Du xuân bạt cả thánh thần!

28/02/2010 14:14 GMT+7

Lễ cả năm không bằng rằm tháng giêng. Sau Tết Nguyên đán, lễ hội tưng bừng, đông và náo nức ở hầu khắp các địa phương. Lưu giữ một nét đẹp văn hóa của cha ông để dẫn hôm nay về với cội nguồn. Nhưng ý nguyện tốt đẹp ấy của người mở hội đang ngày một phai lạt...

Đến mức nhiều người phải thở dài cứ với cung cách tổ chức và quản lý như thế này, hội hè càng to, đền chùa miếu mạo càng thiêng thì thánh thần càng dễ bị thói tham sân si của người trần đuổi... bạt đi.

Than ôi là... rác rưởi!

Ngày 24-2, tôi có cảm giác mình sắp ngất xỉu khi đứng ở Chợ Trời bát ngát với các đỉnh đá tai mèo sắc nhọn vờn trong mây khói trên đỉnh núi Thầy (chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội), bởi vì thắng cảnh nổi tiếng, từng lưu thơ văn trên đá và trong sử sách của bao nhiêu đời tao nhân mặc khách này đang tràn ngập rác. Rác lên đến tận các vách núi Chợ Trời, rồi gió thổi thốc vào mặt du khách, rác trôi theo vách núi xuống các khu dân cư. Rác đọng thành kho trong các hẻm núi đá Đỉnh Trời, mỗi lúc gió lùa mủn vụn rác tống vào mặt du khách. Đường leo núi đá tai mèo trơn truội và... êm ru toàn rác.

Bà cụ M. (đề nghị giấu tên), người đã 12 năm bán hàng từ Chợ Trời xuống đến Vườn Đào, chùa chính (trên đỉnh núi cao chùa Thầy), thở dài: “Ban quản lý ở chỗ này chỉ nghĩ đến cách quay vòng vé lấy tiền thôi. Chóng mặt với cái cách kiếm tiền làm họ không còn nghĩ gì đến chuyện làm sạch ngôi chùa nổi tiếng quốc gia này, dẫu nó tràn ngập rác. Tôi đã mấy lần đề nghị cắt cử, thuê người dọn rác hằng ngày hoặc ít ra là hằng tuần. Hoặc bố trí để tôi đi nhặt rác nhưng họ ậm ừ rồi lờ đi!”. Bà cụ chán nản: “Cũng may từ nghìn đời, trước ngày khai hội chùa Thầy bao giờ trời cũng mưa một trận rất to gọi là mưa rửa núi, sau hội lại một trận rất to nữa cũng để... rửa núi rác. Bao nhiêu rác rưởi chui cả xuống các kẽ núi”. Nhưng bây giờ nghe nói vì biến đổi khí hậu, mưa nắng không theo lệ cũ, bà cụ tỏ ra lo lắng lắm.

Chùa Tây Phương với tượng các vị la hán lừng danh tọa lạc trên (núi) Câu Lậu Sơn ở huyện Thạch Thất, Hà Nội năm nay có vẻ khả quan hơn về việc... rác. Lý do là miền rác phủ kín cả một sườn núi đã được san ủi để dựng một công trình to lớn đè lên. Nhưng bãi rác còn lại vẫn trắng xóa, hàng quán bán tràn ngập lối đi cả trăm bậc lên chùa, đi qua cổng chùa, “chợ” hàng hóa họp nhấp nhổm đến sát... chân tượng. Rác xả ra nồng nặc. Chiều về chùa khét lẹt, khói mù mịt bởi người ta đổ dầu vào đốt rác, túi nilông.

Đến chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) thấy hàng quán bán kín sân chùa, các dịch vụ ăn uống ngồi tựa cả vào các ban thờ, bạt xanh bạt đỏ che kín di tích, buộc cả dây nhợ con buôn lên đầu đao con giống. Và rác thì vô thiên lủng.

Hội chùa Hương năm nay lại đông chưa từng thấy nên rác cũng nhiều hơn, vun thành đống giữa nơi khách nghỉ ngơi ăn uống, trong khi thùng rác sắt sơn xanh lại là nơi bà chủ quán để rau sống, làm bàn đặt thức ăn phục vụ người trẩy hội!

Ở đền Và (Sơn Tây, Hà Nội), nơi quan trọng bậc nhất thờ thánh Sơn Tinh, rác còn tràn đến gần các điểm cắm nhang. Tôi chụp hai bức ảnh: rác vây kín một khu vực cắm nhang um tùm (bát nhang) và một người mặc áo nâu nhà chùa đứng tần ngần trong “thế giới rác”, mà khi xem lại lòng không thôi thắc mắc: không hiểu thời buổi này thiên hạ “tín tâm” kiểu gì mà kỳ lạ thế.

Báng bổ thánh thần bằng lòng tham trọc phú

Không gian của các vị thần linh nhiều khi đã bị vấy bởi cách tổ chức và quản lý quá nhu nhược của không ít bộ phận hữu trách. Ở chùa Thầy, chỉ cần vờ đon đả đón khách, giới thiệu vài câu (không ai nhờ) trước một cái bản đồ vẽ xanh đỏ treo lên vách (như tấm bảng dạy học), trước bảng là hệ thống bàn khổng lồ xếp toàn lễ vật - thế là các anh trai làng đã xăng xái khênh cho khách một mâm đủ thứ bánh trái, hương đăng, cây lộc..., khách chưa kịp phản ứng gì đã hét vài trăm nghìn đồng. Tâm lý thành kính đến chùa và sợ mất lộc đầu năm, chẳng ai nỡ từ chối mâm lễ của “ban tổ chức”! Nhiều vị khách lễ chùa xong, quay ra tìm lễ để “xin lộc chùa” thấy mất cả mâm lễ của mình. Ngỏ ý thắc mắc, các anh trai làng gãi đầu: “Thì ông bà cứ khênh bừa một mâm nào cũng được, mâm nào chẳng thế”.

Với tư duy con buôn rằng mâm lễ càng to, ngựa giấy, hình nhân càng khổng lồ thì... thánh thần càng ban cho người dâng cúng nhiều lộc lá (tốt lễ dễ cầu), đền chùa đang bị báng bổ bởi cánh trọc phú mê lú.

Ở đền Đá Đen (thờ mẹ của Đức thánh Sơn Tinh) dưới chân núi Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội), chúng tôi thấy các mâm lễ đầy đến mức người dâng khệ nệ, lặc lè. Các trò lên đồng, đội mâm lễ nặng trịch trên đỉnh đầu ngồi lim dim, hoặc quay cuồng, tuyên truyền mê tín dị đoan, chen nhau hò hét, khấn vái “lạy thánh mớ bái” rất phổ biến tại đây. Có người phải ngủ lại ở đền để chờ đến lượt được “hầu đồng”. Họ ném tiền vung vãi, đội mâm lễ khổng lồ trên đầu rồi khấn thánh “vuốt ve che chở, nắng thì thánh che, mưa thì thánh đậy (cho con) để con được làm ăn rồi xin xỏ tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”, đề đạt “con mua con (xe) SH thay con Wave Tàu...”.

Người già, người trẻ (nhà đền) thi nhau tổ chức cầu thánh thuê, nắm tiền xin âm dương thuê, rồi họ nghiễm nhiên đếm tiền lẻ từ những cái mâm, đĩa, không cần biết phía sau là hàng trăm người đang chắp tay, xô đẩy nhau để được khấn vái.

Bát nháo bán mua

Trong khuôn viên của di tích đền Và, các trò xóc đĩa, ném phi lao, bốc đũa, môtô bay, bài bạc nhiều hình thức được tổ chức công khai giữa thanh thiên bạch nhật của di tích quốc gia, hội hè cỡ quốc gia. Trước đó, hội đền Cổ Loa ùn tắc giao thông nghiêm trọng, chen lấn xô đẩy ầm ĩ, bát nháo các bãi đỗ xe, thỉnh thoảng lại có người bị trộm móc mất ví, tiếng kêu khóc, chửi bới “tổ sư bọn kẻ cắp” om sòm. Tại chợ Viềng (Nam Định) đồ cổ giả bán tràn lan, nhiều ông “cả năm mài dao chém một ngày” đã đẩy giá gửi một chiếc ôtô lên 40.000-50.000 đồng.

Vẫn giữ danh hiệu quán quân như mọi năm, từ mồng 3 đến mồng 6 Tết Canh Dần, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) đông đúc đến mức ai đi một lần cũng phải... sợ. Người ta đi vay tiền, vay lộc của bà chúa rồi đi trả, đi cầu, dịch vụ đổi tiền lẻ và sắp lễ nở rộ. Các ông bà mở miệng ra nói tiền tỉ, nói “mấy mảnh đất Hà Nội”, ngôi chung cư hay xế hộp ngót chục tỉ đồng đã hiện nguyên hình khi lên đền Bà Chúa Kho. Bởi họ khấn, họ kêu gào cầu xin ra rả, lầm rầm... với cả thế giới của vàng thoi bạc nén, xôi gà, đầu lợn, đôla âm phủ mà họ mang đến. “Tôi muốn trả cho bà chúa số tiền số vàng, số lễ vật nhiều gấp 10 lần số đã vay của bà năm ngoái, để mong bà cảm thấy rằng mình không qua cầu rút ván. Năm ngoái tôi vay bà 10.000 cây vàng...” - một bà vàng đeo lúc lỉu tâm sự.

Những ngôi chùa, đền cổ kính với hệ thống tượng Phật và các huyền thoại nghìn đời cha ông ta đã sáng tạo nên là một di sản mà đời đời chúng ta trân trọng. Quả thật hội, lễ như những điểm nhấn để chúng ta cùng phát huy, nhân lên các giá trị đó trong đời sống. Nhưng, tiếc thay...

Nhiều sự mê lú, tham lam, thiếu văn hóa và cả sự quản lý chưa thấu đáo đã đánh bạt cả thánh thần trong di tích, đã cướp mất của chúng ta những cõi thanh tịnh.

Tràn lan đoán mệnh

Gian hàng coi số của thầy “4 được” ở ngay trong chùa Châu Thới (Dĩ An, Bình Dương). Khói nhang nghi ngút, hàng ngàn khách hành hương mắt đỏ hoe, lâm râm cầu lộc. Cách đó mấy bước chân, nhiều du khách chen lấn đến toát mồ hôi hột bốc xăm, rồi đứng chờ hàng dài mới có thể gặp được thầy. Người hành hương liên tục rút tiền đặt vào khay nhựa. 20.000, 30.000, rồi 100.000 đồng... nằm ngổn ngang trên khay, chất cao thành đống. Thầy nhìn chằm chằm vào đó rồi luôn miệng phán mấy câu quen thuộc: “Buôn bán được, cầu tài được, làm ăn được, cầu gì cũng được”. Cứ thế ai hỏi mà không có lòng thành “đặt tiền lên khay” là thầy nói đi, nói lại câu “bốn được”.

 
Gieo quẻ bói toán ở đền Cước, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: Hà Đồng

Hơn 11 giờ trưa, khách hành hương chờ thầy đoán số vẫn đông nghịt. Thầy đang nói thì bỗng dừng lại và nói kiểu không bằng mặt lẫn không bằng lòng: “Tự nhiên chen vào hỏi ngang thầy không nói. Ai không tin thầy xem sơ sơ cho qua...”. Không dừng lại ở đó, thầy còn lôi tên một cán bộ làm lớn để “dạy” về lòng thành tâm là như thế nào. Nghe thầy nói thoải mái và quá đà, một sư thầy trong chùa vén màn bước ra nhắc nhở “thầy nói ngắn gọn thôi”.

Vài phút sau, chị Thảo, một khách hành hương, chen chân vào được đến nơi và rút ngay tờ 50.000 đồng đặt lên khay. Vừa đặt tiền vào khay nhựa đã có hiệu quả ngay, thầy ân cần hỏi: “Mấy tuổi con?”. “Dạ 38 tuổi ạ”. Thầy lại hỏi 38 là tuổi con gì? Có ai đó nói lí rí hình như tuổi con rắn. Thầy nghe được phán ngay: “Ừ đúng, tuổi con rắn là tốt, buôn bán tốt”. Một khách hành hương khác thấy lạ nên lớn tiếng: “Là tuổi con chuột mà thầy”. Thầy lăm lăm cuốn sách trong tay rồi cũng gật đầu: “Ừ đúng rồi. Tuổi con chuột năm nay làm ăn tốt”. Thấy khách đông dần, thầy gom hết tiền trên khay nhựa bỏ vào túi áo rồi tiếp tục hỏi và quan sát.

Gian hàng bói toán mọc lên như nấm hai bên con đường uốn mình lên đỉnh núi Châu Thới. Bói tay có, bói bài có, bói tướng mạo có, bói nốt ruồi có... Thầy nào cũng nói vanh vách như ca một câu cải lương dài đến nín thở. Những ngày đầu xuân không chỉ ở chùa Châu Thới mà các khu vực chùa khác như chùa Bà (Bình Dương), chùa Một Cột (TP.HCM), chùa Bà Đen (Tây Ninh)... cũng xuất hiện khá nhiều thầy bói xem tướng. Các thầy ngồi đồng bệt ngay trước chùa mồi chài khách hành hương.

Anh Thoa

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.