Điện ảnh Việt cầu cứu Thủ tướng vì lo thị trường chỉ còn doanh nghiệp ngoại

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/04/2020 14:28 GMT+7

Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam vừa gửi văn bản kêu cứu tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó đề nghị có các biện pháp hỗ trợ điện ảnh Việt do ảnh hưởng của dịch Covid.

Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam vừa có văn bản kêu cứu Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, Hiệp hội đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, phát hành và chiếu phim chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Văn bản do bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội, ký.
Theo nội dung văn bản này, trong thời gian qua, hoạt động chiếu phim thực sự đã bị ảnh hưởng rất mạnh và phải đóng cửa sớm hơn các loại hình kinh doanh dịch vụ khác như vận tải, du lịch, lữ hành, quán ăn hay nhà hàng.
Theo Hiệp hội này, việc đóng cửa không chỉ khiến rạp chiếu phim không có bất kỳ nguồn doanh thu nào trong khi vẫn phải trả các chi phí cố định nặng nề hàng tháng, mà còn dẫn đến việc hoãn phát hành nhiều phim đã đầu tư và có kế hoạch ra rạp. Việc đọng vốn không thể phát hành phim dẫn tới không có doanh thu trong thời gian dịch bệnh. Hơn nữa, rạp cũng khó mở cửa sớm do phòng dịch diễn biến phức tạp và tâm lý e ngại của khán giả.
Văn bản kêu cứu Thủ tướng cũng nhắc tới việc doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu tại Việt Nam (BHD Star, Galaxy, Trung tâm chiếu phim quốc gia...) chỉ chiếm 30% thị phần chiếu phim, và hầu hết là công ty của những người làm điện ảnh, nên không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để đương đầu với khủng hoảng mạnh như dịch Covid-19. Trong khi 70% doanh nghiệp còn lại có tiềm lực tài chính mạnh, có hỗ trợ lớn do là công ty con của các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, như CGV là của CJ và Samsung; Lotte Cinema của Lotte (đều là tập đoàn mạnh của Hàn Quốc).
Văn bản cũng nói rõ việc sản xuất các phim khác hiện cũng bị lùi hoặc hoãn vô thời hạn vì mỗi đoàn phim có biên chế hàng trăm người di chuyển qua nhiều địa điểm, nên không thể hoạt động trong thời gian dịch bệnh. Không thể sản xuất phim, song các doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí cố định hàng tháng.
“Bởi vậy, nếu không có hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng tư nhân sẽ phá sản và đóng cửa hàng loạt, dẫn dến vấn đề nghiêm trọng sau dịch là thị trường chiếu phim, phát hành phim sẽ chỉ có doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến ổn định văn hóa - xã hội và chiến lược của đất nước về bảo vệ văn hóa dân tộc”, văn bản nêu.
Từ các nhận định trên, Hiệp hội kiến nghị miễn thuế VAT năm 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn thu bù lại những tổn thất và chi phí cố định vẫn phải gánh mà không có doanh thu trong thời kỳ dịch bệnh.
Đồng thời, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân 2020 với doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn chi trả các chi phí cố định trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh do dịch bệnh.
Cuối cùng, Hiệp hội này kiến nghị hoãn nộp bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam hoặc có chính sách cụ thể để hỗ trợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.