Định hình kỹ thuật bảo tồn di tích Mỹ Sơn

Hữu Trà
Hữu Trà
08/12/2018 07:01 GMT+7

Ngày 7.12, tại khu di tích Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên), Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) phối hợp với Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức hội thảo 'Quy trình kỹ thuật trùng tu phế tích đền tháp Mỹ Sơn, qua trường hợp tu bổ, bảo tồn phế tích tháp E7 và nhóm G'.

Theo TS-KTS Hoàng Đạo Cương, Phó viện trưởng phụ trách Viện Bảo tồn di tích, khu di tích Mỹ Sơn là nơi ghi nhận rõ rệt nhất các dấu ấn kỹ thuật của quá trình phát triển và xác định phương pháp trùng tu kiến trúc đền tháp Chăm qua các giai đoạn khác nhau. Trong đó, từ năm 2011 - 2015, Viện Bảo tồn di tích, triển khai dự án trùng tu bảo tồn tháp E7, một trong số các kiến trúc Kosagrha có mái cong hình thuyền còn nguyên vẹn nhất về hình dáng kiến trúc. Dự án này là bước thực tiễn hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về vật liệu xây dựng và chất kết dính. Quy trình kỹ thuật, các giải pháp can thiệp đã được thực nghiệm qua thực tế trùng tu, theo phương pháp trùng tu khảo cổ học kết hợp tái định vị, gia cố, được thực hiện bài bản và khoa học đã mang lại hiệu quả cao về bảo tồn.
Về cơ bản, những quan điểm và định hướng bảo tồn, trùng tu các di tích tại Mỹ Sơn được áp dụng từ giai đoạn trước vẫn được thống nhất và tiếp nối. Mặc dù có sự khác biệt trong việc sử dụng vật liệu trùng tu song các giải pháp trùng tu cơ bản áp dụng vẫn là gia cố, tái định vị, bảo quản, tu sửa nhỏ và phục hồi có chừng mực. Tuy nhiên, theo KTS Đặng Khánh Ngọc, Phòng Nghiên cứu bảo tồn di tích (Viện Bảo tồn di tích), thì: “Cần phải tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hơn nữa về cơ sở phương pháp luận và các giải pháp thực hành”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.