Dựng lại sân điện nhà Đinh ở kinh đô Hoa Lư

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
26/04/2021 06:09 GMT+7

Gạch có hoa văn chim phượng, hoa sen được “lát” san sát nhau bằng công nghệ mapping, tạo thành sân điện của nhà Đinh - Tiền Lê.

Sân điện lộng lẫy

Anh Hoàng Giang, một khách du lịch tới cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), vô cùng ngạc nhiên, thích thú khi xem 2 hoa văn rất lớn được chiếu lên thành tường của hố khai quật sâu 2 m tại Nhà trưng bày di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê. Đó là hình đôi chim phượng uốn lượn và hình hoa sen cách điệu. Cùng lúc ở nền đất của hố khai quật có hình chiếu nhiều người đang đào dần từng nắm đất nhỏ. Đó là hình dung về cuộc khai quật khảo cổ học hồi năm 1997, cuộc khai quật đã phát hiện ra sân điện thời Đinh này. Rồi từ một viên gạch vuông dưới hố, hình chim phượng cũng là hoa văn trên viên gạch bay lên. “Sân điện lộng lẫy quá. Các cụ ngày xưa làm đẹp quá, giỏi quá”, anh Hoàng Giang tấm tắc.
Cũng là sân điện này, nhưng trong trưng bày trước đây của khu di tích cố đô Hoa Lư trông rất buồn. Hố khảo cổ chỉ là nền đất và đất, một vài viên gạch. “Trước là trưng bày truyền thống xong rồi bày biện ra xung quanh. Bên dưới khu khai quật giữ nguyên, bên trên để tủ kính và các hiện vật trưng bày theo cách bật điện như ở nhà, không có tủ kính và ánh sáng tập trung vào hiện vật như bây giờ. Chúng tôi có hệ thống xử lý nước ở hố khai quật, nhưng vẫn có nước ngập”, bà Lê Thị Bích Thục, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, cho biết.
Hiện tại, hệ thống thoát nước ở hố khai quật đã được giấu dưới nền hố. Hố khai quật cũng là sân điện năm xưa có thêm một hệ thống chiếu trên sàn bằng công nghệ mapping. Theo đó, các hình chiếu cũng tái hiện toàn bộ nền điện với 2 loại gạch ở sân mà các nhà khảo cổ học tìm thấy. “Chúng tôi dùng hoa văn chim phượng và hoa sen trên gạch lát, sau đó tái tạo toàn bộ sân điện. Dấu tích khảo cổ học phát hiện thế nào thì gạch xếp như vậy. Chúng tôi cũng suy đoán theo quy luật, cứ mỗi hàng hoa sen thì có 3 bông sen, một con chim phượng. Hình chiếu xuống nền đất này với cường độ sáng lớn, và khiến sân điện có cảm giác rất thật”, PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, nói. Ông Trí cũng là người nghiên cứu và tổ chức cuộc trưng bày này.
Nhà trưng bày của cố đô Hoa Lư còn có nhiều hiện vật, hình ảnh thú vị khác. “Viện Nghiên cứu kinh thành trưng bày xen cài di tích di vật. Hiện vật quý nhất là đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo - đồng tiền đầu tiên của triều Đinh. Sau khi xưng đế năm 968, tới năm 970, vua Đinh Tiên Hoàng phát hành đồng Thái Bình Hưng Bảo này với khát vọng cháy bỏng cho sự hưng thịnh của đất nước. Ngoài ra còn có hiện vật quý giá không kém là viên gạch có chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên. Dòng chữ có nghĩa là gạch xây quân thành nước Đại Việt. Dòng chữ này thể hiện ý chí tự lập tự cường, tự chủ của một quốc gia độc lập thống nhất”, PGS-TS Trí giải thích.
Một màn hình “xuyên thủng” hologram cũng được dựng phía trên cao của hố khai quật, chiếu một phim ngắn 7 phút do Viện Nghiên cứu kinh thành thực hiện. Nhờ công nghệ hologram, khách đứng đâu trong phòng cũng có thể xem được phim trên màn hình.

(Từ trái): gạch hoa sen, gạch hình phượng, gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên

Ảnh: Viện nghiên cứu kinh thành

Công nghệ mới kích cầu du lịch cho phế tích

Bà Lê Thị Bích Thục cho biết sau khi thực hiện trưng bày mới và mở cửa lại phòng trưng bày, khách du lịch rất thích. “Khu vực sân điện, khảo cổ học chỉ còn vài viên gạch thôi, nhưng Viện Nghiên cứu kinh thành dùng công nghệ phục dựng hình ảnh thành 220 viên. Nhờ đèn rọi và công nghệ chiếu thêm lên tường, ai cũng thấy hoa văn đẹp, khoảng sân đẹp. Thêm cả những hình ảnh khai quật, phim về Hoa Lư nhìn từ trên cao, du khách nhìn được rõ sự sinh động của vùng đất kinh thành”, bà Bích Thục nói.
Bà Thục cũng cho biết nhiều du khách từng đến đây khi phòng trưng bày còn làm kiểu truyền thống, nay trưng bày theo kiểu hiện đại này khiến họ xúc động, bất ngờ. “Ngày trước khách ngó rồi quay ra, còn nay thời gian lưu lại lâu hơn nhiều. Họ cũng chăm chú hơn. Đó là phế tích thu hút khách tham quan. Chúng tôi cũng chủ động đưa khách ra đó để họ trải nghiệm và phản hồi rất tích cực”, bà Thục chia sẻ.
Nhiều di sản đang đứng trước vấn đề làm thế nào để truyền cảm hứng và hiểu biết cho người dân. Các di sản được UNESCO công nhận như Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ… cũng đứng trước sức ép đó. Theo PGS-TS Bùi Minh Trí, cái khó của nhiều di tích khảo cổ học là làm sao để người xem không trong nghề có thể hình dung ra không gian từng có ở đó. Câu chuyện không chỉ riêng là cái khó của Hoa Lư.
Giải pháp mới với hố khai quật ở Hoa Lư đã mang đến tác dụng tốt. “Ở Hoa Lư, chúng tôi quyết định sẽ kể câu chuyện bằng công nghệ mapping ở dưới di tích khảo cổ học trong lòng đất. Từ đó, người dân hiểu quá trình khai quật phát lộ dấu tích viên gạch ra sao, rồi từ đó kể câu chuyện nguyên vẹn. Lúc đó, tôi nhớ năm 1997 khi khảo cổ học tìm thấy dấu tích sân điện, ai cũng thích. Nhưng phải kể được cho người dân nghe câu chuyện đó, để họ thấy xúc động và tự hào dân tộc hơn. Phim, hiện vật cũng hỗ trợ điều đó”, ông Trí nói.
PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đánh giá: “Tôi thấy tỉnh Ninh Bình đã có một đầu tư rất hay về công nghệ vào hố khai quật này. Nó tạo ra một điểm đến mà tôi cho là kết hợp tốt về công nghệ và kết quả khai quật. Nó giúp người ta hình dung được đấy là sân của một cung điện rất lớn. Người dân luôn cần những trưng bày như thế này. Nó cũng cho thấy tầm nhìn sau khai quật, để biến tài nguyên thành sản phẩm du lịch và cũng giúp người đời sau hiểu về ông cha”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.