Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 3: Thủy đạo bí mật trong lòng Phật viện

10/12/2014 04:40 GMT+7

Các bậc cao niên trong làng Đồng Dương khẳng định dưới lòng đất khu di tích ngày nay có một thủy đạo được người Chăm xây dựng cách đây cả ngàn năm.

>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 2: Tấm văn bia bị đánh cắp
>> Đồng Dương kỳ bí: Pho tượng bồ tát bị bẻ hoa sen

Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 3: Thủy đạo bí mật trong lòng Phật viện
Người làng Đồng Dương tin rằng Phật viện và ao Vuông được nối với nhau bởi một thủy đạo chạy ngầm dưới lòng đất - Ảnh: Hoàng Sơn chụp lại tư liệu

Đã có nhiều đề tài nghiên cứu về Phật viện Đồng Dương nhưng nói về thủy đạo bí mật thì vẫn chưa ai nhắc đến, hoặc có đề cập thì cũng chỉ vài dòng ngắn gọn. Theo nhiều người dân tộc Trà - hậu duệ của người Chăm tại Đồng Dương thì ngoài những kiến trúc bề nổi được ghi nhận là kinh thành Indrapura, khu Phật viện thì bên dưới lòng đất còn có thủy đạo bí mật.

Thủy đạo dài 1 km

Cụ Trà Diếu (86 tuổi) cho biết từng nghe cha ông kể về thủy đạo này nhiều lần. “Đến thế hệ chúng tôi, từ khu tháp cổ về đến ao Vuông có một con đường trực chỉ được đắp nổi. Và thủy đạo dài 1 km chạy ngầm dưới lòng đất nằm bên dưới con đường này, nối tháp Giếng với ao Vuông”, cụ Diếu nói như đinh đóng cột.

Theo lời kể của nhiều người uy tín trong làng, ngày xưa, nếu thả một trái bưởi tại tháp Giếng lúc giữa trưa thì đến khoảng đầu giờ chiều, trái bưởi này nổi lên ở ao Vuông. Ông Trà Tấn Thành, Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Định Bắc, cho hay ông đã nghe nhiều người già kể về mật đạo này nhưng cơ hội kiểm chứng không còn do Phật viện nay chỉ là phế tích. Ông Thành cho biết thêm, ao Vuông ngày nay nằm phía sau lưng trụ sở UBND xã và đã được người dân trồng sen. Theo nhiều tài liệu về Đồng Dương, ao Vuông được hình thành do người Chăm xưa đào để lấy đất đúc gạch phục vụ việc xây tháp và thành trì. Ao này rất sâu và có diện tích khoảng 100 x 180 m, được bao bọc trong một thành đất khoảng 300 x 250 m.

 

Thành Indrapura nằm ngoài Phật viện Đồng Dương

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tháng 9.1996, Viện Khảo cổ học VN, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ rút ra nhận định, Đồng Dương không thuận tiện để xây dựng kinh đô mà thuần túy chỉ là khu thánh địa Phật giáo của Chăm pa. Còn thành Indrapura phải là một khu vực rộng lớn nằm ngoài Phật viện. Trong nghiên cứu của mình TS Trần Bá Việt cũng nhìn nhận theo hướng này, do đó, thủy đạo bí mật là đường nối giữa ao Vuông trong hoàng cung Indrapura với Phật viện.

Những dòng đề cập gọn trong bài Tổng quan về Phật viện Đồng Dương và suy nghĩ về định hướng, giải pháp bảo tồn của TS Trần Bá Việt (Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng) tại hội thảo được tổ chức tại Quảng Nam vào tháng 8.2011 ghi nhận: “Từ Phật viện có một con đường cổ dạng bờ lũy chạy về hướng đông, băng qua một cánh đồng và mép của một quả đồi nhỏ thì đến cửa phía tây của khu hoàng cung - trung tâm chính trị của Indrapura. Khu vực hoàng cung kinh đô Indrapura chính là khu vực ao Vuông”. Theo TS Việt, trong thành nội Phật viện có một ngọn tháp đặc biệt gọi là tháp Giếng. Tháp này nằm phía góc tây nam của thành nội, nguyên trong tháp có một cái giếng mà ngày nay đã bị vùi lấp. TS Việt cũng ghi chép: theo lời truyền miệng, tháp Giếng ăn thông với khu vực ao Vuông.  

Giải mã công năng thủy đạo

Cụ Trà Diếu tin rằng, thủy đạo bí mật là một lối thoát hiểm dành cho hoàng cung khi có chiến sự. Cụ Diếu đã lấy những thủy đạo và đường hầm trong chiến tranh để liên tưởng đến việc ngày xưa vương triều Indrapura cũng bí mật xây dựng thủy đạo để “bảo vệ và phòng thủ như một con đường mật cho đánh giặc”. Trong bài viết của mình, TS Trần Bá Việt cũng đề cập đến chuyện này: “Đây có thể là con đường thoát hiểm của hoàng tộc hoặc có thể là một kỹ thuật cấp nước trong giếng cổ trong hệ thống giếng của người Chăm xưa. Đó cũng là một hướng giải thích cho cái giếng không vơi không đầy trên đỉnh đồi nhà thờ Đức mẹ Trà Kiệu”.

Theo TS Việt, có thể người Chăm xưa đã biết áp dụng nguyên lý hai bình thông nhau. Với kỹ thuật gốm phát triển, họ đúc những ống gốm dẫn nước đặt ngầm trong lòng đất. Những ống này sẽ lấy nước từ khu vực nước có chất lượng cao và có cao trình bằng với cao trình nước mà họ muốn khống chế. “Điều này giải thích tại sao nước giếng Chăm cổ rất sạch trong khi nước giếng đào trong khu vực bị nhiễm phèn nặng hoặc mực nước của họ nằm trên lưng chừng đỉnh đồi mà không vơi không đầy như có ma lực”, TS Việt viết. Người làng Đồng Dương cho hay, tương truyền nước trong tháp Giếng quanh năm mát trong và không bao giờ cạn dù có hạn hán cỡ nào. Cho nên hướng giải thích của TS Việt được phần đông tán thành. Cùng quan điểm này, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cho hay miệng ống là cái giếng nên khi thả trái bưởi thì sẽ trôi ra hồ theo nguyên tắc bình thông nhau. Vì vậy, theo ông Cẩm, đường hầm là hoàn toàn có thể có và tồn tại theo nguyên tắc bình thông nhau. Nhiều người làng Đồng Dương cho biết thêm, vào khoảng năm 80 thế kỷ trước, một nhóm người trong làng đã tát cạn ao Vuông. Nhưng vì lớp bùn đất bồi lấp quá dày nên không tìm thấy miệng thủy đạo. Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, nói: “Bây giờ tại miệng tháp Giếng mọc lên một cây cóc nên thủy đạo vẫn là ẩn số. Nếu muốn chứng minh thủy đạo có thật và có giá trị gì, cơ quan chức năng cần khai quật sớm và phải làm hoàn chỉnh, có hệ thống để tìm hiểu các giá trị từ Phật viện này…”.  

Hoàng Sơn

>> Phát hiện rùa đá và tấm bia đá cổ
>> Khai quật 161 hiện vật và mảnh hiện vật văn hóa Chăm
>> Nghiên cứu văn hóa Chăm tại xứ Quảng  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.