Doanh nghiệp muốn chọi trâu, dân muốn phát ấn đền Trần nửa đêm?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/01/2019 06:37 GMT+7

Thông tin tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày 18.1, lãnh đạo nhiều địa phương phản ánh doanh nghiệp vẫn muốn chọi trâu bán vé, còn người dân cũng muốn phát ấn đền Trần vào nửa đêm như cũ.

Dừng “kinh tế” chọi trâu

Không nên đề cập đến việc thay đổi giờ phát ấn đền Trần nữa khi việc phát ấn đang đi vào trật tự
Bà Trịnh Thị Thủy (Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL)
Ông Hoàng Tiến Long, đại diện Sở VH-TT-DL tỉnh Yên Bái, cho biết hiện trên địa bàn vẫn còn doanh nghiệp (DN) đề nghị tổ chức thi trâu, hay nói cách khác là đấu trâu. “Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Bộ, tỉnh là không cấp phép tổ chức như vậy. Chúng tôi cũng phối hợp an ninh, mọi địa bàn Yên Bái đều không có công tác tuyên tuyền cho hoạt động chọi trâu”, ông Long nói.
Ở Tuyên Quang, DN cũng rất muốn xin chọi trâu, theo thông tin của ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh này. Để xử lý hiện tượng này, ông Phan cho biết đã yêu cầu đảm bảo các quy định trong Nghị định 110 liên quan đến tổ chức lễ hội. Đó là không bán vé, không giao cho DN tổ chức, cũng không giết mổ trâu. Nếu lễ hội chọi trâu đảm bảo theo quy định thì mới cho làm. Do đó, năm nay dù rất muốn nhưng không có DN nào gửi đơn xin chọi trâu nữa.
Về mong muốn tổ chức chọi trâu của DN, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, nói: “Không riêng Yên Bái mà còn nhiều địa phương đề nghị chọi trâu. Tuy nhiên, chúng ta có quan điểm không thương mại hóa. Một số địa phương có chọi trâu gắn với di tích, truyền thống, chúng tôi yêu cầu có đề án tổ chức”.
Dừng bán vé chọi trâu, địa phương cũng phải tìm cách xoay xở tổ chức lễ hội này. “Khi không bán vé thì khó khăn nhưng lại có cách vận động xã hội hóa và cũng làm tốt. Không bán vé làm hạn chế nguồn thu nên cũng đã có phương án thu chi để phù hợp”, ông Trịnh Văn Tú, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT-DL TP.Hải Phòng, nói.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết cứ đúng Nghị định 110 mà thực hiện sẽ không còn những việc như bán thịt trâu thường lẫn trâu chọi với giá cao.
Doanh nghiệp muốn chọi trâu,  dân muốn phát ấn đền Trần nửa đêm ?
Lễ khai ấn đền Trần

Không quay lại việc phát ấn đền Trần nửa đêm

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần (Nam Định) lại cho biết, người dân đang muốn được tổ chức phát ấn đền Trần vào giờ thiêng như truyền thống. Trước đây, việc phát ấn lúc giao thừa theo tục lệ đã làm ùn ứ lượng khách tới đây xin lộc. Vì thế, đề án tổ chức do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia đã “chuyển” việc phát ấn vào sáng mùng 1 tết. “Qua 6 năm làm, địa phương thấy đã đến lúc đưa lễ hội về truyền thống hay không, các cụ cũng đề nghị có thể quay về múi giờ cũ được không. Chúng tôi cũng không dám đề xuất bằng văn bản. Trong vấn đề này, có sức ép rất lớn của du khách muốn nhận ấn di tích đúng giờ thiêng”, ông Bình nói.
Dù chỉ là mong muốn của các du khách, chưa hề có đề nghị chính thức bằng văn bản, Bộ VH-TT-DL cũng đã từ chối việc thay đổi này. “Anh Bình nói lễ 12 giờ đêm được không, tôi nói luôn là không. Vì sao chúng ta phải thay đổi giờ, vì làm đúng giờ thì quá nhiều tiêu cực. Anh nhớ cho là năm 2011 tới 26 người bị thương khi chen lấn phát ấn... Chính vì thế mới có đề án phát ấn ngày hôm sau”, ông Phạm Xuân Phúc nói. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho rằng: “Không nên đề cập đến việc thay đổi giờ phát ấn đền Trần nữa khi việc phát ấn đang đi vào trật tự”.

Địa phương cần vào cuộc sâu hơn

Theo Bộ VH-TT-DL, năm nay việc xây dựng các đề án tổ chức lễ hội được thực hiện đúng quy định. Qua đó, các địa phương cũng chủ động đưa ra phương án phòng tránh nguy cơ xảy ra bạo lực. Chẳng hạn, hội cướp phết Hiền Quan đã có mô hình sân cướp phết mới, luật chơi mới. Xung quanh các điểm cây nêu ở góc sân phết, có những hàng rào lưới được dựng để tránh người không chơi phết đổ xô vào sân. Trang phục thi đấu cũng được quy định rõ ràng hai màu để phân biệt người được chọn chơi với người xem. Lễ hội đúc bụt Vĩnh Phúc đã chế tạo ra chiếc chiếu có thể dỡ ra dễ hơn, nhằm tránh xô xát khi cướp chiếu.
Mặc dù vậy, vẫn có những vấn đề mới được đặt ra với việc tổ chức lễ hội. Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Vũ Phan, làm văn hóa không chỉ là cấm và cấp phép lễ hội, mà còn là tạo dựng lễ hội. Vì thế ở Tuyên Quang năm nay có kế hoạch tổ chức lễ hội cam sành Hàm Yên. Bà con rất vui vẻ hào hứng. Về điều này, bà Trịnh Thị Thủy cho rằng: “Bộ rất đồng thuận với việc tổ chức lễ hội quảng bá đặc sản địa phương như vậy”.
Ông Nguyễn Đức Bình nêu hiện tượng lợi dụng đám đông của lễ hội để tuyên truyền đạo lạ. Ông cho biết, tại đền Trần, có việc tuyên truyền đạo Phật ngọc, đạo Đức Chúa trời. “Không biết các đơn vị khác như thế nào, nhưng năm 2018 chúng tôi có thấy 2 lần một số đối tượng nhảy lên ban thờ rút một nắm hương bỏ vào mồm nhai, gây phản ứng”, ông Bình nói.
Một khó khăn quản lý khác là đổi tiền lẻ. Hiện tượng này khá khó “bắt”. Chẳng hạn, theo ông Phúc, có những tráp tiền lẻ đầy kín chứa khoảng vài triệu, nếu bắt được có thể bị phạt tới 20 triệu đồng. Vì thế, người ôm tiền sẵn sàng vứt tráp để trốn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các địa phương cần vào cuộc sâu hơn trong tổ chức lễ hội chứ không nên giữ nếp nghĩ đó là việc của riêng ngành văn hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.