"Đồng huyết" - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Vân Anh

03/06/2012 03:00 GMT+7

Thôi! Chẳng còn gì để nói nữa cả. Chính mắt tôi đã nhìn thấy cái bụng lùm lùm đầy thách thức của bà ta nhấp nhô sau lượt áo lụa mỏng. Chẳng thể cứu vãn được nữa. Cứ làm bộ như con nít không bằng. Bà ta rón rén đi theo bố tôi, bước líu ríu, mãi mới tiến vào đến giữa nhà. Nơi ông nội tôi đang trút hơi thở cuối cùng, xung quanh là tất thảy con cháu trong dòng tộc. Bà ta có quyền gì mà bước vào đây cơ chứ. Còn chưa kể đến chuyện ông nội tôi chưa bao giờ thừa nhận bà ta là con dâu. Ông đuổi bố ra khỏi nhà bằng những tiếng ho húc hắc cũng chính bởi người đàn bà ấy.

Thôi! Chẳng còn gì để nói nữa cả. Chính mắt tôi đã nhìn thấy cái bụng lùm lùm đầy thách thức của bà ta nhấp nhô sau lượt áo lụa mỏng. Chẳng thể cứu vãn được nữa. Cứ làm bộ như con nít không bằng. Bà ta rón rén đi theo bố tôi, bước líu ríu, mãi mới tiến vào đến giữa nhà. Nơi ông nội tôi đang trút hơi thở cuối cùng, xung quanh là tất thảy con cháu trong dòng tộc. Bà ta có quyền gì mà bước vào đây cơ chứ. Còn chưa kể đến chuyện ông nội tôi chưa bao giờ thừa nhận bà ta là con dâu. Ông đuổi bố ra khỏi nhà bằng những tiếng ho húc hắc cũng chính bởi người đàn bà ấy.

Thế vậy mà hôm nay bà ta vẫn dám vác mặt về đây, cùng với cái bụng tròn xoe như quả dưa hấu. Bà ta muốn chọc tức ông nội tôi chắc, hay muốn trêu ngươi mẹ con tôi?

Dường như mọi ánh nhìn đều đang đổ dồn về phía người đàn bà đang lũi chũi bước đi một cách khó nhọc. Tôi đoán bà ta đang mệt mỏi lắm, bắp chân căng cứng và phồng ửng lên. Miệng cố cười trông méo mó, lưng cúi rạp xuống như kẻ tội đồ. Biết nói thế nào nhỉ, tôi rất muốn gọi tên đó là sự nín lặng. Hoặc không phải là như thế. Bởi tôi hoàn toàn có thể gọi đó là âm mưu, là thủ đoạn, là sự giả tạo. Khi những tín hiệu gắng gượng tôi nhìn thấy đó lại phát ra từ chính người đàn bà đã cướp bố của chúng tôi.

 "Đồng huyết" - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Vân Anh
Minh họa: Tuấn Anh

Tôi chẳng thêm thắt chút nào vào những cảm xúc hiện hữu của mình khi ấy. Lúc tôi 13 tuổi. Ba ngày trước khi ông nội tôi mất. Đứa con đang cố chồi lên trong bụng người đàn bà ấy chuẩn bị chào đời. Và chẳng ai có thể ngờ được rằng người phá tan cái không khí nặng nề đến nghẹt thở phủ trùm lên ngôi nhà hôm ấy lại chính là mẹ - người duy nhất mỉm cười đáp trả sự run rẩy của bà ta. Lướt nhanh qua những ánh nhìn ái ngại của mọi người, mẹ cầm cốc nước đặt lên tay người phụ nữ ấy cùng một lời mời đủ nhã nhặn. Lúc ấy, tôi cảm thấy vô cùng tức tối với sự nhún nhường thái quá của mẹ. Sau rồi lại hả hê với cách nghĩ của chính mình: Đứng trong ngôi nhà của dòng họ này, bà ta chỉ là khách.

Nhưng ai chẳng biết tôi nghĩ thế chỉ để thỏa mãn sự ích kỷ và hẹp hòi của chính bản thân. Chứ mẹ tôi, người phụ nữ chưa bao giờ biết nói những lời cay độc, chẳng mảy may dằn vặt ai dù chỉ trong suy nghĩ. Từ ngày bố ra đi, bà chỉ biết ngoài đồng từ sáng sớm cho đến khi tối mịt, và chưa một lần bà rớt nước mắt trước mặt chúng tôi.

***

Mùa chim se sẻ sà xuống từng đàn rinh rích trên cánh đồng. Mặt ruộng thì xốp và tơi bông. Mấy con chuột mải miết tha thóc về tổ, chuẩn bị sẵn sàng đón cái lạnh cóng sắp đến. Gió xào xạc qua những sóng lúa chín vàng. Những đọt lúa còn xanh dập dờn đưa hương thơm mát cả cánh đồng mùa giáp hạt. Chúng tôi cứ lang thang trên cánh đồng suốt những ngày nắng tràn vỡ. Rồi cả những trận mưa rào lép nhép trong tiếng ì ọp của loài ếch ộp. Chúng tôi ở đây là tôi và thằng em trai tôi. Nó kém tôi 4 tuổi, mắt lúc nào cũng ươn ướt và tính thì hiền lành như con gái. Thế mà nó lại luôn là người bảo vệ tôi trước những trò nghịch dại của đám trẻ con trong xóm. Mỗi khi chơi một trò gì đó, nó luôn nhường tôi. Tôi chỉ biết được bí mật này sau khi đám trẻ con tôn nó là “sư phụ”, bởi chẳng đứa nào có thể thắng nổi nó. Nhưng cứ thấy đối thủ nổi cơn “muốn thắng” nó lại nhường. Nên tôi hay nghĩ nó cứ nhường nhịn người khác như thế, là nó thắng.

Chẳng cần phải kể lể nhiều về tình cảm giữa hai đứa. Chúng tôi là máu mủ cơ mà. Từ ngày mẹ đẻ nó ra, bố đã dặn đi dặn lại với tôi điều đó. Bố bảo, là chị em ruột thịt, nếu ai đó bị tổn thương, người kia cũng sẽ thấy đau lắm. Ban đầu tôi không tin, sao bố nghĩ đâu ra toàn chuyện lạ đời. Thân ai thì người đó đau chứ. Thế rồi đến khi tôi được cho tập xe đạp lòng vòng quanh sân. Cái cẳng chân ngoằng ngoèo cứ lớt hớt mãi trên chiếc xe đạp vốn đã quá lớn xác so với thân hình củ sắn củ khoai của tôi. Rất khó để điều khiển. Lúc ấy thằng em tôi đang ngồi chơi gẩy nắp lon với mấy đứa bạn ở sân. Làm thế nào mà chiếc ghi đông xe đạp của tôi quàng ngay vào mắt nó. Cái mặt nó trắng bủm, máu đỏ tươi rớt xuống ướt đầm. Tôi gào lên gọi bố. Và lần đầu tiên tôi có cảm giác lồng ngực mình nhói xót, rất thực.

Tôi không nhớ chính xác bác sĩ đã phải khâu bao nhiêu mũi kim trên đuôi mắt bị rách của nó. Hôm ấy tôi bị bố đánh một trận nhớ đời. Tất nhiên đó chỉ là tai nạn, đáng lẽ ra tôi cũng không đáng bị đánh như vậy. Tôi có thể tủi thân vì bị oan ức. Nhưng quả thật trong lúc bị bố bắt nằm úp mặt xuống giường và lấy que cời bếp vụt đòn, tôi thấy mình đáng bị như thế lắm. Tôi cũng không thấy đau ở mông, nơi vết que vụt vằn lên rõ mồn một. Tôi thấy đuôi mắt mình nhoi nhói. Và khi nước mắt chảy ra vì đau, tôi cứ ngỡ đó là những giọt máu của thằng em trai mình.

Dấu tích để lại trên đuôi mắt của em trai tôi là một vết sẹo dài. Rồi mấy đứa bạn bắt đầu gọi nó là thằng Ve. Tôi ức lắm, chẳng khác chi chúng nó trêu tức tôi. Thế nên mỗi lần chúng nó tới cổng í ới gọi Ve ơi, Ve là tôi không thích tí nào. Tôi sẽ chạy ra trước cổng, chống nạnh để hoạnh họe chúng nó đủ điều. Chẳng khác chi một bà cụ non. Em tôi thì lại chẳng quan tâm tới điều đó, thậm chí còn tỏ ra thích thú với cái tên mới mà đám trẻ con đặt cho. Cũng chẳng trách móc gì tôi. Cả khi phải chịu đựng những cơn ngứa mọc da non. Mỗi lần thấy nó đưa tay lên nhay đuôi mắt. Tôi chỉ biết tiến đến gần nó, và thổi lấy thổi để. Như cách mẹ tôi vẫn làm mỗi lần chúng tôi bị đau. Sau này khi lớn lên, tôi mới biết được rằng có rất nhiều nỗi đau không phải cứ thổi phù phù là hết.

***

Ngày bố nói rằng ông sẽ không ở bên chúng tôi nữa, tôi vẫn đinh ninh rằng chắc ông giận gì chúng tôi nên dọa thế. Biết bao nhiêu lần chúng tôi nghịch ngợm bị bố lôi về đánh đòn, rồi ông lại gọi đến để vỗ nựng đấy thôi. Nhưng hôm ấy ông đi thật. Ông xếp vài bộ quần áo vào trong một cái túi du lịch, đội mũ cối. Mẹ lụi hụi dưới bếp hết thổi cơm, đun nước, cám lợn, cám gà. Hình như mẹ biết trước rằng hôm nay ông sẽ đi, mẹ ngồi nắm cơm cả đêm hôm qua, nhét thêm cả bọc muối vừng vào đáy túi du lịch của bố. Khi ông đi được một lúc lâu rồi, chúng tôi mới nhớ đến mẹ, chạy xuống bếp đòi cơm thì thấy mắt mẹ đỏ hoe. Thằng Ve chạy đến ngồi vào lòng mẹ. Tôi không hiểu sao nó lại làm như thế. Còn tôi thì khi đó vẫn chỉ đinh ninh rằng, khói bếp làm cay mắt mẹ thôi.

Đến khi mọi sự đinh ninh đều đã phản bội tôi, tôi chất hàng mớ câu hỏi lên mẹ. Bố bỏ mẹ con mình thật rồi sao hả mẹ? Mẹ chẳng trả lời câu hỏi của tôi, mẹ chỉ vuốt tóc tôi. Mẹ bảo bố chẳng đi đâu cả, bố ở trong đây này. Những sợi tóc nâu hoe giống bố. Vầng trán cao ương bướng giống bố, sống mũi tẹt giống bố, đôi mắt với hàng mi cong dài của bố. Tôi chẳng hiểu được những lời nói và cử chỉ của mẹ. Tôi chỉ có một cảm giác mơ hồ giống như khi bố nói cho tôi và thằng Ve nghe về dòng huyết.

Tôi đem những thắc mắc của mình hỏi thằng Ve. Mi có tức cái người đàn bà kia không, có nhìn mặt bố nữa không? Câu trả lời của nó chẳng giống tôi mong chờ gì hết. Tôi đưa tay đập đầu nó cái cốp. Vì can tội không ghét bỏ bố và người phụ nữ kia giống như tôi. Tôi với nó là máu mủ ruột già, dòng huyết đang chảy trong người chúng tôi giống nhau, tại sao nó lại không nghĩ như tôi cơ chứ.

Đập nó xong rồi tôi ôm mặt khóc hu hu. Tôi nhớ bố lắm. Thà là bị bố đánh đòn.

***

Rồi bố về thật.

Người ta báo cho bố biết tin ông nội ốm nặng. Chắc bố đã phải đi một quãng đường khá dài, bụi đường còn đang bám bạc thếch trên chiếc áo phay màu xanh lục bố đang mặc. Tay bố vẫn xách chiếc ba lô du lịch và đầu đội mũ cối.

Trông bố mỏi mệt, tóc dài ra nhiều. Bố tiến gần lại phía ông. Chỉ sau nửa tháng đổ bệnh, người ông nội đã quắt queo lại. Ông nằm bẹp một chỗ, mỗi bữa chỉ ăn được vài thìa nước cháo. Mọi sinh hoạt thường ngày đều phải có người giúp. Đến hôm nay thì dường như ông không thể ngồi dậy được nữa. Từ sáng môi ông cứ mấp máy liên hồi như muốn nói điều gì đó. Nhưng dù ghé sát tai lại cũng chỉ nghe thấy những tiếng thều thào. Trước đó vài ngày, lúc tiếng của ông vẫn còn nghe được một chút, ông nói muốn gặp bố.

Giờ bố đứng trước mặt ông, có khi nào ông chẳng còn nhìn thấy được nữa?

Ấy vậy mà linh cảm của tôi đúng. Lúc bố ghé vào tai thì thầm với ông vài câu, con về rồi bố ạ! Bỗng dưng mi mắt ông động đậy, rồi khẽ rùng mình mở mắt, như đang có một luồng huyết nóng chạy ran làm ấm khắp cơ thể. Quả thật tôi chẳng tin vào những phép màu, rằng nàng công chúa chết rồi, chỉ cần hoàng tử tới và đặt nụ hôn lên môi là sống lại. Thế mà tôi hôm ấy tôi được tận mắt chứng kiến một điều kỳ diệu hơn cả thế, của bố và ông nội.

Bố tôi kéo người đàn bà đang đứng khúm núm trong góc nhà tiến tới trước ông. Ông nhìn một lượt ba mẹ con tôi rồi lặng lẽ quay mặt đi hướng khác. Bố tôi và người đàn bà quỳ sụp xuống dưới chân giường van lơn. Và tôi không bao giờ quên được câu nói của bố lúc ấy. “Con biết con đã sai rồi, bố không nhận người đàn bà này. Nhưng xin ông cho cháu nội được nhìn mặt”.

Đúng lúc đó, người đàn bà lên cơn chuyển dạ.

Ba ngày sau ông nội mất.

***

Thằng Ve có vẻ rất thích thú với sự xuất hiện của đứa trẻ con. Nó cứ chạy lên chạy xuống ngắm nghía đứa bé rồi tíu tít thông báo cho tôi bằng đôi mắt hấp háy của một thằng trẻ con. Nó đúng là trẻ con mà. Làm sao có thể tỏ ra thích thú đến vậy với đứa bé không phải do mẹ mình mà lại chính người đàn bà đáng ghét ấy đẻ ra chứ. Nghĩ thế tôi đâm ra ghét lây sang cả thằng Ve. Mỗi lần thấy nó hí hoáy nhìn qua lỗ thủng cánh cửa để nhòm vào phía trong, tôi lại giả bộ vô tình đi qua để đá vào mông nó một cái. Nó quay ra nhìn tôi cười khì khì. Đứa bé xinh lắm chị ạ! Tôi thật không chịu nổi cái thằng ngố tàu này.

Đã thế nó cũng không phải là một đứa trẻ ngoan, nó réo khóc suốt ngày. Hễ tí là nó ngoạc miệng ra khóc oa oa, cứ như thể muốn tất cả mọi người phải chú ý đến nó ấy. Sự việc xảy ra quá bất ngờ. Tôi mong chờ bố trở về từng ngày. Nhưng sao cơ sự lại tréo ngoe như thế này chứ?

Từ hôm bố và bà ta ấy về đây, mẹ lúc nào cũng bận túi bụi. Vốn mẹ đã chẳng bao giờ được ngơi nghỉ chân tay, nay lại phải chăm thêm gái đẻ. Cả ngày cứ hết lúi húi dưới bếp nấu cái nọ, đun cái kia rồi lại vật lộn với cái tã cái quần. Bà ta mới sinh em bé nên còn yếu rớt, phải ở cữ không được ra ngoài. Việc to nhỏ gì đều một tay mẹ tôi làm hết. Đã thế bà ta lại còn không có sữa. Báo hại mẹ tôi ngày nào cũng phải đun nước cơm hòa với đường cho đứa trẻ con uống, rồi hầm chân giò cho bà ấy ăn đợi ngày sữa về.

Và tất nhiên dù cảm thấy khó chịu vô cùng, nhưng tôi cũng chẳng thể tìm nổi một lý do để đứng ngoài. Bữa nào mẹ cũng sai tôi mang nước cơm đường và cháo vào buồng cho bà ta và đứa trẻ con. Tất nhiên tôi có cách của tôi. Tôi bỏ tất cả vào cái rổ, và đẩy vào sau phía tấm mành. Chứ chẳng đời nào tôi thèm nhìn mặt hai con người xấu xa đó. Tôi đắc thắng với sự thông minh của mình. Họ cũng chỉ ở đây một thời gian thôi, nên tôi chắc mẩm vào kế hoạch không ngó mặt của mình đến mức tự hào về nó.

Thế mà rồi cũng chỉ tại thằng Ve.

Hôm ấy tôi đang ngồi tha thẩn xâu vòng hạt bưởi, thì thằng Ve chạy xồng xộc vào. Mũi nó thở hổn hển, tay nó lôi xềnh xệch tôi đi, lưỡi nó ríu cả lại thông báo: “Nhanh lên chị! Nó mở mắt rồi! Giống mắt của chị lắm!”.

Vừa dứt lời thì hai chân đã đặt ở cánh cửa gian buồng cấm kỵ của tôi. Những tổn thương ngăn tôi lại. Song một điều gì đó mơ hồ nhưng đủ mạnh thôi thúc tôi tiến lên phía trước một chút. Có thể tôi tò mò vì câu nói của thằng Ve - giống mắt của chị lắm! Mà cũng có làm sao đâu, chỉ là nhìn thôi mà, một chút thôi, xem con bé đó mồm ngang mũi dọc ra sao. Chỉ một lần thôi. Rồi từ ngày mai lại tiếp tục thực hiện kế hoạch rổ rá, có mất chi đâu. Nghĩ đến đó thôi là cái đầu tôi đã ghì sát cánh cửa buồng, nơi có một lỗ thủng nhỏ chui lọt vừa một con mắt.

Giữa ban ngày mà căn phòng vẫn tối nhờ. Ban đầu tôi chẳng nhìn được gì cả, chỉ hít thấy mùi trẻ con mới đẻ, hoi hoi, thơm thơm. Rồi chốc sau tôi thấy đứa bé đưa đôi mắt tròn xoe lúng liếng nhìn lại phía tôi. Đôi môi nó nũng nịu. Những ngón tay ngón chân ngọ nguậy trong chiếc tã màu trắng tinh. Tôi giật mình đứng thẳng người dậy và chạy vội lên nhà. Đầu óc chùng chình một nỗi sợ.

Rằng nếu cứ nhìn nó như thế, tôi sẽ không ghét được nó nữa.

***

Cả đêm hôm tôi bứt rứt chẳng ngủ được. Khi con gà trống cất những tiếng gáy đầu tiên, tôi đã bước ra khỏi giường. Thằng Ve thì vẫn ngủ ngon lành. Có lẽ nó chẳng biết được những xáo trộn trong tôi sau buổi chiều ấy. Rồi khi vừa đẩy cửa để bước ra ngoài thì tôi đã thấy bố. Xách túi du lịch, đầu đội mũ cối. Người đàn bà đang bồng đứa bé trên tay.

Tôi toan đóng cửa lại thì bố gọi tôi đến gần. Đó là lần đầu tiên tôi ở gần bố đến vậy từ ngày ông đi. Cũng là lần đầu tiên tôi giáp mặt với người đàn bà ấy và đứa con riêng của bố. Bố ẵm đứa bé từ tay người đàn bà ấy. Cánh tay chai sạm, cứng rắn. Tự dưng tôi lại muốn ai đó cho tôi một điều ước, để tôi có thể thu mình lại nhỏ xíu như đứa bé kia, để được bế bồng.

Bố hỏi tôi có muốn bế em không? Em? Tại sao chưa bao giờ tôi nghĩ rằng đứa bé này là em tôi. Chưa bao giờ tôi nghĩ nó như thằng Ve. Mà thực ra sau buổi chiều hôm qua tôi cũng nghĩ tới điều đó, nhưng một chút thôi. Thế mà sáng nay nghe bố nói như thế. Bố bảo chuyến này bố đi xa lắm, mấy chị em có lẽ sẽ rất lâu mới được gặp lại nhau. Chị em? Quả thật như vậy sao? Bố đang nhắc đến sự chia xa, và tôi thấy hoảng sợ.

Tôi lúng túng ôm lấy đứa bé từ tay bố. Mắt nó nhắm nghiền say sưa ngủ như chẳng biết vừa có một người khác đang ẵm. Hoặc một điều gì đó khiến nó vẫn cảm thấy ấm áp để tiếp tục ngủ no say như thế. Còn bé xíu mà mi mắt nó cong dài, những sợi tóc trên đầu xem ra cũng hoe vàng giống tôi và thằng Ve.

Một luồng cảm giác nào đó đang chạy dần dần qua từng tế bào trong cơ thể tôi. Rõ rệt và thương yêu. Tôi định vào gọi thằng Ve dậy, vì tôi biết sẽ chẳng làm sao giải thích cho nó những cảm xúc tôi đã có. Nhưng lại thôi. Tôi thấy tiếc nuối những lần ghé mắt qua ô lỗ thủng của cánh cửa buồng, sẽ chẳng bao giờ ngửi thấy mùi em tôi nữa.

***

Bóng người phụ nữ ôm con đi khuất sau những bụi dứa dại trồng hai ven đường. Tôi trộm nghĩ, có lẽ ngày xưa mẹ cũng ẵm tôi và thằng Ve như thế. 

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Vân Anh

>> Bằng chứng ngoại tình
>> Đi tìm cà vạt tím" - Truyện ngắn của Tô Hải Vân
>> Kịch ma hết chiêu
>> Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đoạt giải thưởng lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.