Đời nhạc, đời thơ của văn sĩ Vũ Mão trong cảm xúc của bạn văn chương

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
31/05/2020 13:39 GMT+7

Thông tin về sự ra đi của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão làm nhiều người bàng hoàng. Ngoài một chính khách nổi tiếng, ông còn là nhà thơ, nhạc sĩ với nhiều tác phẩm được yêu thích.

Ông Vũ Mão sinh năm 1939 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở Nam Định, xuất thân là thiếu sinh quân học tại Quế Lâm (Trung Quốc). Sau này ông trải qua nhiều chức danh: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa 9, 10, 11; Ủy viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992, từng kinh qua các chức vụ Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa 5 đến khóa 9.
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng người chính khách nổi tiếng ấy lại còn là tác giả của nhiều tác phẩm thơ, truyện ký được độc giả yêu thích: Hương sắc (NXB Thanh Niên, 1998), Dòng thu (NXB Hội Nhà văn, 2000), Thao thức (NXB QĐND 2005), Khát vọng xanh (NXB Văn Học 2006), Tự lòng (NXB Mỹ thuật, 2006), Lộng gió bốn phương (NXB Văn học, 2007), Sắc hương cho đời (NXB Thanh Niên, 2009), Xanh xa (NXB Thanh Niên, 2010)…

Nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Mão cùng cựu Tổng thư ký Quốc hội Thụy Điển Anders Forsberg song ca bài Hoàng hôn Stockholm

Ảnh: T.L

Không chỉ sáng tác văn chương, nhà thơ Vũ Mão còn là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam với 5 tập ca khúc đã xuất bản, đặc biệt là tập Khúc ca bạn bè năm châu với 64 ca khúc viết về các địa danh nổi tiếng trên thế giới : Huy hoàng Ăng-co (Campuchia), Nhớ về Champa (Lào); Mùa hè Maxcơva (Nga); Varadero (Cuba); Chiều xuân Vạn Lý trường thành (Trung Quốc); Singapore mến yêu; Xanh thắm Ukraina, Chiều hè Praha (CH Czech); Chiều hè Washington (Mỹ)...
Nhà thơ - nhà báo Sĩ Ẩn, cựu PV báo Tiền Phong, nhớ mãi tiết mục song ca giữa ông Vũ Mão và cựu Tổng thư ký Quốc hội Thụy Điển Anders Forsberg trong một chương trình giao lưu văn nghệ hồi năm 2017. “Hai người bạn đã hòa âm hát bài Hoàng hôn Stockholm. Đội văn nghệ Công ty du lịch quốc tế Phượng Hoàng đã chọn trong 64 ca khúc để trình diễn 9 ca khúc với giai điệu mượt mà, ca từ chan chứa tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam và bạn bè khắp năm châu”, ông Sĩ Ẩn kể.
Nhà thơ - nhà báo Sĩ Ẩn còn tiết lộ ông từng ngẫu hứng tặng nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão 4 câu thơ: “Chính trị gia làm thơ, viết nhạc/Thắm nghĩa tình tô đẹp giang sơn/Tuổi xế chiều rực rỡ hoàng hôn/Trăm hoa nở thơm tình bầu bạn”.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão (áo xanh, hàng ngồi) trong buổi ra mắt sách Gặp lại ngày xưa của nhà báo - nhà thơ Sĩ Ẩn (thứ tư từ trái sang, hàng ngồi) tại Hà Nội hồi tháng 10.2019

Ảnh: T.L

Còn họa sĩ Lê Sa Long thì có nhiều kỷ niệm “không thể nào quên” với nhạc sĩ Vũ Mão: “Do trước đây tôi cũng công tác Đoàn tại trường đại học nên khi chuyện trò với anh (nguyên là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn) đều không hề có khoảng cách. Anh là người vui tính, cởi mở, sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi mà tôi đặt ra. Năm ngoái, nhân Đại lễ VESAK Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Việt Nam (tháng 5.2019), tôi có nhận làm bìa, minh họa và dàn trang cho tác phẩm Đường về cửa Phật - tập thơ văn là thành quả chung của ba tác giả: Hòa thượng - tiến sĩ Phật học Thích Thiện Tâm, nhà thơ - nhạc sĩ Vũ Mão và nhà thơ - nhà báo Sĩ Ẩn. Qua đó tôi và anh thêm gần gũi, đồng cảm nhau hơn, qua những vần thơ trang viết càng biết anh là người yêu gia đình và nặng lòng với quê hương, đất nước.”
Có điều kiện gần gũi với nhà thơ - nhạc sĩ Vũ Mão, họa sĩ Lê Sa Long ngạc nhiên bởi tâm hồn thi ca, âm nhạc phong phú và tràn đầy sức sáng tạo trong con người chính khách Vũ Mão, bởi không ai nghĩ với một chính khách bận rộn rất nhiều công việc như ông lại kiên trì, bền bỉ và có nhiều năng lượng dành cho việc sáng tác đến thế.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão (trái) và họa sĩ Lê Sa Long

Ảnh: NVCC

Nhớ về người anh thân thương đã khuất, họa sĩ Lê Sa Long rưng rưng: “Quen biết anh Vũ Mão đã lâu, nhưng mãi đến năm 2019, khi ra Hà Nội thực hiện buổi ra mắt tác phẩm Gặp lại ngày xưa của nhà thơ nhà báo Sĩ Ẩn thì tôi mới có dịp ghé thăm nhà anh. Tôi thấy nhà anh treo khá nhiều tranh (trong đó có tranh họa sĩ Phạm Luận), tôi mới nghĩ anh là người yêu nghệ thuật thật sự. Hai anh em trò chuyện về vùng đất Bình Định. Cuối buổi, anh nói nếu rảnh Long vẽ cho một tấm chân dung làm kỷ niệm. Tôi ký họa nhanh chân dung anh lấy thần thái rồi hẹn năm sau sẽ nhờ người gửi ra. Trung tuần tháng 5, tôi nhờ bác Sĩ Ẩn có việc ra Hà Nội mang giúp, nhưng tiếc thay lúc đó anh Vũ Mão đã nằm trong bệnh viện vào giai đoạn những ngày cuối cuộc đời”.
Sáng 30.5. nghe tin nhà thơ Vũ Mão qua đời, họa sĩ Lê Sa Long bùi ngùi: “Cuộc đời thật vô thường. Nhớ bốn câu thơ anh Vũ Mão ghi tặng tôi lần cuối chia tay kèm theo 2 bản sách anh tặng, như đúc kết cuộc đời mình: ‘Tĩnh lặng trầm tư ngẫm sự đời/ Hào quang sớm nở tuổi xuân tươi/ Dặm trường khúc khuỷu bươn ghềnh thác/ Non nước - lòng son mấy thảnh thơi”.., mà thương nhớ anh vô cùng”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.