Đọc Trần Bạch Đằng - cuộc đời và ký ức: Những trang viết trước “Ngày của mẹ”

04/08/2006 22:28 GMT+7

Phải chăng cái lớn nhất của mẹ tôi, của các bà mẹ Việt Nam và của các bà mẹ nói chung trên thế giới là cảm hóa con cái mình và sống không cần được đền bù ? (Trần Bạch Đằng)

Đang một lần nữa chuẩn bị đón Ngày của mẹ nhằm đại lễ Vu lan rằm tháng bảy Bính Tuất (8.8.2006), chúng tôi ngẫu nhiên đọc được những trang viết cảm động về mẹ của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng qua phần đầu cuốn Trần Bạch Đằng - cuộc đời và ký ức do NXB Trẻ mới in. Ông kể lại những kỷ niệm thuở vào đời khi bắt đầu xa mẹ - người mẹ tảo tần vất vả mà ông chưa may được cho bà một tấm áo tay dài như lời mình đã hứa...

Cách đây 80 năm (1926), dưới mái nhà vách lá đơn sơ ở Bến Bạ thuộc quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá, một người mẹ mang thai đã chuyển bụng trong cơn giông chiều và sinh ra đứa con trai út (đứa con thứ bảy của bà) mà sau này lớn lên trở thành nhà cách mạng, nhà nghiên cứu, nhà văn nổi tiếng với nhiều cái tên: Trần Bạch Đằng, Trương Gia Triều, Nguyễn Trương Thiên Lý, Nguyễn Hiểu Trường, Hưởng Triều, bí danh Năm Quang, Tư Ánh...

Lên 5 tuổi, Trần Bạch Đằng phải theo cha mẹ rời Bến Bạ. Nói "phải rời" là do gia đình ông bị chính quyền thực dân Pháp không cho phép định cư ở mỗi tỉnh quá 5 năm vì lý do chính trị: cha của ông thuộc xu hướng dân tộc chủ nghĩa, bất hợp tác với Pháp, từng bị bắt bỏ tù. Họ rời Bến Bạ bằng chiếc xuồng nhỏ, trên đó ông "ngồi co ro trong chiếc mền rách", đến chợ Rạch Giá ngủ nhờ một đêm ở nhà người bà con để sáng hôm sau lên Sài Gòn và đến Biên Hòa. Khi vượt dốc Cô Hồn, mẹ ông gánh hai thúng trên vai, một đầu gióng là cái thúng để ông ngồi bên trong, đầu gióng kia dùng chứa "tất cả tài sản" lưu đày gồm mùng chiếu, chén bát, sách vở và một chiếc rương cũ mèm.

Tới nơi họ ngụ trong một ngôi chùa nhỏ ngó ra sông Đồng Nai thuộc làng Bửu Long, tổng Phước Vinh Trung, quận Châu Thành. Bên kia sông là Cù lao Rùa, sau lưng là hai quả núi. Nhà chùa để họ nghỉ phía sau gian thờ Phật. Ban ngày mẹ ông cùng chồng "nghiền nát những thỏi trầm hương và mạt cưa cho ra bột nhang" để kiếm sống, nhiều bữa không đủ no. Sau họ dời về nhà bà Sáu Thiếp gần sông hơn, ở đó, ông kể "mẹ tôi in ngói mướn... Bắt đầu in khi mặt trời lặn và độ chín, mười giờ đêm thì mới xong phần khoán, lối 200 viên. Bà lại tranh thủ nấu một nồi xôi để sáng hôm sau gánh đi bán. Từ đó, người trong làng gọi mẹ tôi là bà Ba Xôi và tôi là con bà Ba Xôi". Cha của ông nhờ có hoa tay nên chữ viết đẹp đã viết liễn kiếm thêm tiền. Cực nhọc cùng chồng xoay xở miếng ăn suốt ngày đêm như thế, mẹ ông vẫn giữ nét hiền hòa, chân chất của người dân xứ Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) nơi bà sinh ra. Bà vẫn "dịu dàng ngay cả trước lỗi lầm của tôi, chưa một lần mẹ tôi nặng lời với tôi chứ đừng nói roi vọt. Bà hãnh diện với gia thế nhà chồng và thỉnh thoảng kể ông nghe về gia thế đó. Ông cố của ông: cụ Trương Gia Hội làm phó tướng cho Nguyễn Tri Phương.

Ông nội của ông: cụ Trương Gia Tuân là tri phủ Nam triều "treo ấn từ quan" vô Nam làm nghề thầy thuốc. Đến cha của ông, học chữ Hán rất giỏi nhưng không tham chính, làm nghề thuốc và viết liễn. Ở Biên Hòa chưa bao lâu cha ông đã nổi tiếng trong vùng vì thái độ tẩy chay hết thảy các phương tiện đi lại mà "chuyên đi bộ từ làng Tân Phú xuống tận Sài Gòn và trở về trong chiếc áo the đen". Đến ông lại "lênh đênh" theo án tù biệt xứ với cha để đến vùng đất Biên Hòa năm 1931 như đã nói. Tưởng mọi việc tạm êm ả, nào ngờ cơn lụt tháng 10 năm sau bất ngờ ập tới nửa khuya, nước dâng cao ngập ngọn cây sao, phải trổ nóc nhà thoát lên, rồi nhờ ghe cấp cứu đưa lên núi, nước rút về lại chỗ cũ lò gạch bị lở phải sửa lại, chủ lò không mướn thợ in ngói nữa, mẹ ông lại không đủ việc làm như trước, chỉ bán xôi đắp đổi. Trời lụt mới xong chẳng ai viết liễn làm chi nên cha ông lại phải ngồi không. Chỗ ở thì nhà bà Sáu bị nước đánh sập không ở được nữa, may nhờ bác Bảy Sa làm nghề đục đá đón cả nhà về tạm trú. Nhớ mẹ, ông nhớ đến một ao ước của bà trong những ngày theo chồng nay đây mai đó, ấy là: "được ở yên nơi nào đó (nhưng) cho đến khi mất, ao ước đơn giản của bà không đạt được".

Những ngày biệt xứ rồi cũng trôi nhanh và "thời niên thiếu của tôi trải qua trong hơi ấm và trong cả mùi mồ hôi của mẹ tôi - tôi rời nhà năm 1942 (16 tuổi) - lâu lâu tạt về thăm bà chỉ có thể ở nhà vài hôm thôi. Tháng 3.1945 tôi ghé nhà, đó là lần ghé nhà chót của tôi (19 tuổi)". Lần đó, mẹ ông hái mấy quả ổi tự tay xẻ ra từng miếng đưa cho ông rồi ngồi nhìn ông ăn: "Suốt đời tôi không bao giờ quên được cái nhìn ấy của mẹ".

Rời mẹ ra đi, ông gặp nhiều người mẹ khác trên đường kháng chiến. Năm 20 tuổi, khi làm Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, ông đã ăn cái Tết độc lập đầu tiên (Bính Tuất 1946) tại Sài Gòn trong một ngôi nhà lụp xụp của bà Chín, mẹ anh Ba Ngưu (anh Ba Ngưu sau này đã hy sinh). Nhà này gần ngã sáu, là nơi Thành ủy thời ấy đóng, rất nghèo, đồng bào góp bánh tét, gạo, thịt kho, dưa hấu mừng tết. Mẹ Chín cùng con gái không có gì góp đã lội rạch bắt tép, bắt cá bống về kho tương để Ban Thường vụ có bữa ăn "mặn mòi" đón xuân.

Còn ngày thường,  mẹ Chín cùng cả nhà "nhường cơm cho chúng tôi ăn, mẹ con bà ăn cám nấu. Khi biết được, chúng tôi vừa khóc vừa xin ăn tết chung với gia đình. Sau đó hằng ngày chúng tôi trộn gạo với cám, nấu trong một nồi để mọi người cùng ăn". Sau này, khi ông về thăm thì mẹ Chín với mấy đứa cháu nội đã bị bom dội chết cùng lúc hồi năm 1968. Cũng năm đó, người mẹ sinh ông ở Bến Bạ cũng qua đời. Ông viết: "Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi về quê cùng con gái tôi... Hai cha con tôi nhổ cỏ ngôi mộ đơn sơ nằm giữa cánh đồng bát ngát. Tôi đã không trọn được cái hứa thầm: may cho mẹ chiếc áo dài tay".

H.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.