Đọc để trân quý sách

02/06/2013 03:15 GMT+7

Chuyện về sách xưa như quả đất, nhưng sau khi đọc Về chốn thư hiên (Trần Trọng Cát Tường - NXB Hồng Đức 2013) bỗng thấy bừng lên một điều tạm coi như là khái niệm: hỉ nộ ái ố giày vò tâm khảm con người ta có lẽ cũng vì có sách dự phần.

Nói như Trần Trọng Cát Tường (vốn là bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, tên thật là Nguyễn Duy Long): “Không chỉ là những mẩu chuyện tâm đắc xoay quanh một nhã thú mà còn chia sẻ những tục lụy riêng chung liên quan đến việc làm sách, đọc sách, gìn giữ sách…”.

 

Với 2 vai chính, Trần Trọng Cát Tường vừa là người đọc sách, mê sách vừa là người viết sách về thú đọc sách. Tức, đọc để thấy mình còn thiếu và viết để tỏ bày những trải nghiệm thú vị sau khi đọc. Về chốn thư hiên tuy là tác phẩm của một người chưa già và không còn trẻ nữa, nhưng những chương mục thì đậm chất hoài cổ, ước lệ, tỉ như lời tựa thì Khoảng trên ngừng bút, tên của các chương sách thì Nghề mọn riêng tay, Mặn nồng một vẻ, Ngọn nguồn lạch sông, Cây quỳnh cành dao… Xem thế, mới thấy tác giả bị ảnh hưởng thế nào từ cụ Tố Như, và vì vậy rất nhiều chỗ không thoát khỏi cách thể hiện theo hơi hướng lối văn biền ngẫu.

Chẳng hạn: “Chuyện giữ tủ sách sao cho vẹn toàn cứ dông dài ra. Kẻ có sách phải biết giữ, cho mượn là mất sách. Nhưng sự đời đâu giản đơn đến vậy. Tủ sách đâu phải là tháp ngà náu mình, sao lại không chia sẻ với người khác cái kho vàng ấy…” (chương Một hội một thuyền). Cũng không thể không nhắc đến một điều: những câu chuyện thú vị về thú chơi sách, đọc sách, cho nhau mượn sách… những điển chú quan trọng về những quyển sách đã xuất bản từ rất lâu, có quyển đã gần thế kỷ cho thấy tác giả rất dụng công và kỹ lưỡng khi tụng ca việc đọc sách in.

Trần Trọng Cát Tường cung kính dẫn ra cụ Vương Hồng Sển, tác giả quyển Thú chơi sách (cụ Sển diễn giải từ chữ bibliophile) rồi lý giải thêm rằng vì sao nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển đã “đặt tên cho cuốn sách viết về thú tiêu khiển không ít người xem là đệ nhất phong lưu này” là Thú chơi sách. Có lẽ vì vậy, theo bước tiền nhân, tác giả đã viết ra chuyện mê sách, đọc sách, gìn giữ sách với một thái độ rất trân trọng.

Đi cho hết chuyện sách vở của nhân gian này, kích thích người đời phải trân quý những giá trị thiêng liêng của nhân loại từ sách, bây giờ chắc có ít người tâm huyết như tác giả Về chốn thư hiên.

Trần Thanh Bình

>> Khai mạc Ngày hội đọc sách
>> Hàng ngàn người đến với Ngày hội đọc sách Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.