Đuổi cho kịp tết - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

11/02/2018 07:22 GMT+7

Nhà Hào bán tạp hóa ở cổng chợ, mấy ngày này nghe đến rát tai câu 'Sắp đến tết rồi'. Không hẳn là mong ngóng cũng chẳng phải là lo toan. Tết lửng lơ ở đâu đó như cái mốc thời gian cần chạm đến trong năm.

Hào bắt đầu nhập hàng tết về bán. Mứt kẹo để chật cả lối đi, ri rỉ rì ri loại gì cũng có. Chợ dành cho công nhân trong khu công nghiệp nằm ở phía nam thành phố. Một ngày chợ chỉ nhốn nháo ồn ào vào lúc tan ca, còn lại thì thưa thớt bán mua. Những lúc công nhân túa ra chen chúc, Hào như một cái máy vừa lấy hàng tính toán giá cả vừa để ý trông coi ba bề bốn bên. Họ tranh thủ sắm tết sớm khi lương vừa mới lĩnh, chứ để sát tết có khi đã tiêu hết sạch tiền. Vài người than “tết đến chậm thôi, gà chưa kịp lớn để bán, lợn chưa kịp xuất chuồng. Lương tháng thứ mười ba nghe chừng ít ỏi. Biết lấy gì để trang trải tết”. Người trồng hoa ghé chợ mua thùng mì tôm mắt vẫn thấp thỏm ngó trời. “Trời đất càng ngày càng đỏng đảnh. Nay nóng mai lạnh. Nay mưa mai nắng. Chẳng biết đằng nào mà lần. Trời nắng quá thì hoa nở sớm coi như mất cả gia sản chứ nói gì đến tết. Trời lạnh quá thì hoa không chịu nở kịp tết cũng chết. Thôi thì chỉ mong trời cứ hiền hòa”. Hào cũng chỉ mong nông dân được mùa, công nhân được thưởng tết cao. Họ có rủng rỉnh tiền bạc thì nhà Hào mới bán được hàng.
Chợ tết năm nay hàng hóa có vẻ nghèo nàn. Năm ngoái sức mua kém nên năm nay các chủ hàng đều nghe ngóng dè chừng. Cũng giống người trồng hoa, nuôi lợn, buôn cây cảnh. Chủ các sạp hàng ở chợ có nhà cũng phải vay mượn dốc toàn bộ tài sản để nhập hàng về bán. Cũng phải chơi trò may rủi chứ chẳng phải buôn bán dễ dàng như người ta vẫn tưởng. Sát tết mà hàng còn đầy kho là lo ngay ngáy mất ăn mất ngủ. Rất ít mặt hàng có thể trả lại cơ sở sản xuất. Cũng chẳng phải hàng gì cũng có thể lưu kho dành tết năm sau mang ra bán. Đã mấy nhà phải bán cả sạp hàng ở chợ để bù lỗ. Nhà Hào không đến mức ấy nhưng cũng điêu đứng bao nhiêu bận. Có tết nhìn đống mứt kẹo ê hề mà ngán ngẩm. Ăn không nổi, bỏ không xong. Mang bán tống bán tháo thu hồi ít vốn mà ra tết vẫn phải nhìn đống mứt kẹo chảy nước, mốc xanh mốc đỏ vì hết hạn. Đi qua một mùa tết mệt rã rời như kẻ chạy marathon vừa dồn sức cho chặng đua cuối cùng. Nên năm nào cũng vậy Hào vừa mong ngóng mà cũng vừa sợ tết.
Qua tết Hào tính đi hỏi vợ nhưng ấy là cứ tạm tính thế đã. Còn xem năm nay hàng hóa bán thế nào. Nếu suôn sẻ sẽ có tiền sửa lại sạp hàng và mua cho Lam mấy chỉ vàng làm vốn. Nhà Lam cũng dân chợ, cũng may rủi qua từng mùa tết. Sạp hàng mấy chục mét vuông nuôi sống mấy chị em Lam nhờ buôn gạo. Nhưng đến tết là mẹ Lam nhập hoa về bán. Nào quất, nào đào, nào vạn thọ vàng rực cả một khu chợ vốn ẩm thấp âm u. Bán hoa tết được thì lãi năm lãi mười mà mất là mất trắng. Hôm ghé qua thấy hoa còn nhiều quá, mắt Lam có vẻ buồn. Cũng có khi Hào không tìm thấy cô chủ bán hoa tựa như Lam đã lẫn đâu đó trong những vệt nắng vàng vắt ngang qua chợ. Hoặc là lẫn trong đám hoa vạn thọ xếp từng tầng cao quá đầu người. Lam từng rủ “hay là tụi mình bỏ chợ mà đi?”. Có lúc Hào nghĩ ừ biết đâu chưa kịp hỏi Lam làm vợ thì nàng đã biến mất giữa chợ lúc đông người. Ngặt nỗi Hào còn muốn trả nốt khoản nợ vay từ mùa tết năm Mùi. Sạp hàng lâu không sửa sang, ngày mưa dột tong tỏng ướt hết hàng hóa. Khách vào mua hàng lắc đầu ái ngại hỏi tiền nhiều để làm chi mà không sửa sang tử tế. Hào cười mà lòng ướt nhẹp. Thì tiền để nuôi hai đứa em ăn học. Để mua thuốc chữa bệnh cho mẹ. Mẹ Hào lúc trẻ vất vả làm thuê đủ việc cực nhọc nuôi anh em Hào nên khi có tuổi đủ thứ bệnh tật ập đến. Hẹn Lam đã mấy mùa xuân mà còn lừng khừng mãi. Lam chỉ mấy chậu hoa tàn mà than “đời người con gái cũng như hoa vậy. Mấy mà hết thanh xuân”. Hào nghe nghèn nghẹn trong lòng. Lam có cần gì nhiều đâu, thì cứ cưới nhau về kham khổ cùng gánh vác. Giả dụ bỏ hẳn chợ về quê Lam cũng sẵn sàng chân lấm tay bùn cùng Hào chăm mẹ nuôi nấng các em. Chợ có gì vui mà Hào cứ tha thiết mãi...
- Hồi Hào mới ngỏ lời yêu em, mẹ còn ngồi ngoài hiên than “cô đơn quá”. Giờ mẹ tái giá đã được ba năm mà em vẫn còn ngồi đây chờ đợi một lời cầu hôn. Hào thấy có đáng buồn không?
- Ừ thì... chờ Hào nốt tết này. Biết đâu trời thương.
- Năm nào Hào cũng hứa “chờ hết tết này”. Hạnh phúc mà khất lần khất lữa thế ư? Mình thương lấy nhau chứ chờ gì trời đất.
Ngặt nỗi muốn lấy vợ thì phải có tiền. Hào chán cảnh lấy nhau về nheo nhóc. Đâu có thể nhìn nhau mà sống Lam ơi? Bố mẹ Hào chẳng phải đã bỏ nhau cũng chỉ vì nghèo quá. Hào không muốn giẫm theo vết xe đổ của bố. Càng không muốn khiến một người đàn bà vì tình yêu mà khổ giống như mẹ của Hào. Mấy năm nay bán buôn kém quá, chỉ gọi là cầm chừng đủ sống qua ngày. Có dư dả đồng nào lại dồn vào nhập hàng mùa tết. Nhưng thời thế khó khăn chung, ai cũng vậy đâu chỉ chợ. Nuôi lợn thì cần giải cứu. Cấy lúa thì mất mùa. Nuôi gà thì gà rẻ. Bà con nông dân chăn nuôi thua lỗ thì công nhân trong nhà máy cám cũng điêu đứng đủ đường. Nông dân không có đất nông nghiệp thì công nhân trong nhà máy phân lân nhận về những đồng lương ít ỏi. Tiền không có thì co kéo chi tiêu. Dân buôn bán ế chỏng ế chơ cũng là điều dễ hiểu. Cái ước hẹn “rước em về làm dâu nhà anh” vì thế cứ chảy trôi như nước. Lam nói “em sắp ba mươi rồi” cũng đã ba năm. Mẹ Lam thỉnh thoảng lại bế đứa con thơ về chợ mắt môi đong hạnh phúc. Về có khi chỉ để giục “Lam xem ai thương thì lấy chồng đi. Lúc trẻ có người đỡ đần, về già có người bầu bạn”. Về có khi chỉ để than vết bỏng ở chân “tối qua ông ấy có hơi men. Nên pha nước rửa chân cho mẹ mà lỡ pha bỏng quá. Mẹ nhúng chân vào tưởng chín thịt. Người đâu mà vụng”. Lam ngó mẹ mà ao ước quá. Mẹ còn tìm thấy hạnh phúc cho mình, Lam thì cứ như con thuyền thèm níu bờ mà không ai níu.
Năm nay lạnh hoa nở chậm nên người mua cũng đủng đỉnh. Đến giờ tan ca công nhân đổ ra chen lấn khắp các ngõ chợ nhưng người mua thì ít người xem thì nhiều. Lam không buồn khi thấy người đàn bà nào đó nâng lên đặt xuống một chậu hoa rồi rụt rè trả giá. Lam thường gật đầu bán rẻ không đắn đo khi hiểu người lao động nghèo vẫn chắt bóp để có một bình hoa ngày tết. Có chị cẩn thận bó mấy cành ly trong nhiều lớp giấy báo ôm khư khư trước ngực che chắn hoa giữa dòng người xô đẩy. Có người đàn ông rút từ túi áo xấp tiền lẻ hỏi bây nhiêu có đủ mua một chậu hoa tulip? Vợ tôi mê loại hoa này lắm. Tết có thể không may áo mới, chẳng phấn son chưng diện nhưng trong nhà nhất định phải có hoa. Có thằng nhỏ năm nào cũng ghé mua mấy chậu hoa vạn thọ. Miệng nó cười tươi rói “mua về cho nội vui”. Mãi sau này mới biết nội nó mất lâu rồi, hằng năm chỉ ngắm hoa qua bảng lảng khói hương. Lại có người đến không để mua hoa. Đến để tìm một hình bóng cũ. Chị ta nói người đàn ông năm nào cũng đến đây mua hoa cho mình bỗng nhiên mất tích. Chị ta khóc, nói có thể vì mình mải ngắm hoa nên để lạc mất người. Lam muốn an ủi quá mà không biết nói gì. Ừ biết đâu người đàn ông ấy đã đi lạc vào những cánh đào rừng.
Hai ba tết, Hào bỏ sạp hàng chạy sang ngó nghiêng tìm kiếm một cành đào ưng ý. Lam ngó lưng Hào thấy thương đến từng vết mốc trên vai áo. Hào vất vả từ lúc còn nhỏ xíu, khi khu chợ này còn là những quán lá liêu xiêu. Hào đã phải vừa trông em vừa giúp mẹ hơ lá chuối, ngào bột nếp, gói bánh rợm bánh chưng mang bán. Việc gì Hào cũng làm, lủi thủi giữa chợ nghèo lớn lên cùng năm tháng. Lam thương thắt lòng dáng ngồi đơn độc của Hào vào những ngày mưa. Chợ vắng, những giọt mưa chạy tong tỏng trên mái lá ướt mẹt bánh ế và cả ánh mắt Hào. Thương từ lúc ấu thơ cơ cực cho đến khi khu công nghiệp mọc lên. Chợ từng có thời sầm uất buôn bán cả bạc vàng, ngọc, lụa. Rồi mọi thứ bỗng nhiên chững lại, chợ vẫn đông đúc thế thôi nhưng buôn bán không còn được như trước nữa. Chợ như đời người với đủ những thăng trầm. Tình yêu mà Lam dành cho Hào cũng được lớn lên cùng chợ. Giờ thì Lam chìm vào tấm lưng Hào đang cúi xuống bên những gốc đào. Lam sợ sống cảnh đời ở chợ lúc ồn ào đến nghẹt thở lúc thưa vắng hẩm hiu. Sợ cảnh phải chờ đợi niềm vui từ người dưng thiên hạ trong khi họ ghé đến để mặc cả từng đồng rồi quay gót đi ngay. Sợ những chiều ba mươi tết phải bê từng chậu cúc, từng cành đào ế ẩm mang vứt lên xe rác. Ngó trong nhà khi khuất bóng của hoa chỉ còn mình và gió khua khô khốc. Sợ cả mùi ẩm ướt những nồm, những hôm mưa, những buổi chiều se lạnh. Là tại chợ hay là vì thiếu một người kề cận sẻ chia. Sạp hoa của Lam với sạp mứt kẹo của Hào có cách nhau là bao. Ừ mà sao vẫn cứ ước ao được về một nhà để cùng nhau tất tưởi lo toan, nhẩn nha hạnh phúc. Lam đang mải mê chìm đắm trong bóng dáng tình nhân thì có ai vừa ghé qua sạp hoa cất tiếng:
- Lạ nhỉ. Trước giờ đâu thấy anh Hào chơi hoa ngày tết?
- Thì năm nay phải khác. Đón người ta về làm dâu đâu có thể tuềnh toàng.
- Ái chà chà. Mọi người ơi ra mà xem. Anh Hào đi chọn hoa để cưới vợ kìa.
Rõ ràng chẳng ai réo tên mình mà má Lam cứ nóng ran. Hay là những cánh đào đang tô sắc cho má Lam thêm đỏ. Tết đến nơi rồi ai đó yêu nhau nhanh sắm cau trầu kẻo lỡ hẹn với mùa xuân mơn mởn. Lam vấn lại tóc, lúng liếng một ánh nhìn sau lưng áo người thương. Tiếng ai đó vừa cất lên xanh thẳm: “Hoa này bán thế nào cô chủ?”. Lam bẽn lẽn nhìn mềm dịu giữa chợ đông...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.