Game show về trí tuệ hút khán giả

Nguyên Vân
Nguyên Vân
24/11/2019 07:08 GMT+7

Giữa trùng lớp những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, những game show thuần giải trí quanh đi quẩn lại các nghệ sĩ quen thuộc, sự xuất hiện của các game về trí tuệ trở thành tâm điểm trên màn ảnh nhỏ.

Giải trí bằng trí tuệ

Siêu trí tuệ vốn là game show lan tỏa rộng khắp thế giới với những phiên bản quốc tế ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... Và Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mua bản quyền sản xuất và phát sóng từ EndermolShineGroup - Đức (bởi DID TV). Ngay sau khi ra mắt tập đầu tiên tối thứ bảy 26.10 trên kênh Vie Channel - HTV2, game show thiên về trí tuệ này như “cục nam châm” hút mọi sự chú ý, không chỉ vì là “món mới” trên “bàn tiệc” giải trí, mà chính bởi sự độc, lạ của các nhân vật chơi game.

Mong xã hội sẽ cùng chung sức khuyến khích những tài năng này phát huy khả năng của họ, tạo điều kiện cho họ có những cơ hội đóng góp cho cộng đồng bằng công việc phù hợp nhất

Nguyễn Thị Tố Uyên, Giám đốc nội dung DID TV
Sự hứng thú và lôi cuốn khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình, ngay từ những thử thách đầu tiên của Diệu Linh (17 tuổi) khi nhận diện chính xác 2/3 bức ảnh ngẫu nhiên do giám khảo chọn từ 100 bức ảnh sân bay chụp từ vệ tinh (với 30 phút ghi nhớ trước đó) hay của cậu bé 14 tuổi Phước Vinh với khả năng ghi nhớ 1.000 sự kiện lịch sử của Việt Nam và thế giới trong vòng 20 phút. Sức hấp dẫn của những “siêu trí tuệ” này được minh chứng bằng thành tích lọt vào top 5 trending (thịnh hành) với gần 3 triệu lượt xem cùng gần 7.000 bình luận sau hơn 24 giờ khi tập 1 được phát lại trên YouTube.
Các

Các "siêu trí tuệ" khiến khán giả chờ mong tối thứ bảy hằng tuần

Ảnh: BTC

Và cứ thế trong từng tập phát sóng, với sự xuất hiện của những “siêu trí tuệ” mà mỗi gương mặt đều “gây choáng” cho người xem khi vượt qua những thử thách không tưởng: truy tìm vân tay của Phương Nghi, cỗ máy rubik của Ngọc Thịnh, khả năng tính nhẩm thần sầu của cậu bé 12 tuổi Gia Hưng, khôi phục mảnh vỡ của Sơn Tùng, địa cầu siêu không gian của cậu bé 7 tuổi đã học toán lớp 7 Thế Anh hay tốc độ xử lý chóng mặt của chàng sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Việt Hoàng với thử thách bách khoa siêu ô chữ... Trên truyền hình, sẽ thấy các giám khảo Lại Văn Sâm, Tóc Tiên... hay MC Trấn Thành với biểu cảm “mắt chữ A, mồm chữ O khi chứng kiến các thí sinh vượt qua những thử thách ấy.
Còn dưới những bình luận của khán giả trên kênh YouTube của chương trình, ngoài sự ngưỡng mộ là không ít đề nghị: hãy tổ chức những cuộc thi trí tuệ tương tự để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Tham gia chương trình với tư cách là khách mời chuyên môn của thử thách về lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: “Siêu trí tuệ Việt Nam là chương trình thuần trí tuệ theo kiểu vượt qua khuôn khổ trắc nghiệm, mỗi tài năng được thể hiện một cách riêng biệt, giúp phát huy tối đa năng lực của họ”. Còn nhà báo Lại Văn Sâm hào hứng: “Mình xem của thế giới mình ngưỡng mộ, còn bây giờ trước mắt mình là những bạn trẻ Việt Nam. Họ bứt phá mọi rào cản để không chỉ nổi tiếng trong nước, mà những gương mặt này chắc chắn sẽ đại diện xứng đáng cho Việt Nam trên đấu trường quốc tế”.
Sản xuất chương trình này, cùng với việc tìm - phát hiện - giới thiệu những tài năng, trí tuệ Việt Nam đến khán giả, những người thực hiện “mong muốn xã hội sẽ cùng chung sức khuyến khích những tài năng này phát huy khả năng của họ, tạo điều kiện cho họ có những cơ hội đóng góp cho cộng đồng bằng công việc phù hợp nhất”, như bà Nguyễn Thị Tố Uyên - Giám đốc nội dung DID TV chia sẻ.

Hay, thu hút nhưng... hiếm

Màn ảnh nhỏ Việt Nam đã có các game show, chương trình truyền hình thực tế về trí tuệ từng “gây sốt” trong giới học sinh, sinh viên lẫn khán giả nói chung như: 7 sắc cầu vồng, Trúc xanh, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5 (ngưng sản xuất), Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú, 100 triệu một phút... hay gần đây có Sếp nhí khởi nghiệp. Không khó để thấy sức hút của những game show thiên về trí tuệ, kiến thức này, khi đến nay Đường lên đỉnh Olympia đã bước sang năm thứ 20, Ai là triệu phú cũng chạm mốc 15 năm phát sóng.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc VietcomFilm (đơn vị sản xuất 100 triệu một phút): “Xưa nay trí tuệ luôn làm người ta ngưỡng mộ, đó cũng là yếu tố thu hút tự nhiên. Tuy nhiên, không vì vậy mà game show về trí tuệ dễ thực hiện vì nhiều lý do mà trong đó, người chơi là vấn đề nan giải nhất”. Nếu là game có nghệ sĩ tham gia, càng không dễ dàng thuyết phục khi nhiều người nổi tiếng ngại bị “mất mặt” trên sóng truyền hình hay sau đó dễ bị “ném đá” khi không trả lời được những câu hỏi liên quan kiến thức. Còn người bình thường, không phải ai tài năng cũng có thể tự tin lên sóng truyền hình thi thố.
Ví như ở Siêu trí tuệ Việt Nam, nhà sản xuất cho biết họ mất nhiều thời gian để thuyết phục thí sinh lẫn gia đình các bạn đồng ý tham gia. Có thí sinh, nhà sản xuất phải thuyết phục hơn 3 tháng mới xong. Chưa kể khi đồng ý, họ còn trải qua các bước kiểm tra năng lực thí sinh quanh khả năng mà họ đang sở hữu, kiểm tra trình độ năng lực thực tế có đủ đáp ứng tiêu chí của thử thách trong chương trình hay không...
Và với các chương trình về trí tuệ, điều quan trọng còn là việc tìm kiếm đội ngũ nhà chuyên môn, cố vấn nội dung để đảm bảo tính thuyết phục, dù là game show. Chẳng hạn ở Siêu trí tuệ Việt Nam, cùng giám khảo khoa học là PGS-TS Trần Thành Nam, còn có Ban Cố vấn khoa học - với đại diện là kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ, luôn đồng hành xuyên suốt chương trình, bên cạnh sự tham vấn của các chuyên gia phía sở hữu format gốc (EndermolShineGroup) và những vị cố vấn thuộc các chuyên ngành theo thử thách như toán học, thể thao, âm nhạc, lịch sử... Chỉ bấy nhiêu đủ thấy sự “khó nhằn” khi làm game show về trí tuệ.
Hơn nữa, với tính chất của một game show, nhà sản xuất còn “đau đầu” trong việc dung hòa giữa yếu tố trí tuệ và giải trí. Nói như bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, điều quan trọng nhà sản xuất nào cũng biết mà không dễ làm tốt, là kết hợp yếu tố giải trí và trí tuệ để tăng tính hấp dẫn của chương trình. Điều đó cũng lý giải việc vì sao Siêu trí tuệ Việt Nam lại có những giám khảo cho điểm dự đoán là nghệ sĩ. Và chính điều này cũng khiến không ít người xem phản ứng rằng “không biết nghệ sĩ hiểu gì về chuyên môn mà ngồi chém”.
Chia sẻ về điều này, PGS-TS Trần Thành Nam cho rằng: “Khả năng biểu cảm cũng là một dạng năng lực của trí tuệ cảm xúc. Anh Lại Văn Sâm, Trấn Thành và Tóc Tiên đều có khả năng thấu cảm với cảm xúc của nhân vật và khán giả trong trường quay. Họ có khả năng dùng những biểu cảm chân thực của mình để điều chỉnh, điều khiển và tác động đến cảm xúc của những người xung quanh. Nếu không có những biểu cảm đó, chắc các bạn sẽ không cảm nhận hết được những diễn biến nghẹt thở khi thử thách diễn ra”.
 

Bí kíp luyện “siêu trí tuệ”

* Gia Hưng: “Nhiều người nghĩ bố mẹ là người bắt em đi học, nhưng bộ môn này nếu không có đam mê thì cũng không theo học lên các cấp độ cao được, nên em nghĩ đam mê là điều quan trọng nhất, tiếp theo là phải chăm chỉ luyện tập đúng phương pháp”.
* Diệu Linh: “Đó là sự kiên trì. Em luyện tập khoảng 3 tiếng mỗi ngày, riêng thứ bảy, chủ nhật sẽ là 5 - 6 tiếng”.
* Việt Hoàng: “Rèn luyện để có khả năng ghi nhớ tốt giúp em rất nhiều trong việc lưu trữ và xâu chuỗi kiến thức, từ đó có một phương pháp học tập phù hợp nhất cho bản thân”.
* Mai Tường Vân: “Trí nhớ chỉ là một phần của trí tuệ, nhưng nếu có trí nhớ tốt thì hẳn sẽ giúp ích nhiều hơn cho các mặt khác của trí tuệ”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.