Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: NSND Bảy Nam - Tượng đài sân khấu

13/07/2014 03:00 GMT+7

NSND Bảy Nam là em ruột của nghệ sĩ Năm Phỉ, là mẹ của NSND Kim Cương. Bà không chỉ là diễn viên xuất sắc mà còn là một “bà bầu” máu lửa, nhưng hầu như suốt cả đời phải vất vả chống chèo lo cho cả gia đình.

>> Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 3: Cành hoa mong manh
>> Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Người góp công lớn cho cải lương
>> Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương: Cô đào hát bội lọt mắt xanh vua Thành Thái

 Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 4: NSND Bảy Nam - Tượng đài sân khấu
NSND Bảy Nam - Ảnh: Tư liệu gia đình

19 tuổi đã làm bầu

Thật không thể tưởng tượng được một cô gái mới 19 tuổi mà đã dám lập gánh riêng, trút hết tài sản và tâm sức cho niềm đam mê mãnh liệt. Thực sự, ông Lê Công - cha của bà Bảy Nam - đã rút kinh nghiệm từ đứa con gái Năm Phỉ nên càng ráo riết ngăn cản đứa con gái kế tiếp đi theo gánh hát. Ông giữ con bằng mọi biện pháp, kể cả đánh đòn thật đau và đem Bảy Nam theo mỗi khi ông đi công tác ở xa, mặc kệ Bảy Nam bị trễ năm học. Bởi ông thấy ở cô con gái này những dấu hiệu mê hát y như chị nó. Ngồi đâu cũng hát, cuốn tập nào cũng chép bài hát.

Khi ông chết đi, người anh trai của Bảy Nam quyền huynh thế phụ, càng quản lý Bảy Nam chặt chẽ hơn nữa, ngày nào cũng kiểm tra tập vở, ngày nào cũng vặn hỏi Bảy Nam lịch học. Nhưng anh cũng không thể ngờ cô em gái đã lấy chính trường học làm nơi tập tuồng, làm sân khấu biểu diễn. Bạn bè xúm lại tập ở gầm bàn, kẹt tủ, tập đến bỏ cơm bỏ nước, và thành tích học hành thì… thường xuyên đội sổ. Ngay cả ru em thì Bảy Nam cũng lấy bài bản hát bội và tài tử ra ca, thằng em nín liền. Và cơ hội đến khi Bảy Nam được mẹ dẫn đi thăm chị Năm Phỉ lúc ghe hát về biểu diễn. Cô đào phụ trong gánh đột xuất bỏ trốn, thế là mọi người quýnh quáng cho Bảy Nam thế vai. Vai diễn đầu tiên trong đời lúc 14 tuổi đã dẫn luôn Bảy Nam đi theo gánh hát với sự yểm trợ của bà mẹ, người một lần nữa xé rào giải phóng cho đứa con gái tài hoa.

Bảy Nam đi theo bà Năm Phỉ mấy năm thì đổ hết tiền dành dụm của mình ra lập gánh Nam Hưng vào đúng năm 1931, với tất cả lòng yêu nghề và máu hiếu thắng của tuổi trẻ. Bà mời ông thầy tuồng nổi tiếng người Quảng Đông về dạy vũ đạo, thuê căn biệt thự to đùng để anh em sinh hoạt, tập tuồng, trả tiền ăn, tiền cát sê hậu hĩnh… Cuối cùng, bà phải trả “kinh nghiệm” cho tuổi trẻ hiếu thắng ấy bằng sự trắng tay. Nhưng vấp ngã đầu đời ấy cũng báo hiệu một nghị lực phi thường mà mấy chục năm sau này bà đã tựa vào nó để vượt qua biết bao gian truân thử thách. Gương mặt của bà không tròn trịa thanh tao như bà Năm Phỉ mà góc cạnh, khắc khổ hơn, lại mang cái tên của đấng nam tử trượng phu, cho nên đã vận vào người một sự nghiệp to lớn nhưng cũng đầy gian nan thử thách.

Cốt cách trượng phu

Thử thách ấy tính từ lúc bà lập gánh Nam Hưng đến sau này khi chồng chết, bà phải gánh vác gánh Phước Cương, rồi gánh Tam Phụng (chung với nghệ sĩ Năm Phỉ, Mười Truyền), gánh Nam Lân (chung với soạn giả Duy Lân), Đoàn ca vũ nhạc kịch Năm Phỉ, cuối cùng là gánh Năm Phỉ - Kim Cương, thật tình không biết tính bao nhiêu cho xuể. Lưu diễn từ bắc chí nam, có khi qua tận Nam Vang, có khi đóng đô ở các thành phố hoa lệ, cũng có khi vô tận vùng hẻo lánh xa xôi, rừng cao su mù mịt…, lúc nào bà Bảy Nam cũng gánh trên vai  trọng trách của một người trụ cột lo cho mấy chục miệng ăn, lo đối phó với chính quyền khó chịu, đối phó với bọn côn đồ chuyên quậy gánh hát, lo ứng xử với từng ông chủ nợ, từng ngôi sao trong đoàn, lo tang ma cho chị, cho chồng… Chưa kể còn phải leo lên sân khấu mà diễn hằng đêm, khi mang thai 8 tháng vẫn không dám bỏ vai, rồi đẻ con dọc đường trong hoàn cảnh một thân một mình, rồi nách con đi theo gánh hát, khi gánh hát khó khăn thì bà chuyển sang đóng phim cũng ngọt xớt không thua gì sân khấu… Chưa kể bà còn chắp bút viết kịch bản khi gánh hát thiếu thầy tuồng. Người phụ nữ nhỏ thó ấy đã vùng vẫy trong cái nghiệp sân khấu của mình một cách dũng cảm và bình tĩnh, lặng lẽ xử lý tất cả gian nan mà không hề than thở.

Mãi đến năm 1954, bà tái hôn với ông lục sự Phạm Hữu Điệc, con trai của một điền chủ giàu có tại Bà Rịa, và khi ấy Kim Cương cũng đã 16 tuổi có thể gánh vác gia đình, thì bà mới được nhẹ nhàng quẳng gánh lo đi. Người chồng này thương yêu chăm sóc bà đến tận năm 1988, khi ông qua đời. Nhưng khi Kim Cương thành lập đoàn kịch nói thì bà lại đứng mũi chịu sào giúp con, lo hết chuyện nội vụ để Kim Cương thảnh thơi mà sáng tác kịch bản, dựng tuồng, biểu diễn. Bà còn kiêm luôn nhiệm vụ “cố vấn nghệ thuật” và đóng luôn những vai bà mẹ tuyệt vời. Kim Cương nói: “Tuồng nào tôi cũng đọc cho má nghe, rồi má góp ý, bổ sung. Ơn má không bút nào tả hết”. Hóa ra, ở giai đoạn lẽ ra phải được nghỉ ngơi thì bà lại “hồi sinh” lần nữa với sân khấu, và trở thành một tượng đài không thể thay thế trong hàng loạt vở kịch của Kim Cương.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.