Đình làng muốn chuyển thành đền

05/08/2015 05:52 GMT+7

Một nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo lắng khi nhiều ngôi đình đang xúc tiến đề nghị đổi tên thành đền.

Một nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo lắng khi nhiều ngôi đình đang xúc tiến đề nghị đổi tên thành đền.

Tổ chức lễ hội ở đình làng - Ảnh: Ngọc ThắngTổ chức lễ hội ở đình làng - Ảnh: Ngọc Thắng
Lo lắng của ông xuất phát từ yêu mến sự khoáng đạt của không gian văn hóa đình làng. Ở đó, người dân cùng nhau có những sinh hoạt chung, gắn kết. Thậm chí có cả thể loại dân ca có tên là hát cửa đình. Hai ví dụ trong số những ngôi đình như thế là đình Bình Đà và đình Chèm, Hà Nội.
Vừa là đình, vừa là đền
Với đình Bình Đà, thông tin cho biết, việc đề nghị đổi tên đình thành đền phần nhiều do việc muốn khẳng định đền Quốc tổ Lạc Long Quân. “Vì có một ngôi đền Mẫu Âu Cơ, nên người ta muốn quay lại thành đền Quốc tổ Lạc Long Quân. Căn cứ lịch sử, lại thêm vừa công nhận việc thờ Quốc tổ là di sản văn hóa phi vật thể, thì nó thuận lợi. Nhưng từ góc độ cộng đồng thì điều đó không ổn”, nguồn tin cho biết.
Nếu phải lựa chọn thì tôi vẫn tìm mọi cách giữ không gian đình làng. Với cư dân cao tuổi thì đình rất cần. Còn với người trẻ thì họ cần nhà văn hóa. Xã hội ta rồi cũng sẽ đi dần đến dân số già. Cho nên sự thư thái chậm rãi của đình vẫn phải giữ bằng được, cho dù cái đình giờ ít được sử dụng như xưa
Nhà nghiên cứu mỹ thuật 
Trần Hậu Yên Thế 
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết trong lịch sử có thể ngôi đình có nhiều chức năng. Cũng có khi có ngôi đền ở chỗ khác nhập vào không gian đình rồi người ta thờ luôn trong đó. Và khi đó, ngoài thờ cúng thì cả không gian đó còn có một chức năng nữa là nơi gắn kết cộng đồng. “Ví dụ như đình Bình Đà hay gọi là đình Thượng. Nhưng bài vị sắc phong của nó nêu rõ cấu trúc của ngôi đền. Cái dạng có tượng trong đình là rất rõ. Nhưng không sao cả. Các cụ rất linh động. Đền Hào Nam thì chứng nhận di tích là đình đền Hào Nam...”, ông Thế cho biết.
Tuy nhiên, việc chuyển hẳn từ đình thành đền, theo ông Thế, lại là câu chuyện khác. Một không gian vừa là đình vừa là đền vẫn được. Nhưng nếu đền mà chỉ có tính chất đền thì sẽ mất đi rất nhiều. Một trong những cái mất đấy là tính cởi mở của không gian cộng đồng. “Nếu đẩy mạnh cái đền thì tất yếu sẽ đẩy cái đình đi. Lúc đó không gian sẽ trở nên kém mở vì có nhiều cấm kỵ của ngôi đền đi kèm”, ông nói.
Về điều này, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho rằng trong lịch sử có những cái đình đã từng là đền. Vì thế nếu có chấp nhận đổi tên đình thành đền hay không phải xem xét kỹ.
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, cho rằng: “Đình là đình mà đền là đền chứ. Đình Bình Đà thờ Quốc tổ đã đành còn thờ mấy ông nữa đấy. Làng đó còn thờ cả đức thánh Bối nữa.
Theo tôi thì nên theo 2 hướng. Thứ nhất khẳng định đình không chuyển thành đền được. Nhưng bây giờ các cụ cộng đồng thấy nên chuyển thì phải đề nghị ngành văn hóa xác minh có lý hay không. Chứ không phải địa phương báo cáo lên là được. Phải điều tra xã hội học để xem nhu cầu thực tế ở đó thế nào”.
Cư dân vẫn cần không gian đình làng
Khao khát chuyển đình thành đền, theo ông Tuấn, có thể là do có ai đó muốn khuếch trương không gian thờ cúng của đền lên. Điều này, theo ông, sẽ khiến di sản phi vật thể là những sinh hoạt tại đình làng bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi nghiên cứu, điền dã và thấy những sinh hoạt cộng đồng ở đình vô cùng quan trọng. Nó làm nên sức sống cho đình làng”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình - một sáng lập viên của Nhóm Đình làng Việt với khoảng 3.000 thành viên cho biết. Trong suốt những buổi đi thực tế của nhóm, bao giờ họ cũng tổ chức sinh hoạt tập thể ở đình, trong đó có nhiều sinh hoạt văn nghệ.
Cũng là thành viên chủ chốt của nhóm, ông Thế luôn lưu ý giá trị phi vật thể này. “Nếu phải lựa chọn thì tôi vẫn tìm mọi cách giữ không gian đình làng. Với cư dân cao tuổi thì đình rất cần. Còn với người trẻ thì họ cần nhà văn hóa. Xã hội ta rồi cũng sẽ đi dần đến dân số già. Cho nên sự thư thái chậm rãi của đình vẫn phải giữ bằng được, cho dù cái đình giờ ít được sử dụng như xưa”, ông Thế nói.
“Mình ở ngoại ô, làng bún Phú Đô, thì mình thấy năm vừa rồi có một hoạt động là sinh viên tình nguyện dạy vẽ ở đình. Con mình rất thích. Rõ ràng sinh hoạt làng xã như vậy rất hay. Đình rất rộng, chỉ thiếu các hoạt động thôi. Nhân mùa hè tổ chức các hoạt động. Trước đi ngang nó sợ lắm, bây giờ lại có hoạt động ở đình làng thì đình nó sống. Cách đối thoại với đời sống đương đại sẽ tăng lên”, ông Thế nói.
Câu chuyện về chuyển đổi đình thành đền, vì thế, theo ông Thế là không nên. “Người dân cần một nơi lắng nghe và chia sẻ với nhau. Chứ không chỉ cần một nơi đến để cúng rằm, mùng một”.
Ông Thế cũng khuyến cáo, để đình không trong tình trạng nơm nớp lo bị biến thành đền, cần có các chương trình hoạt động cộng đồng tại đình làng. “Nếu người ta không có ý muốn đến với đình thì tu bổ ở đâu cũng thế. Nên phải có kế hoạch để bảo tồn văn hóa đình làng”, ông Lê Thành Vinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.