Đọc ‘Mùa Bạch Diệp’ - cô đơn là bản chất của thi ca

02/01/2021 17:00 GMT+7

Lần đầu tôi đọc thơ Trần Bạch Diệp là qua bài viết Những góc nhìn về Tùng gai của Bạch Diệp trong cuốn tiểu luận phê bình Tiếng vọng đa thanh của nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh. Ở đó tôi rất thích những câu thơ được trích dẫn của chị qua lăng kính và góc nhìn rộng của Hoàng Thụy Anh. Tùng gai được đánh giá là “khai lộ thế giới vô thức, dung chứa vui buồn, trăn trở, dằn vặt, khao khát... lời thơ đượm buồn nhưng không bi lụy”.
Lần thứ hai tôi được đọc thơ chị qua bài giới thiệu Cô độc xoay lưng như con sói trong chiều của Nguyễn Thị Kim Nhung trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 953. Bài viết của Kim Nhung giới thiệu tập thơ Mùa Bạch Diệp của chị.
Tập thơ Mùa Bạch Diệp đến với tôi vào đúng buổi chiều Noel, khi tiếng chuông nhà thờ ngân lên từng nhịp cũng là lúc tôi mở tập thơ ra và đọc.
Thơ Bạch Diệp cho tôi cảm nhận chị là một người phụ nữ tinh tế, kín đáo nhưng cũng đầy sự lãng mạn và ám dụ. Mùa Bạch Diệp mang chứa đầy tâm trạng với một nét mơ hồ của một sắc thái riêng, một nhịp điệu riêng mà chị luôn tự nhận là chỉ viết cho mình. Với 50 bài thơ, ở đó chị đã kí thác, gửi gắm tất cả những vui buồn, hạnh phúc, nhớ nhung, khổ đau và bất hạnh như một bức tranh đa màu sắc trong cõi người "... ngày anh im lặng/ đặc và vắng như đêm/ bóp nghẹt hơi thở/ dù là một chữ đi ra...", "như cái cách nhớ anh/ rất nghẹn/ số phận đã sắp đặt/ em không thể rời mọi thứ ra khỏi chỗ của nó.../ em một mình/ chạy qua cánh đồng sợ hãi" (Sợ hãi). Sự cô độc của người đàn bà trong thơ vượt qua cả sự sợ hãi, vượt qua cả những hờn giận, giằng xé, băng qua mùa đông, băng qua quảng trường, băng qua tháp chuông, để biết nỗi nhớ cồn cào trong ngực với một khát vọng mãnh liệt.
Tình yêu trong thơ chị có cảm giác được nảy mầm từ trong tâm thức, từ tâm hồn này sang tâm hồn khác và tâm hồn khác trong thơ chị không hiện sinh một cách rõ ràng. Đôi khi là thực, đôi khi là mơ trong trực cảm của một người đàn bà yêu một cách tận hiến. Chị như độc thoại với chính mình mà không cần ai biết ngoài anh và được chia sẻ cùng anh. "... Anh nói đi/ đừng mang nỗi buồn vào lúc chiều tối/ em sẽ không nhắm mắt khi ngủ/ sẽ không thể nhìn khi thức/ bất kỳ ánh sáng nào/ ngoài khuôn mặt anh..." (Hay là chúng ta ra biển).
Đọc thơ chị tôi thấy một tâm hồn nhạy cảm, dễ xúc động hơn sự dằn vặt, đau khổ, ích kỷ. Có gì đó như đợi chờ, mong mỏi, hy vọng. Thơ chị cứ trôi miên man trong miền nhớ, về cuộc đời, về thân phận. Cuộc đời dài nỗi nhớ cũng dài, đường đời rộng nỗi cô đơn cũng rộng, chị chắt chiu niềm vui sống trong hạnh phúc bình dị, chia sẻ những tâm tư, ẩn ức vào thơ. Phải chăng có buồn cũng là một nỗi buồn đẹp? Đàn bà yếu đuối, đàn bà dịu dàng, đàn bà mềm như cỏ và cô đơn, cô độc luôn ẩn trong những người đàn bà khép kín. Nhưng những người đàn bà khép kín lại là những người đàn bà dám chống lại giông bão cuộc đời, dám đi qua hết những nỗi đau và dám yêu và dâng hiến đến tận cùng "... chúng ta chỉ còn vài giờ/ em không thể đợi một hoàng hôn.../ mặc kệ thời gian.../ hãy ôm em như sóng ôm đêm/ đến tận cùng đại dương/ đến tận cùng yêu thương/ tận cùng/ tận cùng..." (Hay là chúng ta ra biển).
Phải chăng cô đơn là bản chất của thi ca? Phải chăng xã hội càng hiện đại thì con người càng dễ rơi vào trạng huống lạc lõng cô đơn. Tình yêu, sự chung thủy và lòng tốt ngày càng hiếm đi và con người dễ rơi vào mất mát, tuyệt vọng. Khi niềm tin đã rơi vỡ thì người ta luôn ẩn mình trong sự im lặng. Sự cô độc đôi khi lại là linh hồn trong cách biểu đạt ngôn ngữ và thể hiện đầy tính sáng tạo "... hình như em vừa rời khỏi anh/ nín câm/ không nước mắt/ hình như ánh mắt anh để lại/ giữa lồng ngực em/ vết bầm/ se thắt/ ... em sẽ nhớ cho đến chết/ những dấu vết" (Lúc năm giờ chiều).
Cái đẹp bắt nguồn từ sự khơi gợi, nó xuyên thấu vào tận tầng vỉa của thời gian bằng sự giải thoát, chịu đựng hay im lặng trong sự vô thức. "Trong trái tim của mỗi người đều có một dòng sông nghẽn lại ở đó, nó phân trái tim chúng ta thành hai bờ: bờ trái mềm yếu, cảm tính, bờ phải lạnh lùng, lý trí, bờ trái là giấc mộng, bờ phải là cuộc sống" (Ánh trăng không hiểu lòng tôi - Tần Di Ổ). Đón đợi điều gì đây giữa thực và mơ? Chỉ có thơ là tiếng nói da diết, vang vọng trong tâm cảm con người và mang đến giá trị nhân bản kể cả khi cô đơn cùng cực.
Tình yêu trong Mùa Bạch Diệp luôn bắt đầu từ nỗi buồn một mình, tiềm ẩn một tiếng gọi thôi thúc trong căn phòng đẹp và mộng mị vây bủa: "những ngón tay mưa/ nụ hôn thơm dòng sông bạc hà"; "em chưa bao giờ quên anh/ em chưa bao giờ thôi nhớ/ ... chúng ta từng một tiếng thở dài/ ngực em ấm hơi mưa ngạt thở/ tiếng anh gọi làm em ngạt thở/ đường nào để em gặp anh/ đường nào cho em quên anh..." - nghịch lý trong tình yêu luôn có sự ngọt ngào, cay đắng. Nhớ như muốn tan ra từng mảnh, nhưng lại là sự bất lực đến tan nát và thường rơi vào tình huống cô độc trong im lặng.
Phải chăng Bạch Diệp là người yêu nỗi buồn, hay nỗi buồn là bạn tâm tình cùng thơ? William Wrinter từng nói "Im lặng là sự hùng biện cuối cùng của nỗi buồn", phải chăng nhiều cái đau mà chẳng có tên, nên cứ nhận về cho mình tất cả. Nhận như cái cách mà chị chia sẻ: "Tôi không đi tìm thơ, thơ là con đường tôi lạc tới, như là tiền định, khó né tránh" và nén sâu vào tập thơ Mùa Bạch Diệp. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.