Duyên nợ bầu Xuân

07/06/2015 05:57 GMT+7

Nói đến ông bầu Xuân, giới nghệ sĩ hầu như ai cũng biết và cũng quý mến, thường gọi ông bằng danh xưng gần gũi: cậu Ba Xuân. Ông từng là Trưởng đoàn cải lương Dạ Lý Hương lừng lẫy, sau về quản lý chùa Nghệ Sĩ, và là người gắn bó với NSND Phùng Há suốt 15 năm cuối đời của bà.

Nói đến ông bầu Xuân, giới nghệ sĩ hầu như ai cũng biết và cũng quý mến, thường gọi ông bằng danh xưng gần gũi: cậu Ba Xuân. Ông từng là Trưởng đoàn cải lương Dạ Lý Hương lừng lẫy, sau về quản lý chùa Nghệ Sĩ, và là người gắn bó với NSND Phùng Há suốt 15 năm cuối đời của bà.
 
NSND Phùng Há (bìa trái), nghệ sĩ Thanh Bạch (giữa) và ông bầu Xuân (bìa phải) trong một chuyến đi từ thiện
NSND Phùng Há (bìa trái), nghệ sĩ Thanh Bạch (giữa) và ông bầu Xuân (bìa phải) trong một chuyến đi từ thiện
Duyên mẹ con từ kiếp trước
Tháng 6.2015 là giỗ lần thứ 6 của NSND Phùng Há. Ông bầu Xuân ngồi ôn lại những kỷ niệm với bà.
Đời tôi chẳng thích gì hơn làm từ thiện. Tôi chỉ mong mình khỏe mạnh để làm từ thiện đến khi nhắm mắt
Ông bầu Xuân
Bà về nương náu ở chùa Nghệ Sĩ vào năm 1987, đến năm 1994 ông bầu Xuân về chùa. Ông bắt đầu tham gia ban quản trị tiếp sức với má Bảy Phùng Há. Má Bảy thương ông, giao nhiều nhiệm vụ cho ông, trong đó có chương trình từ thiện được khởi xướng từ năm 2000. Khi bà mất đi, ông bầu Xuân vẫn tiếp tục vận động, đến nay đã cứu trợ được 65 chuyến, khắp các tỉnh từ nam ra bắc. Mỗi chuyến trung bình 60 - 70 triệu đồng, có cả trăm người đi theo, vừa mang vật chất, vừa đem tiếng hát đến khắp thôn làng. Còn ông thì cảm phục má Bảy bởi: “Bà không bao giờ nghĩ đến bản thân mình, cứ lo cho mọi người. Bà xin được tiền thì kêu “Ông bầu cất cho tui, không thôi mất à!”. Cất để dành đi cứu trợ. Cuối đời có chiếc khánh vàng cũng kêu tôi đem đi bán lo cho trẻ em nghèo. Vàng vòng hồi trẻ bà sắm tùm lum, khi già tháo ra cho người này người kia hết, có khi bị người ta gạt nữa. Bà cười, kệ, họ xài thì họ tội. Tôi chưa thấy ai tốt như bà, cho nên tôi chăm sóc bà. Chắc kiếp trước tôi với bà có duyên mẹ con, kiếp này gặp lại”.
Thật sự, nếu không có cái “duyên” và sự cảm phục ấy thì có lẽ khó mà nhẫn nại chăm sóc một cụ già thường đau yếu, lại bắt đầu khó tính. Ông kể, mỗi năm má Bảy nằm bệnh viện tổng cộng 6 - 7 tháng, sau chắc nhờ làm từ thiện và tối nào bà cũng tụng kinh đều đặn, mà giảm dần còn 1 - 2 tháng, cuối cùng không nằm tháng nào nữa, như một sự mầu nhiệm, và bà ra đi bởi kiệt sức như ngọn đèn hết dầu rồi tắt mà thôi. Khi không nằm viện thì bà trở tánh như trẻ con, phải chiều chuộng hết sức. Cứ 2 - 3 ngày, ông bầu Xuân phải lấy xe hơi chở bà ra Vũng Tàu tắm biển. Có khi chẳng tắm gì, bà ngồi trên bãi cát nhìn thiên hạ nô đùa là bà cười vui rồi. Cách 5 - 7 ngày thì ông bầu chở bà đi ăn cơm thố, ăn sáng ở những quán trung tâm mà bà quen miệng. Có khi nửa đêm bà kêu tài xế lấy xe chở bà đi chơi. Khi sức bà yếu, ông bầu Xuân không cho bà ra đường nhiều, thì bà leo rào, la lối. Bà la rầy dữ lắm, nhưng lát sau xin lỗi liền. Ông bầu cười: “Đôi lúc mình cũng tủi thân chứ, từng tuổi này còn bị la um sùm, nhưng biết bà trở tánh nên thôi không có giận, và lát sau bà đã lại cười dễ thương lắm”.
Thực ra, NSND Phùng Há không có con phụng dưỡng, chỉ còn vài người cháu theo về chùa chăm sóc, nhưng có ông bầu Xuân là “dỗ” được bà. Chính vì vậy, ông mới nghĩ chắc kiếp trước có duyên mẹ con, làm sao bỏ nhau cho được!
Bầu Xuân và chiếc giường nhỏ của ông tại chùa Nghệ Sĩ - Ảnh: H.KBầu Xuân và chiếc giường nhỏ của ông tại chùa Nghệ Sĩ - Ảnh: H.K
Xin làm từ thiện đến khi nhắm mắt
Ông túc trực ở chùa Nghệ Sĩ suốt 365 ngày, kể cả chủ nhật, ngày lễ. 21 năm, không mệt mỏi, giờ đã 88 tuổi rồi vẫn minh mẫn tiếp khách, ghi sổ sách, cân đối từng hạng mục. Căn phòng nhỏ xíu có kê chiếc giường đơn để ông ngả lưng đến 9 giờ tối mới về nhà. Ông là Trưởng ban Quản trị của chùa, lo tất cả cơm áo gạo tiền, điện nước, vật dụng, sửa chữa. Chùa có 20 người gồm nhà sư, thành viên ban quản trị, người công quả, và chung quanh là gần 400 ngôi mộ nghệ sĩ luôn được quét dọn sạch sẽ. Mỗi tháng, ông vận động mạnh thường quân khoảng 20 - 30 triệu đồng để duy trì hoạt động của chùa. Người ta thương mến ông, ủng hộ hết lòng. Cứ 2 - 3 tháng lại hùn nhau đi cứu trợ một chuyến thật vui. Ông nói: “Đời tôi chẳng thích gì hơn làm từ thiện. Tôi chỉ mong mình khỏe mạnh để làm từ thiện đến khi nhắm mắt”.
Thỉnh thoảng cũng có điều tiếng, ý kiến này nọ. Ông bình tĩnh chịu đựng, và khi người ta hiểu ra thì tự họ thông cảm cho ông. Ông nói: “Chẳng hạn, người ta trách tôi sao có một số tiền để dành mà không phát lương cho người làm công quả trong chùa. Tiền đó tôi dự trữ phòng khi chùa có việc cần kíp thì lấy ra dùng, vì đâu phải lúc nào mạnh thường quân cũng sẵn sàng có mặt. Ăn hết mà không dự trữ là vô cùng nguy hiểm. Và đã gọi làm công quả thì sao có lương được? Đến như ban quản trị chúng tôi còn không có lương kia mà. Vô chùa, không tính chuyện thù lao. Có cơm ăn áo mặc, điện nước, nhà ở... là mừng rồi. Quý vị làm công quả cũng thường được người đi viếng chùa cho tiền, khi vài chục ngàn, khi cả trăm ngàn, đâu đến nỗi thiếu thốn. Tiền người ta hiến cúng để chùa hoạt động, bây giờ bảo tôi ghi sổ là “phát lương”, tôi làm sao giải thích cho người ta đây?”.
Giọng nói ông lúc nào cũng nhỏ nhẹ và nhẫn nại. Cuối cùng thì mọi người vẫn trân trọng “cậu Ba Xuân”, người giữ gìn những gì còn sót lại của một đời nghệ sĩ.
Đại gia mê hát
Ông bầu Xuân vào nghề hát như một “định mệnh” để rồi lưu danh bất ngờ. Ông vốn là ông chủ xưởng giấy hiệu Kiss Me, giàu có phong lưu. Nhưng ông lại chơi thân với những cây bút lừng danh như Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh, Hoàng Khâm, và chứng kiến một gánh hát giải thể ngay trước xí nghiệp của mình. Anh em nghệ sĩ đói quá, ông động lòng xuất tiền ra cho họ ăn uống. Thế là các soạn giả ấy “xúi” ông mua lại xác gánh, làm bầu cải lương. Ông nghe lời, mua liền, năm 1963, đặt tên Hoa Mùa Xuân, vài năm sau đổi thành Dạ Lý Hương. Nhưng ông giao cho nhóm bạn này quản lý trực tiếp, còn ông ban ngày ở xưởng giấy, ban đêm mới xách xe lạng xuống gánh hát. Tuy nhiên, ông có đặt một văn phòng hành chính cho Dạ Lý Hương ngay trong xưởng giấy, và ngồi đó duyệt tuồng để chi tiền đầu tư.
Ông nói: “Chắc cái máu kinh doanh giúp tôi “đánh hơi” được tuồng nào ăn khách, và đào kép nào “ngon lành” thì mời về ký hợp đồng, mấy năm phất lên, thật là sung sướng”. Đúng là Dạ Lý Hương từng nắm trong tay những tên tuổi như Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thanh Sang, Dũng Thanh Lâm, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Ngọc Giàu, Thành Được, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Phương Quang... Có lúc Thanh Nga cũng về đầu quân. Những vở tuồng nổi tiếng như Tuyệt tình ca, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Cô gái Đồ Long... đã đưa Dạ Lý Hương thành đại bang. Đến 1975, các đoàn hát vô tập thể, dần xuống dốc, năm 1994 thì ông bỏ hẳn nghề hát xướng mà vô chùa Nghệ Sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.