Kỳ thú lễ hội 'ăn than' của người Giẻ Triêng

02/03/2021 14:00 GMT+7

Cha Chaih là lễ hội dân gian độc đáo liên quan đến sản xuất nông nghiệp truyền thống, cũng được xem là lễ hội đón tết của người Giẻ Triêng ở Kontum. Theo đó, Cha Chaih nghĩa là “ăn than”.

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ hội Cha Chaih của người Giẻ Triêng ở Kontum còn thể hiện sinh động tình cảm và trách nhiệm của con người đối với tự nhiên. Theo tiếng của người Giẻ Triêng “Cha” có nghĩa là “ăn” còn “Chaih” là “than”. Theo đó “Cha Chaih” nghĩa là “ăn than”. 

Tung ống lồ ô chọn người

Từ thời xa xưa, mỗi năm, người Giẻ Triêng chỉ làm một vụ rẫy. Lễ hội Cha Chaih sẽ được tổ chức sau khi thu hoạch, vào cuối tháng 12 dương lịch hằng năm, khi trăng khuyết. Lễ hội là dịp dân làng mừng được mùa, tạ ơn thần linh, cầu thần linh phù hộ cho dân làng được mạnh khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn, tốt lành, mùa màng tốt tươi, thuận lợi. Đây cũng là thời điểm lấy than để rèn giũa, tu bổ lại nông cụ (cuốc, xẻng, rựa, dao…) để chuẩn bị bước vào mùa dọn rẫy mới. Theo quan niệm dân gian, chỉ có than từ loại cây Chaih mới rèn nên những nông cụ sắc bén, chắc bền nhất.

Xác định vị trí làm rẫy của từng gia đình

ẢNH: HOÀNG HUY QUYỀN

Thời gian gần đây, lo sợ lễ hội này sẽ dần bị mai một nên trong tháng 2 vừa qua, hội đồng làng Đăk Răng, xã Đắk Dục (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đã nhất trí tổ chức lại lễ hội "ăn than" trong không khí vui tươi, rộn rã. Cũng trong dịp này, già làng BRôn Vẻ được cả làng tín nhiệm giao trọng trách “giữ hồn” lễ hội.
Trước khi tổ chức lễ hội, hội đồng làng sẽ họp, xét chọn 7 trai làng khỏe mạnh để vào rừng đốt than, lấy than. Những người được chọn đều đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe tốt, cái bụng không nghĩ chuyện xấu, cái tay không làm chuyện xấu, gia đình được mùa, không có người bị ốm đau, xui xẻo... Sau khi đã chọn được người, các già làng sẽ tiếp tục “hỏi ý thần linh” một lần nữa về những người được chọn đi lấy than. Già làng sẽ lấy một đoạn ống lồ ô chẻ đôi rồi tung lên cao. “Một nửa ống úp, một nửa ống ngửa là đã được thần linh cho phép. Nếu hai nửa ống đều cùng úp hoặc cùng ngửa thì phải chọn lại”, già làng BRôn Vẻ giải thích.
Sau khi đã được "thần linh đồng ý", hội đồng làng mới tổ chức họp bà con để định ngày bắt đầu lễ Cha Chaih và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong làng chuẩn bị lễ hội.

Bí mật vào rừng

Đúng ngày đã chọn, ngay từ sáng sớm, 7 thanh niên được chọn sẽ tập hợp lại để lên đường. Họ mang gùi đi rừng, bên trong có sẵn dao, rựa, cơm lam, thịt chuột, cá suối. Kể từ lúc bắt đầu nghi lễ, những thanh niên này phải luôn giữ bí mật, không được phép gặp bất cứ ai trong làng nhằm đảm bảo sự kín đáo và tính “thiêng” của lễ hội.
Sau nhiều giờ băng rừng, nhóm thanh niên cũng đến nơi có nhiều cây Chaih. Mọi người dừng chân, chuẩn bị chỗ ăn nghỉ và chuẩn bị bắt tay vào công việc. Già làng BRôn Vẻ cầu khấn thần linh cho phép chặt hạ cây, đại ý: “Hôm nay, dân làng chúng tôi tổ chức Cha Chaih. Cầu xin thần linh cho phép chúng tôi hạ cây Chaih để đốt than. Xin thần linh phù hộ cho chúng tôi được bình an, may mắn”.
Điều đáng nói, đối với cây Chaih đầu tiên, mọi người không được dùng bất cứ vật gì để đốn chặt mà phải dùng sức người. Sau khi cây đã bật gốc mới được dùng dụng cụ để chặt, tỉa.

Người dân tập trung tại nhà rèn trong lễ "ăn than"

ẢNH: HOÀNG HUY QUYỀN

Khi cây được hạ, mọi người tạ ơn thần linh bằng cách hú lên những tiếng hú dài. Đồng thời thổi tù và, đinh tút (một loại nhạc cụ) tạo âm thanh tưng bừng, nhộn nhịp. Để đốt than, nhiều cây Chaih đốn hạ được chặt thành từng khúc và được xếp so le chồng lên nhau. Gần nửa đêm, mọi người mới xong việc và bắt đầu nhóm lửa. Khoảng 3 ngày sau, khi những cây Chaih đã thành than. Mọi người dùng gùi được lót lá dương sỉ để bỏ than vào, chuẩn bị mang về nhà.
Trước khi chuyển than, một thành viên được cử gùi than về trước và đặt ở rìa làng. Sau đó, dân làng mới ra lấy mang về. Người vừa gánh củi về sẽ ngay lập tức phải quay lại rừng để cùng các thành viên còn lại tiến hành nghi thức mang than về. Cũng như lúc “xuất quân”, để giữ bí mật, người được chọn đi lấy than và người làng ra lấy than không được giáp mặt nhau.
Trước khi gùi than về làng, những người đốt than tự làm mũ đội đầu bằng vỏ cây có tên là “long kliă klao”. Vỏ cây này được vát mỏng, màu trắng sáng, lúc tươi hơi cứng; nhưng khi hơ qua lửa thì mềm, dẻo, có thể uốn cong thành vòng vừa đầu người, rồi được lấy dây khâu nối lại thành vòng mũ đội đầu. Theo quy định, mỗi thành viên đốt than đều phải đội mũ này khi gùi than về.
Trước khi mang than về, mọi người cõng gùi than trên lưng, đi 4 vòng từ trái sang phải quanh đống lửa dùng để đốt than; vừa đi vừa thổi tù và, đinh tút. Lúc về, già làng đi trước, các thành viên gùi than theo sau. 
Cùng với nghi thức lấy than, hoạt động rèn nông cụ trong lễ hội Cha Chaih cũng diễn ra trang trọng dưới mái nhà rông. Trong thời gian các thành viên được chọn lên rừng đốt than, những người khác ở làng đã khẩn trương làm cây nêu, nhà rèn và chuẩn bị các món ăn, đồ uống. Khi đoàn người đi lấy than đã về và tập kết tại nhà rông, già làng thông báo cho chiêng trống nổi lên chào đón. Mọi người gùi than đến trước nhà rèn, đi quanh nhà rèn 4 vòng, rồi lần lượt vào bên trong cùng với những tiếng hô đồng thanh theo nhịp trống chiêng giục giã. Than mới mang về được bỏ vào lò cho sáng hừng lên.
Sau nghi thức đưa than vào nhà rèn, các già làng tiến hành rèn nông cụ mang tính tượng trưng. Chủ lò lấy lá non của cây đót nhai nát, trộn với bột con cua đá nướng chín, giã nhuyễn; thêm ít nước, khuấy đều. Lấy hỗn hợp này bôi lên lưỡi dao, rựa, rìu…trước khi đưa chúng vào lò rèn cho “no lửa”. Theo các già làng, rèn bằng cách này, nông cụ sẽ không bị cong vênh, nứt mẻ, mà rất bền và sắc.

Những người đi lấy than về được cõng lên nhà rông

ẢNH: HOÀNG HUY QUYỀN

Trong lễ Cha Chaih của người Giẻ Triêng còn có một hoạt động rất đặc biệt, những người lấy than được các thanh niên trai tráng khỏe mạnh của làng cõng từ nhà rèn lên nhà rông. Tại nhà rông, trong tiếng chiêng trống rộn ràng, mọi người đã chờ sẵn để mời các “người hùng” lấy than cùng nhau chung cần rượu và ăn uống vui vẻ mừng lễ ăn than.
Ngày hôm sau, dân làng tiếp tục kéo nhau lên rừng, phát rẫy. Người Giẻ Triêng từ xa xưa đã có ý thức cộng đồng rất cao, khi tín nhiệm để người già chọn những khu vực làm rẫy chung để tiện cho việc đi lại, giữ rẫy, bảo vệ cây trồng khỏi muông thú phá hoại. Và chỉ khi những người được chọn đi lấy than xác định vị trí và đánh dấu khu vực rừng thì mỗi gia đình mới được phát rẫy và gieo tỉa.
Chọn rẫy xong, các gia đình trở về làng. Trên đường về, mỗi người đều cầm theo một ngọn cây le, đến rìa làng, cắm xuống đất và để lại đó với ngụ ý mong cầu cây lúa vụ tới phát triển tốt tươi, được mùa no ấm. Sau đó, các gia đình mang rượu ghè và các món ăn truyền thống đến nhà rông cùng đánh cồng chiêng, múa xoang vui hội mừng Cha Chaih kết thúc tốt đẹp. Bao nhiêu khúc mắc, tị hiềm…, dịp này cũng được mỗi người, mỗi nhà dễ dàng cảm thông, bỏ quá cho nhau. 
Già làng BRôn Vẻ nói: “Dân làng mình từ xa xưa đã sống dựa vào rừng núi. Bởi vậy người làng không đốt rừng, phá rừng bừa bãi mà mỗi năm chỉ đốt than một lần. Nếu phá rừng, đốt rừng bừa bãi không tránh khỏi bị thần linh quở phạt, gây ra hỏa hoạn, mất mùa, bệnh tật. Với mọi người, sống ở rừng phải biết giữ rừng”.
Theo thời gian, Cha Chaih cổ xưa chỉ còn trong ký ức của mỗi người, song sự độc đáo, nét riêng biệt của lễ hội "ăn than" vẫn là niềm tự hào của người Giẻ Triêng. Nhớ Cha Chaih là nhớ về một nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu, cũng là lời nhắc nhở mọi người trân trọng sức lao động, sống hòa hợp cùng thiên nhiên để bảo vệ cuộc sống của chính mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.