Giải mã mảng chạm khắc đình làng: Đình Tây Đằng, nơi thần tiên hòa nhịp dân gian

16/09/2021 06:22 GMT+7

Trong hơn 1.300 chi tiết trên các mảng chạm trang trí kiến trúc Tây Đằng - đình làng hiện hữu từ thời nhà Mạc (1527 - 1683), chốn thần tiên và đời sống người phàm đã không còn khoảng cách.

Bảo tàng sống động về điêu khắc đình làng cổ

Tọa lạc ở thị trấn Tây Đằng, H.Ba Vì, Hà Nội, đình Tây Đằng - nơi thờ vị thành hoàng làng là Tản Viên sơn thánh, được ví là bảo tàng sống động về nghệ thuật điêu khắc đình làng cổ, thể hiện qua các mảng chạm trang trí trên cấu kiện kiến trúc nơi tòa đại đình.
Với kiểu thức ba gian, hai chái, tòa đại đình của Tây Đằng ngoài yếu tố thờ tự, còn là không gian nghệ thuật, nơi kỹ thuật chạm gỗ thời Mạc thực sự thăng hoa; nơi thần tiên, các loài linh thú, người phàm trần, muông thú rừng xanh, hoa lá trang trí… gặp gỡ nhau, tái hiện đời sống đầy phong phú của người thuần nông lúc đương thời.
Nói về niên đại đình cổ xứ Đoài, Tây Đằng là một trong sáu ngôi đình cổ nhất còn lưu lại từ thời Mạc (sớm nhất của giai đoạn này là đình Thụy Phiêu với năm tu sửa được ghi rõ trên hàng cột cái của gian giữa là 7.12.1531). Tuy không bề thế, to lớn nhưng đình Tây Đằng tạo sức ảnh hưởng đến sự phát triển về mỹ thuật, trang trí kiến trúc các đình làng Việt hình thành sau đó như Chu Quyến, Tường Phiêu…
Quan sát các mảng chạm trên gỗ, vẻ đẹp riêng của đình Tây Đằng thể hiện ở nhiều chi tiết là sự thừa hưởng mỹ thuật từ thời Lý - Trần, tiêu biểu là mảng chạm ở vì nóc với hình tượng rồng bố cục chặt chẽ trong lá đề, hai bên là thần tiên chầu hầu. Hoa văn lá đề là ảnh hưởng từ Phật giáo vào trang trí kiến trúc, xuất hiện từ thời Lý, qua thời Trần và giảm dần đến giai đoạn Lê Sơ. Tính nhắc lại của lá đề trên vì nóc, với chủ thể mảng chạm là hình tượng rồng, ngoài ý nghĩa vốn có của rồng là biểu tượng của nước, hẳn cũng gợi về hình ảnh vị thần chủ của đình là Tản Viên sơn thánh - người cõi núi non, rừng thẳm, thế nên trong hình ảnh hai vị hầu chầu, có thể thấy trên tay đang cầm lễ vật dâng cúng là rắn và bên còn lại khả năng là hổ, đều là những loài thú quý hiếm từ rừng.
Từ hệ vì nóc, thấp xuống một bậc, ở lá gió đầu cột cái, cột quân, ở đấu củng, hình ảnh các vị tiên thần xuất hiện dưới dạng tượng tròn, mang nhiều nét biểu cảm với trang phục, thần thái gương mặt, kể cả tính nam - nữ... được phân định rõ nét. Chi tiết phân tầng với cõi cao không, huyền diệu tiên giới được biểu đạt qua đề tài trang trí. Xuống tầng thấp hơn, là cảnh xen giữa người và tiên, rồi hoạt cảnh dân dã, thân quen như đấu vật, chèo thuyền, trai gái tình tự, cảnh người mẹ gánh con… rất đời thường, bình dị.
Đến đây, có thể thấy rõ giữa hai cõi trời và trần gian được hòa hợp, tạo thành tổng thể cuộc sống từ góc nhìn tâm linh, tín ngưỡng đến sinh hoạt dân gian đời thường. Trong các chi tiết dân gian ấy, gợi mở nhiều điều vượt ngoài tính mỹ thuật vốn có của mảng chạm.

Sự tần tảo, chăm lo cho gia đình của người phụ nữ ở xã hội phong kiến qua mảng chạm mẹ gánh con

Hình tượng phụ nữ trở thành điểm nhấn

Đình Tây Đằng được hình thành trong giai đoạn phong kiến, hẳn tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại. Ngay cả ở thời cận đại, đình làng không phải là nơi dành cho nữ giới, những việc lớn nhỏ của làng, của đình đều do các cụ ông đảm trách, nữ giới không được phép bén mảng vào đình. Nhưng trong các mảng chạm, hình ảnh người nữ được thể hiện rất nhiều. Sự tài tình, khéo léo của nghệ nhân khi đưa vào hình tượng tiên giới (tiên chầu hầu, tiên cưỡi rồng, tiên múa...), xóa đi quan niệm nam - nữ phàm tục. Rồi chỉ vài bước chuyển, hình ảnh thân quen đời thường được đưa vào, nổi bật hình ảnh phụ nữ, mà không vấp phải rào cản nào. Đó là tình vợ chồng, hạnh phúc lứa đôi với cử chỉ đầy thân mật khi người chồng cầm lược chải tóc cho vợ; đó là sự tần tảo, vất vả lo toan của người mẹ nặng nhọc gánh hai đứa con... Hai thái cực của tiên giới và phàm trần được hòa nhịp thành một, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” bị xóa bỏ hoàn toàn. Người phụ nữ trên các mảng chạm, từ tiên thánh đến người phàm, trở thành điểm nhấn, chủ thể chính.
Sử dụng kỹ thuật đục chạm tinh tế với chạm chìm, chạm nông, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm lọng..., đề tài trang trí ở đình Tây Đằng thể hiện tối đa sắc thái biểu cảm của chủ thể, từ tiên thánh, con người cho đến linh thú, hoa lá... đều là những nguyên mẫu tiêu biểu, khai mở sự phát triển kỹ thuật đục chạm trên gỗ tiếp biến qua các giai đoạn kế cận. Sự đồng hiện từ các mảng chạm, không chỉ trang trí đơn thuần, mà còn gửi gắm ở đó ý nghĩa sâu xa về tín ngưỡng, cuộc sống thời đại, mối liên kết giữa con người với thần tiên, thiên nhiên, mối quan hệ giữa người với người. Sự tổng hòa ấy tạo nên tinh thần độc đáo, đặc sắc của mỹ thuật tạo hình đình làng Việt xuyên suốt mọi thời đại. (còn tiếp) t
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.