Đời thường của người tự kỷ

29/03/2016 18:07 GMT+7

Những bức ảnh chụp người tự kỷ Việt Nam của một bà mẹ Mỹ đang nuôi con tự kỷ cho thấy sự chia sẻ, và cả nỗi buồn của bà.

Những bức ảnh chụp người tự kỷ Việt Nam của một bà mẹ Mỹ đang nuôi con tự kỷ cho thấy sự chia sẻ, và cả nỗi buồn của bà.

Bà Debbie Rasiel khai mạc triển lãm Nhìn về trẻ tự kỷ- Ảnh: Ngữ YênBà Debbie Rasiel khai mạc triển lãm Nhìn về trẻ tự kỷ- Ảnh: Ngữ Yên
Bà Debbie Rasiel đang chụp ảnh người tự kỷ ở nhiều nước khác nhau thì nhận được lá thư từ Việt Nam. Lá thư của một chàng trai có người thân mắc chứng tự kỷ. “Cậu ấy nói mình có người anh em mắc chứng tự kỷ. Rồi cậu ấy viết bà đến Việt Nam ngay đi, ở đây mọi người ít hiểu về tự kỷ lắm”, bà Debbie Rasiel kể.
“Khi tới Việt Nam, tôi thực sự rất buồn khi chứng kiến quá nhiều trẻ em ở trong nhà và không có cơ hội được đi học”, bà Debbie cho biết. Ở đây, bà  gặp những bé tự kỷ tuy thông minh nhưng kỹ năng lại chưa phát triển. “Đó là những đứa trẻ rất thông minh nhưng kỹ năng của các em chưa được phát triển. Các em thiếu trường nên tài năng cũng khó được khai phá.
Tới triển lãm Nhìn với hàng loạt tác phẩm chụp người tự kỷ tại 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam, công chúng được xem nhiều góc cạnh cuộc sống của họ. Triển lãm này sẽ kéo dài đến 8.4 tại Bảo tàng Phụ nữ, Hà Nội.
Bà Debbie đã tới từng gia đình, trò chuyện để làm quen, và chụp những câu chuyện đời thường của họ. Có bức ảnh chụp hai mẹ con cùng nhau nấu cơm. Có bức lại chụp cảnh họ cùng chơi với nhau. Cũng có tác phẩm ghi lại cảnh bà trông cháu.
Hai mẹ con chuẩn bị cho bữa trưa, Hà Nội - Ảnh: Debbie Rasiel
“Một người thanh niên rất đẹp trai, thông minh và có nhiều khả năng nhưng lại không có cơ hội đi làm hay đi học tiếp. Cậu ở nhà cả ngày cho tới khi mẹ làm về. Ngay khi cánh cửa mở ra, cậu chạy vụt ra ngoài với tất cả phấn khích và khao khát hơi thở của cuộc sống bên ngoài kia”, bà giới thiệu như thế về một bức hình mình chụp.
Trong tác phẩm khác, bà chụp một cậu bé “rất thông minh và thành thạo kỹ năng vi tính ở Hạ Long”. Em bé này ở nhà cả ngày với ông ngoại, vì không có trường học thích hợp. “Khi bố mẹ đi làm cả ngày và không có trường học nào dành cho trẻ tự kỷ, ông bà đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của các em”, bà cho biết.
Cái nhìn chia sẻ từ cộng đồng
Một gia đình ở Hạ Long- Ảnh: Debbie Rasiel
Nhiều gia đình có trẻ tự kỷ tại triển lãm cũng cho rằng, triển lãm của bà Debbie giúp họ thấy được thấu hiểu hơn. “Tôi không muốn mọi người nhìn chúng tôi như người ở thế kém hơn. Thực ra tự kỷ là một sự khác biệt”, một bà mẹ chia sẻ.
Bé Nem- người được họa sĩ Lê Thiết Cương gọi là thiên tài hội họa cũng có mặt. Bé đi cùng cả gia đình tới đây. Ngay trong triển lãm, bé ngồi vẽ. Mẹ của bé, chị Lan Phương, một giảng viên kiến trúc cho biết, hiện chị đang tìm học bổng để học thiết kế các mô hình kiến trúc cho trẻ tự kỷ. Tại triển lãm, chị và một số bà mẹ có con tự kỷ khác cũng trao đổi về ước muốn lập những mô hình như vậy. Họ cũng tính đến chuyện vận động chính sách cho người tự kỷ.
Theo bà Debbie, việc có hỗ trợ từ chính sách rất quan trọng. “Tốt nhất vẫn là Iceland. Ở đó, các gia đình có con tự kỷ được hỗ trợ chính sách. Chẳng hạn, họ sẽ có 4 tiếng một ngày được tính như giờ làm việc để chăm sóc con mình. Nếu việc chăm sóc em bé ảnh hưởng tới giấc ngủ, họ sẽ được hưởng cứ 12 ngày lại có thêm 1 ngày nghỉ”, bà nói.

Bà Debbie Rasiel là một nhiếp ảnh gia người Mỹ, cũng là một người mẹ có con tự kỷ. Trong suốt 3 năm qua, bà đã đi nhiều nơi trên thế giới để thực hiện dự án Picturing Autism - chụp ảnh về người tự kỷ. Việt Nam là điểm dừng chân thứ sáu của hành trình. Triển lãm Nhìn- Picturing Autism Vietnam (tại Bảo tàng Phụ nữ, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), trưng bày ảnh do bà Debbie Rasiel chụp tại Hạ Long, Hà Nội, TP.HCM cũng như tại New York, Mexico, Peru, Iceland và Indonesia.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.