Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 5: Những bà mẹ trên sàn diễn

14/07/2014 03:15 GMT+7

NSND Bảy Nam đã để lại hàng loạt chân dung bà mẹ trên sàn diễn mà không ai thay thế nổi. Bà diễn như không. Những cảnh đời trên sân khấu cứ chân thật và giản dị nhưng làm người xem phải rúng động con tim.

 >> Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: NSND Bảy Nam - Tượng đài sân khấu
 >> Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 3: Cành hoa mong manh

 NSND Kim Cương, NSND Bảy Nam trong vở Lá sầu riêng - Ảnh: T.L
NSND Kim Cương, NSND Bảy Nam trong vở Lá sầu riêng - Ảnh: T.L

Gầy gò và cam chịu

Thật sự những bà mẹ mà NSND Bảy Nam đóng hầu như đều nghèo khổ và oan trái, chưa hề được ăn mặc đẹp hay sung sướng bao giờ. Nhưng hình như đó chính là hình ảnh của nhiều bà mẹ VN bao đời nay, mà người ta có thể bắt gặp ngay trong ngôi nhà của mình, bắt gặp ở xung quanh xóm làng, khu phố, trong những câu chuyện kể ngày thơ ấu, trong những trang sử đẫm nước mắt. Rất gần gũi. Rất cảm động. Rất ngọt ngào. Người ta khóc, nhưng rồi người ta ấm áp hơn, sống tử tế hơn.

Bà mẹ trong Lá sầu riêng là một tượng đài quá lớn, đến nỗi sau này NSND Kim Cương không cho ai dựng lại kịch bản này nữa. Bà nói: “Đây là kỷ niệm của riêng hai má con tôi, muốn giữ lại như điều gì đó thiêng liêng”. Thôi thì muốn xem thì cứ... mở lại đĩa mà xem.

Hình ảnh hai mẹ con cô Diệu mà Kim Cương và bà Bảy Nam tâm huyết gầy dựng đã in sâu vào lòng người, không ai có thể thay thế. Bởi làm sao diễn cho nổi những câu nói run run khi đứt ruột đưa con sang làm dâu nhà bà hội đồng, những bước chân rón rén khi bước vào ngôi nhà sang trọng, chiếc nón lá và chiếc áo dài cố làm ra vẻ tươm tất vẫn không che nổi cái nghèo và cái rúm ró của người luôn bị đàn áp, rồi những ngón tay lập cập lần giở túi áo tìm chai dầu xức cho con gái khi con bị bà hội đồng đánh đập, ánh mắt thất thần khi bị vu oan là ăn cắp mấy lon gạo, tiếng kêu trời nghẹn ở cổ như có ai bóp nghẹt trái tim, những bước chân loạng choạng khi chia tay con, không ngờ đó là lần chia tay cuối cùng. Rồi tiếng thằng cháu gào theo gọi bà ngoại trong cuộc phân ly vĩnh viễn. Xem bao nhiêu lần là khóc bấy nhiêu...

 NSND Bảy Nam
NSND Bảy Nam - Ảnh: T.L

Bà Bảy Nam gầy như một chiếc lá, đôi mắt như không còn nước mắt để chảy, vì đã chảy quá nhiều. Lá sầu riêng như một chứng nhân lịch sử cho một chế độ phong kiến đã vùi dập những tình cảm thiêng liêng của con người, trong đó có tình mẫu tử. Bà Bảy Nam tuy không giống như bà mẹ của cô Diệu, nhưng bà cũng từng phải cắn răng chia tay con hết lần này đến lần khác, gửi con vào trường dòng để mình an tâm lưu diễn. Những cuộc chia tay và nhớ nhung cứ lặp đi lặp lại nhiều năm nhiều tháng, làm sao không biến thành nước mắt.

Đến Bông hồng cài áo thì bà Bảy Nam lại làm người ta kinh ngạc vì một vai diễn quá tài tình. Vai bà mẹ điên trong trại tâm thần. Điên vì con của bà bị xe cán chết. Những hồi ức, những ngơ ngẩn, những yêu thương... cứ trôi đi trong một cõi mịt mù nửa tỉnh nửa mê nhưng chân thật. Khán giả vẫn khóc như mưa, và tìm thấy trong sự điên dại của bà một khả năng thức tỉnh con người. Nhưng có lẽ nỗi đau của bà Bảy Nam trong vở này xuất phát từ một nỗi đau rất thật của những ngày bà phải chứng kiến đứa con của mình bị bệnh chết. Những cảnh đời thật cứ chảy qua nhân vật như thế, để thấy thương cho bà Bảy Nam đã sống với một nghị lực lớn lao biết chừng nào.

Hát Phụng Nghi Đình trong bệnh viện

Hồi bà Bảy Nam còn sống, tôi vẫn ghé nhà thăm bà tại căn nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Bà nằm “xẹp lép” trên giường vì sức yếu, người mỏng manh như chiếc lá khô, nhưng miệng cứ nở nụ cười mỗi khi có khách đến. Bà nhớ sân khấu, nhớ bạn bè vô cùng. Bà nói: “Má ước kiếp sau má lại làm nghệ sĩ, đi hát nữa”. Nghệ sĩ Kim Cương lắc đầu: “Má ơi, kiếp này làm nghệ sĩ khổ muốn chết má chưa sợ sao mà còn hẹn kiếp sau?”. Bà Bảy Nam cười móm mém: “Không sợ, không sợ! Làm nghệ sĩ khổ mà vui chớ con! Nghề gì cũng làm hoài có một thứ, còn nghệ sĩ thì má được làm vua nè, làm quan nè, làm nông dân, buôn bán... Mỗi vai diễn đem đến cho má những cảm xúc khác nhau, cứ như má được sống bằng mấy kiếp người!”. Kim Cương giả bộ cằn nhằn má mình vài câu rồi âu yếm dỗ: “Rồi, rồi, kiếp sau cho làm nghệ sĩ nữa! Chịu chưa! Nhưng bây giờ bác sĩ cấm tuyệt đối má không được hát đó”. Dặn hoài như vậy bởi vì lâu lâu bà Bảy Nam lại muốn diễn, năn nỉ đến thương đứt ruột. Nhưng có lần bà diễn trích đoạn Lá sầu riêng xong thì bị lên cơn đau tim, thế là bác sĩ cấm hẳn.

Khi bà bệnh quá nặng, NSND Phùng Há cố leo hết từng ấy bậc thang của bệnh viện để lên thăm “bà bạn già” của mình và ôn lại cái ngày khi bà Phùng Há nằm viện thì bà Bảy Nam vô thăm, cùng nắm tay nhau hát trích đoạn Phụng Nghi Đình. Bà Phùng Há đóng Lữ Bố, bà Bảy Nam đóng Lý Nhu, y như ngày xưa cùng ở một đoàn. Nhưng bây giờ Lữ Bố và Lý Nhu không phục trang, không son phấn, sàn diễn là nền phòng bệnh, khán giả chỉ có mỗi nhà nhiếp ảnh Công Minh tháp tùng đi theo, ông bất ngờ và cảm động ghi lại vài tấm ảnh kỷ niệm. Vậy đó, cả hai cây đại thụ đều mang theo tình yêu sân khấu đến hơi thở cuối cùng... Bà Bảy Nam mất năm 2004, bà Phùng Há mất năm 2009, không biết có gặp nhau ở kiếp sau để cùng đứng sau cánh màn nhung như lời hẹn ước...

Hoàng Kim

 >> Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Người góp công lớn cho cải lương
 >> Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương: Cô đào hát bội lọt mắt xanh vua Thành Thái
 >> Kỳ nữ Kim Cương lặng lẽ trong đêm Tình ca
 >> Kỳ nữ" Kim Cương - Kỳ 2: "Nỗi ám ảnh từ cái chết của cha
 >> Kỳ nữ" Kim Cương - Kỳ 1: Vào nghề
 >> Kỳ nữ Kim Cương "tái xuất giang hồ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.