Gã săn cổ vật - Truyện ngắn của Võ Chí Nhất

1. Lĩnh “đồ cổ” đã đợi ngày này lâu lắm rồi!

Cả tháng nay trong đầu gã chỉ có ngày 2 tháng 9. Ngày mà gã được trả tự do. Nhiều đêm rồi gã không thể chợp mắt vì mừng. Ở đây, sự buồn chán khiến Lĩnh thiếu kiểm soát. Gã chẳng biết làm gì ngoài việc tiêu hao năng lượng cho việc giảm thiểu sự nhàm chán bằng cách đan những con thú bằng ni lông. Cứ nghĩ tới những ngày “đi sứ” (1) sắp tới, những món cổ vật ngon lành đang chờ, lòng gã lại rộn lên như một tay săn sách tóm được bản thảo gô tích cổ. Lĩnh đứng ngồi không yên, cứ đi tới đi lui đến nỗi bạn tù phải thốt lên: “Đít mày có nhọt à” gã mới chịu gieo mình xuống sàn ôm ấp sự im lặng - người bạn đồng hành kiệm lời. Tâm trí gã vẫn cứ mải đuổi theo mớ đồ cổ chạy lung tung trong đầu mình.
Giới săn đồ tận dụng mấy tháng mùa khô để đi sứ. Những lúc rảnh rang thì buôn bán nhì nhằng hoặc ngồi lê la tổ tôm, bù khú với đám thợ săn già nghề. Hết tiền lại lên rừng làm xu (2). Thường thường, Lĩnh “đồ cổ” sẽ hóa trang thành thợ săn ảnh để có thể tự nhiên săm soi vào mọi xó xỉnh mà không bị ai để mắt tới. Chỗ nào có món đồ ngon chỗ ấy như nhà có gái đẹp. Không sớm thì muộn Lĩnh “đồ cổ” cùng bọn đàn em cũng đánh hơi ra được. Đó là kỹ năng đặc biệt của người làm nghề. Mỗi năm chỉ cần trúng vài “quả” là đủ ăn. Còn năm ngoái, quả lớn nhất của gã là… Chí Hòa. Lĩnh cay còn hơn cắn ớt.
Nghĩ đến ngày tháng ăn nên làm ra trước kia, mặt Lĩnh thuỗn ra như cái lưỡi cày bị cùn. Những ngày chờ đặc xá rặt cái đồng hồ chết giờ, nhìn đâu cũng thấy tuyển thủ đội Juventus. Gã chán. Chán. Chán lắm rồi. Gã thở dài đánh thượt rồi lấy cái gương ra soi. Cái gương nhỏ mà người bạn kết nghĩa trong một chuyến “đi sứ” tặng Lĩnh trước lúc vào đây. Lĩnh đưa tay vuốt tóc. Mái tóc mà 18 tháng trước gã chải như Đan Trường. Nhưng giờ thì thảm hại rồi. Mái tóc bị cắt cụt lủn như một cây chổi lông rẻ tiền.
Lĩnh thôi vò đầu bứt tóc ngồi trầm tư như một vị ẩn sĩ quan sát nhân tình. Lúc này gã chỉ muốn nghiền ngẫm những việc đã qua, tỉ mỉ toan tính những dự định ấp ủ bấy lâu. Vì sắp đến lúc để thực tiễn kiểm chứng mớ lý thuyết hàn lâm đó rồi. Gã sực nhớ bạn tù xung quanh vẫn còn đang nghỉ ngơi nên miễn cưỡng đặt mông xuống chiếc chiếu bóng lưỡng quen thuộc.
2. Sáng hôm sau, khi tiếng chìa khóa keng keng vang vang rồi tiếng kéo then cửa lách cách gần bên tai, gã xốn xang như đứa trẻ dậy thì sớm. “Tự do, tự do rồi”, gã nói trong bụng thế. Rồi hai người, một trung úy, một thiếu úy bước vào phòng giam dõng dạc đọc tên những người may mắn được đặc xá, trong đó có tên Lĩnh “đồ cổ”. Gã đã nhận lại đồ lưu ký, giờ đi lăn tay rồi có thể cầm quyết định đặc xá đường đường chính chính rời khỏi nơi này.
Lĩnh đi như chạy nhưng bị trung úy vịn lại:
- Lo mà làm ăn cho tử tế, tao không muốn gặp lại mày đâu! - Trung úy nghiêm giọng nói.
Lĩnh dám cá rằng, sự ra đi của gã đã mang lại một niềm vui không nhỏ cho trung úy nhưng niềm vui đó không hề được biểu lộ trên khuôn mặt cứng cáp kia. Thế nên Lĩnh giả lả, cười như không cười. Bởi lẽ gã nhận ra con người không bao giờ nói những điều có thể đi vào trái tim nhau mà chỉ nói toàn lời đắng cay. Cuộc đời luôn trái khoáy như thế.
- Tôi làm gì phạm pháp, thưa cán bộ?
- Phải rồi! Hiện tại thì không, nhưng sau này thì khó mà nói trước được. Dù sao cũng mừng cho mày, hòa nhập cộng đồng cho tốt nhé!
- Tôi còn nhiều dự định phải thực hiện ngay sau khi rời khỏi nơi này. Thôi, chào cán bộ!
Lĩnh từ biệt nơi đã che chở gã suốt mấy mùa mưa gió bằng điệu Moonwalk nổi tiếng trước con mắt đầy ganh tị của các bạn tù khác. Có người nói với ra: “Nhớ vào thăm tụi tao nghen Lĩnh đồ cổ” rồi cả đám tù cười ồ lên.
Câu đùa làm Lĩnh chạy trối sống. Một lần này thôi là gã tởn tới già: “Tao còn phải lo làm ăn, hơi đâu vào thăm tụi mày, lũ điên”.
Việc đầu tiên sau khi ra tù là Lĩnh đi gặp thằng đệ kết nghĩa của mình. Thằng Thạch. Cái thằng có cặp mắt to như con khỉ cú, mũi như khỉ vòi, một ví dụ xuất sắc khi tìm hiểu về loài khỉ. Thạch đương nhâm nhi cuốn Đập cái bình cổ bổ sung kiến thức để có thể mang ra tiếp chuyện mấy tay thợ săn lúc cần thiết. Thấy Lĩnh, Thạch “khỉ” vứt ngay quyển sách đi vì chính Lĩnh đã là một cuốn sách chuyên về khảo cổ rồi.
Thạch nhảy cẫng lên vui sướng khi gặp lại Lĩnh “đồ cổ”. Rồi Thạch đưa gã vào nhà, chính xác là cái kho, nơi mà Lĩnh ký gửi đồ trước khi “nghỉ đông”. Sự am tường đồ cổ của Thạch chỉ lõm bõm nên gã cũng chả thèm rớ tới mấy món đồ đó làm gì. Vả lại Lĩnh sa chân Chí Hòa cũng là rồng mắc cạn, sớm hay muộn cũng được trả tự do. Thằng đàn em như gã sức mấy mà dám qua mặt. Vừa thấy, Lĩnh nhảy tới nâng niu từng món một:
- Cái này là đèn dầu Hoa Kỳ, này là đèn bầu pha lê Pháp, mảnh giấy cói, cái bi đông thời chiến… mớ đồng xu cổ, vẫn còn thiếu một vài thứ nữa - Gã ngoái mặt lại nhìn Thạch đương ngoáy mũi - Ngày mai tao sẽ tới viện bảo tàng nhận về một vài món đồ. Tới lúc giải phóng mớ đồ này kiếm chút đỉnh bồi dưỡng rồi. Trong đó ăn uống sa sút quá, tao sụt hơn mười ký lô đấy - Lĩnh nhìn khuôn mặt béo bệu của Thạch “khỉ” mà tủi. Gã hít mũi làm ra vẻ oan khuất, mặt đỏ dừ như muốn khóc. Nhưng điều gã tiếc không phải là mười ký lô mà là mái tóc, mái tóc hệt thần tượng. Rồi gã nghĩ đến mỗi việc tụ tập tại quầy bar, làm một cốc bia lạnh sủi bọt, tự do ngắm các cô em thỏa thích mà không bị bé cưng ngồi kế bên ngắt hay nhéo.
Dường như Thạch “khỉ” chả quan tâm mấy đến chuyện Lĩnh “đồ cổ” nói. Nhìn hắn kìa. Cười suốt buổi. Nếu để mớ đồ cổ dày công sưu tầm trong tay một người thiếu i ốt như thằng Thạch cất giữ thì thật lo lắng, bởi thế nên trước khi đến Chí Hòa, Lĩnh đã gửi hết số ngon ở viện bảo tàng. Gửi vào đó để chuyển tải thông điệp lịch sử đến người dân mà lại được bảo quản kỹ càng chẳng phải hay hơn sao? Vậy mà thằng đệ vẫn chưa chịu hiểu ra, cứ thể hiện sự ngớ ngẩn của mình bằng những lời lẽ ngu xuẩn. Gã lắc đầu nguầy nguậy kèm theo lắm nỗi lo. Lĩnh không ngờ sau 18 tháng gặp lại, thằng Thạch “khỉ” vẫn không tiến bộ lên chút nào.
- Mày khờ quá khỉ à! Theo tao mày không khôn lên được là tại mày đó.
- À, đại ca - hắn vò mái đầu bờm xờm, ấp úng - có chuyện này em không biết có nên nói hay không. Lúc anh đi vắng, lão Khánh Tường ở Hóc Môn vừa tầm được chiếc đĩa trà Khánh Xuân Thị Tả, đẹp như… Ngọc Trinh! Đại ca thấy mà không mê thì gì em cũng chịu - Hắn vừa nói vừa xuýt xoa hai bàn tay tỏ ý thèm muốn.
Mặc dù đang mệt nhưng mắt Lĩnh sáng lên như ánh lửa pháo hoa:
- Thật sao? Cái đĩa đó thời giá bây giờ ít nhất cũng 8 ngàn đô. Nhưng với tao thì tiền bạc chỉ là phụ, đam mê mới là chính. Sống được với đam mê mới khoái.
- Phải phải, đại ca nói đúng lắm. Mình đi xem thử không?
Lĩnh im lặng rồi đảo mắt một vòng trên trần nhà như đang dự tính điều gì. Lão Khánh Tường mà thằng đàn em vừa nhắc tới gã còn lạ gì nữa. Một con người cao giá, nổi tiếng trong nghề với lối sống lập dị thế cũng chẳng trách. Điều đáng trách là lão không xem anh em trong nghề ra gì. Hồi mới vào nghề, Lĩnh bị lão cho một vố nhớ đời. Qua các mối lái, Lĩnh mua được chiếc lọ độc bình đời Minh của một gia đình người Hoa ở phố đồ cổ. Gã mừng lắm. Vài hôm sau, Lĩnh mang đến mấy tay đầu nậu bán để ăn chênh lệch thì họ lắc đầu, cười: “Đồ giả chú mày ạ”. Nghe thế Lĩnh hoảng quá, đành bán thốc bán tháo cho lão Khánh Tường giá hai triệu đồng để hòa vốn. Ít lâu sau, Lĩnh mới biết chiếc độc bình về tay chủ mới với giá gấp 80 lần nhờ thủ đoạn của lão Tường và thói đỏng đảnh của thị trường đồ cổ. Giờ nghĩ lại gã vẫn còn tức cành hông. Tâm tư của gã lúc nào cũng bị ám ảnh bởi hành vi của con người lập dị kia. Nghĩ cách trả thù cho lòng tự ái bị tổn thương là điều cần thiết, và bất kỳ một tay buôn đồ mẫn tiệp nào trong hoàn cảnh này cũng sẽ làm thế. Lĩnh “đồ cổ” lầm bầm: “Hồi đó mình còn non tay nên mới tuột xích thôi. Còn giờ thì phải cho lão một vố…”.
Ngay hôm sau, Lĩnh “đồ cổ” phone cho đám bạn cũ để dò hàng nhưng mục đích chính là thông báo cho họ biết sự trở lại của một thợ săn lành nghề. Cốt yếu là để bọn đàn em dò hỏi cái đĩa Khánh Xuân Thị Tả mà lão Tường đang sở hữu thực hư thế nào. Mỗi ngày đều có cả chục thương lái tới hỏi thăm lão cái đĩa ấy. Vì đây là món hàng nhà Nguyễn đặt làm ở Trung Quốc nên lão ta chưa dám ra giá chứ đồ Việt xưa lão sành như lòng bàn tay. Khánh Tường sinh lo vì mười người đều cho mười ý kiến khác nhau, lão chỉ biết cái đĩa của mình có giá 8 ngàn đô mà thôi. Ngay ngày hôm sau, lão nhận một nhân viên để làm công việc cao quý là canh giữ cái bình cổ ở phòng trưng bày nhà lão. Khi phỏng vấn, lão cho người nhân viên ăn một bát xúp (3). Sau khi ăn xong bát xúp thì công việc của hắn chính là canh giữ cái đĩa kia cho đến khi lão tìm được người để gả nó, hoặc nó được di chuyển an toàn đến viện bảo tàng, nơi những ánh mắt thèm thuồng đều hóa thành những giọt nước dãi. Thế nhưng bọn cò bọng chả dẫn người nào tử tế đến mua, toàn gạ gẫm. Lão còn lạ gì bọn man trá ấy. “Một lũ bịp”, lão phải thốt lên như thế để đuổi cổ cả đám ra về.
Lâu nay lão muốn giải nghệ vì cái tên Khánh Tường sớm đã vang khắp giới buôn cổ vật. Con người ta khi đạt tới đỉnh danh vọng thì họ chỉ muốn phủi bỏ mọi thứ để quay về với căn phòng riêng. Lão sẽ bán sạch sành sanh kiếm một số vốn rồi cuốn gói về Củ Chi gầy dựng một trang trại, rũ bỏ mọi cám dỗ của nghề buôn đồ cổ. Ngặt một nỗi nó thú quá, chưa bỏ được. Ý định này có từ rất lâu, nói tới nói lui lại chìm vào quên lãng. Cho đến khi bà vợ phải nhắc lại đến lần thứ n lão mới ầm ừ đồng ý. Cái đĩa này là thứ cuối cùng lão động tới. Sau này nhớ quá thì vác xác đến viện bảo tàng ngắm cho thỏa. Lão nghĩ vậy.
3. Nửa đêm, lúc lão đương say giấc nồng thì nghe “có trộm… trộm…”. Tên trộm không hề biết người bảo vệ được lão an bài cho một vị trí vô cùng đẹp, có thể quan sát được toàn bộ phòng trưng bày, nên sa lưới. Việc không ngoài dự đoán nhưng khi nghe người bảo vệ kêu gào, lão Tường tức tốc tới ngay. Còn tưởng là ai, hóa ra Lĩnh “đồ cổ” - kẻ được đặc xá tuần rồi. Khuôn mặt kẻ trộm được người bảo vệ soi sáng một cách cẩn trọng.
Cơn cuồng nộ bùng lên thiếu kiểm soát do tác động mạnh của cái tên: Lĩnh “đồ cổ”. Lão biết trăm sự từ thằng này ra. Chỗ ánh mắt đã từng ngắm hàng trăm món cổ vật đỏ giờ đây đỏ lửa, sâu hoắm. Lúc này, lão được phép xả hết nỗi niềm dồn nén trong lòng mấy hôm nay. Hai mắt lão bắn ra một tia nhìn sắc nhọn trước khi sấn tới cho Lĩnh hai cái tát.
- Thì ra là mày? Hôm kia mày qua xem hàng là tao nghi rồi. Ngựa quen đường cũ, lần này cho mày đi tù mọt gông luôn. Hết chuyện lại đi trộm đồ nhà tao...
Mặt Lĩnh “đồ cổ” đỏ bừng. Gã cảm nhận sự bất hạnh dội xuống đầu mình nhưng không né được. Một sai lầm không thể vãn hồi, đành bất lực chịu sự khống chế của lão. Có lẽ Lĩnh cần nhiều lần giáp mặt với lão Tường trong một hoàn cảnh tương tự mới có thể chế ngự được cảm xúc này. Gã bối rối nhìn quanh như người mộng du bừng tỉnh. Gã nhớ những bước chân do dự đầu tiên, câu nói mà bạn tù trêu khi bước ra khỏi Chí Hòa. Câu nói đó cứ vẳng bên tai, cứ bám lấy gã như một cái ghẻ độc. Lĩnh “đồ cổ” ngắc ngứ vì ngay chính gã cũng không ngờ bị tóm một cách dễ dàng như vậy.
- Anh Tường bỏ qua cho em lần này, em chỉ vào xem cho đỡ ghiền chứ có định trộm đâu…
Lão Khánh Tường sửng cồ, phóng tới vỗ vào đầu hắn cái độp:
- Mày nói nghe hay quá! - Rồi lão quay sang nhân viên bảo vệ - Gọi cảnh sát cho tao!
Vẻ lúng túng của Lĩnh “đồ cổ” làm nhân viên bảo vệ thích thú, hắn cười rất kịch và cho ý kiến:
- Dạ em nghĩ không cần gọi cảnh sát làm gì cho ồn ào. Cảnh sát mà tới đây thì dựng hiện trường, lấy lời khai tới sáng. Theo em, mình trói tay hắn lại rồi giải lên phường làm việc là được rồi, đêm khuya không phiền anh chị làm gì.
Đôi mắt đỏ ké sau cặp kính dày cộp dịu đi đôi chút vì lão Khánh Tường thấy nhân viên bảo vệ có lý. Lão gật gù, giọng phấn khích kỳ lạ. “Không uổng công tao bỏ tiền thuê mày. Hà hà”. Nói sao, làm vậy. Nhân viên bảo vệ dựng Lĩnh dậy, bẻ quặt hai tay gã ra sau bằng cái áo sơ mi gã đương mặc rồi cẩn thận đặt chiếc đĩa vào trong hộp xốp, rành rẽ như một nhân viên gói hàng chuyên nghiệp.
- Phải có tang vật mới xử lý hắn được…
- Mang đi lập biên bản rồi mang về giùm tao. Mẻ một miếng thì chết với tao.
- Dạ!
- Khoan. Để tao viết mấy chữ cho công an đã! - Khánh Tường ra hiệu chờ rồi mở ngăn kéo, lấy giấy bút viết tháu gì đó. Xong, lão gấp lại, nhét vào cái hộp xốp đựng chiếc đĩa bảo vật rồi gật đầu - Xong rồi! Giải nó lên phường cho tao.
Người bảo vệ mở cửa phòng trưng bày, đá cái phạch vào người Lĩnh rồi dẫn hắn đi.
Lĩnh loạng choạng bước đi, đến khi chìm hẳn vào màn đêm, nơi ánh đèn đường vàng khé trên cao không tài nào soi tới, hắn mới rên rỉ một cách vui sướng:
- Cởi trói cho tao nhanh đi, Thạch.
- Dạ, đại ca.
Lĩnh “đồ cổ” xuýt xoa gò má đỏ chét rồi hít hà trước khi cười ré lên một cách ngây dại. Gã xoa xoa nắn nắn hai bàn tay:
- Xem nào xem nào, hà hà. Tao không ngờ thằng cha lập dị này lại ngu xuẩn đến thế! Cuối cùng thì tao cũng rửa được mối hận trong lòng…
- “Ấm” rồi đại ca ơi. Lần này có tiền nhậu thả ga rồi, hé hé… - Thạch “khỉ” cũng vui mừng không kém.
Lĩnh nhanh tay tháo hộp xốp ra. Tờ giấy gấp tư từ trong chiếc hộp tuồn xuống đất. Lĩnh “đồ cổ” nhặt lên, tò mò mở ra đọc thành tiếng:
“Chịu khó trả tiền lương cho thằng bảo vệ phản trắc thay tao nghe Lĩnh! Rồi lo mà biến cho xa. Nhớ giữ cái đĩa này cho kỹ, chừng trăm năm nữa thì giá nó không kém giá cái đĩa thật của tao là mấy”. 
(1) Săn cổ vật rong
(2) Đào tìm tiền xu cổ
(3) Một kiểu thử phản ứng xem đối tượng có đòi hỏi nhiều về điều kiện làm việc không, nếu người được mời “nêm thêm gia vị” cho vừa ăn thì sẽ bị loại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.