ấm no, thanh nhàn của cư dân nơi làng quê Bắc bộ.
Ở một mảng chạm rồng khác nơi vì nách sau, lại là hình ảnh rồng mẹ cùng 7 rồng con đang thỏa chí vờn mây, đùa giỡn cũng với vũ điệu của mớm, vờn, truy, nấp... quanh bóng dáng oai nghiêm mà hiền dịu, từ mẫu của rồng mẹ. Chỉ có điều khác biệt ở mảng chạm này, hình tượng người được đưa vào chơi chung với rồng. Ranh giới giữa phàm tục và thần linh, giữa đẳng cấp - bình dân, cùng những giới hạn về thâm nghiêm nơi đình tự, chốn sinh hoạt cộng đồng của làng… được xóa nhòa thông qua những chi tiết chạm khắc, kết nối giữa rồng và hình tượng con người mà thành.
Cái hay, cái đẹp, vốn quý của nghệ thuật dân gian thể hiện ở chính những chi tiết thú vị như ở vì nách đình Phú Hữu. Nhìn vào mảng chạm, có thể thấy ngoài kiểu thức, phong cách, kỹ thuật, mỹ thuật trong trang trí kiến trúc đương thời đã đạt đến đỉnh cao, những người thợ chạm dân gian còn được giải phóng về mọi mặt tư duy, xúc cảm… mới có thể tác tạo nên những nét chạm lay động, phóng thoát, mang nội dung không ranh giới (phàm trần - tiên thánh) như thế.
Rồng, đình làng nào nơi Bắc bộ cũng có trong trang trí kiến trúc, nhưng vũ điệu rồng như ở đình Phú Hữu, chỉ có một.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.