'Gặp gỡ mùa thu' - một hình dung điện ảnh khác

01/12/2014 13:55 GMT+7

(TNO) “Tôi nhận ra mình phải học lại kể cả cách xem phim”, đạo diễn trẻ Lê Lâm Viên, người năm thứ 2 liên tiếp tham gia lớp điện ảnh của Gặp gỡ mùa thu, nói.

 Gặp gỡ mùa thu- một hình dung điện ảnh khác
Lớp học tại Gặp gỡ mùa thu - Ảnh: BTC cung cấp

Khi Lê Lâm Viên xem bộ phim Barry Lyndon của Stanley Kubrick tại lớp học của thầy giáo - đạo diễn Trần Anh Hùng - một cảm giác lạ lùng đã cuốn anh đi. Trong lớp, đạo diễn Trần Anh Hùng cũng muốn học viên hiểu cả tầng sâu hơn của mỗi cảnh, cả về ánh sáng, âm nhạc, tâm lý… 

“Tôi nhận ra cả cách xem phim của tôi cũng chưa đúng. Một bộ phim có ba lớp nghĩa. Lớp thứ nhất là câu chuyện, lớp thứ hai là ý nghĩa, lớp thứ ba là phong cách. Tôi chưa xem được hết cả ba như một nhà làm phim phải làm”, Lâm Viên tâm sự.

 

Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết thành phố của ông tự hào vì là nơi diễn ra sự kiện điện ảnh này, với sự có mặt các tài năng điện ảnh của Việt Nam, cũng như các bậc thầy điện ảnh từ nhiều nước trên thế giới.

Ở lần tổ chức thứ hai, Gặp gỡ mùa thu đã cho thấy một cách thức tổ chức chuyên nghiệp. Lớp học với các giảng viên là nhà làm phim đã ghi dấu trên đấu trường quốc tế. Học viên giàu triển vọng. Các hoạt động thiết thực: học chào hàng dự án, tìm hiểu pháp luật bảo vệ bản quyền…

Nhưng điều đạo diễn của Mùi đu đủ xanh yêu cầu còn nhiều hơn thế. Ông cũng mang đến nhiều hơn những phân tích cảnh phim, bộ phim cụ thể. Trần Anh Hùng muốn các đạo diễn trẻ dự lớp học phải hiểu nhiều hơn về văn hóa, về mọi lĩnh vực mà mình sẽ phải chạm vào. Mà với điện ảnh, những cú chạm như thế thực sự không bao giờ ngừng nghỉ...

Rõ ràng, những đạo diễn trẻ đang gặp nhiều thách thức khi làm phim. Không chỉ là tiền. Cái cần nhất là điểm tựa hiểu biết để có thể bật nhảy. Và ngay ở điểm khởi đầu, cách học xem phim - giải mã phim, giống như Viên, họ cũng đang cần học lại.

“Tôi thấy những nội dung học thế này rất bổ ích, nếu đưa vào trường điện ảnh được thì quá tốt”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nói. Tại Gặp gỡ mùa thu, bà Ngát cũng lần đầu tiên được dự một buổi chào hàng phim. Những vấn đề luật bản quyền được luật sư thuyết trình cũng khiến nhiều người làm điện ảnh lâu năm cảm thấy lạ lẫm. Họ đã không thể hiểu rằng, sau khi phim ra rạp, người ta vẫn có thể thu lợi tiếp tục từ sản phẩm này qua nhiều kênh khác. Họ đã “chỉ biết làm phim thôi chẳng hiểu gì” từ quá lâu.

Nhưng thế hệ mới bây giờ không thể như vậy. Và xác định đó là những kiến thức về sản xuất phim cần học, Gặp gỡ mùa thu đã cho các bạn trẻ cơ hội đó.

“Thế hệ của Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp cũng đã mất 5 năm để đi từ phim ngắn đầu tiên đến phim dài đầu tiên. Với chương trình đào tạo như thế này, chúng tôi mong là thế hệ đạo diễn trẻ sẽ rút ngắn được quãng đường phải đi lòng vòng”, một nhà phê bình nói.

Gặp gỡ mùa thu là một hình dung về điện ảnh khác. Đó là một nền điện ảnh của những người trẻ không ao ước suông mà tìm mọi cách để tiếp cận với điện ảnh thế giới. Họ cũng không quên tuân thủ những quy luật của thị hiếu, thị trường. Họ ý thức rõ ràng về môi trường pháp lý chặt chẽ cho những tác phẩm mà mình sẽ làm ra. Với cách đào tạo như thế, hình dung về điện ảnh trẻ mà chuyên nghiệp đang rõ dần.

Có bốn giải thưởng đã được trao cho các dự án và học viên tại Gặp gỡ mùa thu. Giải thưởng lớn Autumn Meeting Grand Prix (trị giá 50 triệu đồng) trao cho đạo diễn Đỗ Quốc Trung với dự án Cha cha cha. Giải Lựa chọn của các nhà sản xuất (30 triệu đồng) thuộc về đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy (đạo diễn phim ngắn 16g30) với dự án Thằng Ròm. Giải thưởng Bộ phim của tương lai thuộc về đạo diễn Phan Nha Trang với Vũng và Nguyễn Lê Hoàng Việt với Dịch vụ bạn cùng phòng). Hai dự án này nhận được gói hậu kỳ của Katana và Chánh Phương Films.

Không có học viên nào nhận giải thưởng Tay máy vàng. Giải thưởng 1.000 USD của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ được chia đều cho cả bảy học viên.

Trinh Nguyễn

>> Gặp gỡ mùa thu: Học ‘chào hàng’ dự án phim
>> Gặp gỡ mùa thu': Câu chuyện của tương lai
>> Khai giảng khóa học điện ảnh trong khuôn khổ 'Gặp gỡ mùa thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.