Điện ảnh Trung Quốc muốn 'thôn tính' Hollywood

12/02/2017 19:00 GMT+7

Trung Quốc đang trỗi dậy và ngành giải trí nước này không nằm ngoài xu hướng đó. Cùng với sự hợp sức của các công ty, chính sách của chính phủ, nỗ lực của diễn viên, họ đang dần tái thiết nền điện ảnh thế giới.

Trung Quốc ngày càng lấn sâu, rồi thay đổi điện ảnh Hollywood và thế giới Ảnh: Reuters
Phạm Băng Băng vừa được chọn làm gương mặt ảnh bìa tạp chí Time châu Á tháng 2, trở thành ngôi sao giải trí Trung Quốc đầu tiên xuất hiện trên Time trong 9 năm qua. Dịp này, Time có bài viết về Phạm Băng Băng và phân tích về bức tranh toàn cảnh cho thấy những bước đi căn cơ của Trung Quốc trong việc lấn sâu, rồi thay đổi điện ảnh Hollywood và thế giới. 
Phạm Băng Băng (35 tuổi) là ngôi sao giải trí Trung Quốc bắt đầu có tiếng trên màn ảnh từ thời thiếu niên. Hè năm ngoái, Phạm Băng Băng tham gia hai ''bom tấn'' trong nước, một là Skiptrace có sự góp mặt của Thành Long và đạo diễn Hollywood Renny Harlin, và L.O.R.D.: Legend of Ravaging Dynasties.
Thực tế, với Hollywood, Phạm Băng Băng chỉ có vài vai không ấn tượng như trong X-Men: Days of Future PastIron Man 3. Phạm Băng Băng được xếp vào Top 5 nữ diễn viên có thù lao cao nhất thế giới, theo Forbes. Vài nét sơ qua đủ thấy mỹ nhân họ Phạm đã chứng minh rằng thành công địa hạt phim nhựa không còn phụ thuộc vào việc ầm ĩ tại Hollywood nữa.
Phạm Băng Băng vẫn nuôi tham vọng tiến xa hơn ở Hollywood: “Trong thời gian 10 năm, tôi chắc chắn sẽ là nữ anh hùng của X-Men” Ảnh: Reuters
Trung Quốc xây “đế chế” riêng, Hollywood không còn “độc tôn”
Khi Trung Quốc không phải thị trường, các anh chỉ theo cung cách Mỹ. Nhưng ngày nay, họ lại hỏi tôi: “Bạn có nghĩ khán giả Trung Quốc thích kiểu này không?”. Tất cả các biên kịch, nhà sản xuất đều nghĩ đến Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc là trung tâm của mọi thứ rồi
Thành Long
Năm 2015, trung bình mỗi ngày có 22 phòng chiếu phim mới ở Trung Quốc, doanh thu bán vé tăng gần 50% so với năm 2014. Trong vài năm tới, phòng vé nước này có thể vượt qua Bắc Mỹ, trở thành thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới.
Công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đang mở rộng, thị phần Hollywood tại các rạp Trung Quốc giảm từ 49% năm 2012 xuống còn 32% như hiện tại. Đó là điều tự nhiên khi quốc gia đông dân nhất thế giới phát triển ngành công nghiệp phim để phản ánh truyền thống, các huyền thoại và giá trị của mình. Ấn Độ có Bollywood, thì lẽ nào Trung Quốc không nên có Chollywood sao?
Hai bộ phim doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc The Mermaid 2016 (554 triệu USD) và Monster Hunt 2015 (385 triệu USD) đều là phim nội địa. Có nghĩa là không cần đến Hollywood, Trung Quốc vẫn ăn nên làm ra với phim của mình. Cũng như công nghệ, không Google, Facebook, Twitter và Instagram, các công ty ''cây nhà lá vườn'' xứ này như Alibaba hay Tencent đã phát triển thịnh vượng chẳng kém ai. Giống như Phạm Băng Băng, chẳng cần “đánh bắt xa bờ” mới được biết đến tên tuổi, chỉ cần “ngon lành” ở thị trường Trung Quốc là đủ.
Không phải tác phẩm Hollywood, những phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc là đều là phim 100% Trung Quốc Ảnh: Poster phim The Mermaid
Nhưng Trung Quốc muốn nhiều hơn thế, như Phạm Băng Băng cũng không dừng lại ở thành công trong nước. Mỹ nhân Hoa ngữ quyết tâm: “Trong thời gian 10 năm, tôi chắc chắn sẽ là nữ anh hùng của X-Men… Đối với tôi, không gì là không thể”. Phạm Băng Băng đã cười khi phát ngôn, nhưng cô không nói đùa vì khả năng hiện thực hóa điều ấy rất cao bởi có một thực tế rằng Trung Quốc đang trỗi dậy và ngành công nghiệp giải trí nước này không nằm ngoài xu hướng đó.
Trung Quốc liên tục mua xưởng phim Hollywood
Các công ty Trung Quốc liên tục thúc đẩy thu mua xưởng phim, rạp chiếu và công ty sản xuất phim Hollywood. Năm ngoái, tập đoàn bất động sản và giải trí Dalian Wanda Group, sở hữu hệ thống rạp phim khổng lồ ở Mỹ AMC Entertainment và Odeon & UCI lớn nhất ở châu Âu, tuyên bố mua thêm Legendary Entertainment với giá 3,5 tỉ USD. Wang Jianlin, người sáng lập Wanda, còn ký hợp đồng với Sony Pictures để tài trợ sản xuất và cũng đồng ý mua lại Dick Clark Productions - sản xuất giải Quả cầu vàng và Giải thưởng âm nhạc Mỹ - với giá 1 tỉ USD.
Năm 2016, người giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin, ông chủ Dalian Wanda đã mua lại Legendary Entertainment Ảnh: AFP/Getty Images
''Ông vua thương mại điện tử'' Alibaba cùng ''gã khổng lồ'' game online Tencent thì đầu tư vào các xưởng phim nhỏ và rót tiền cho dự án Mission: Impossible, Star Trek Beyond, Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows. Đến tháng 10.2016, Alibaba tuyên bố hợp tác với Steven Spielberg sản xuất, phân phối phim toàn cầu. Ngay cả các đài truyền hình nhà nước như tỉnh Hồ Nam cũng đổ tiền vào Lionsgate - hãng làm loạt phim Hunger Games.
Việc đầu tư tiền vào Hollywood không hiếm. Nhật Bản, Trung Đông và các công ty châu Âu từ lâu đã thực hiện nhưng Trung Quốc là trường hợp khác. Li Ruigang, người đứng đầu China Media Capital (CMC), công ty tư nhân từng hợp tác với Warner Bros., DreamWorks và Imax, thẳng thắn: “Chúng tôi có cả túi lớn và bụng lớn. Trung Quốc có tiền để đổ vào Hollywood. Mối liên kết Trung Quốc - Hollywood sẽ duy trì trong một thời gian rất dài nữa”.
Trung Quốc thay đổi cách làm phim của Hollywood
Và sự thật là phòng vé thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng đến cách Hollywood làm phim, đưa Trung Quốc trở thành một phần trong công thức sáng tạo điện ảnh Hollywood.
Thành Long, diễn viên nhận giải Oscar danh dự và xếp thứ 2 trong danh sách nam diễn viên có thù lao cao nhất thế giới phát biểu: “Khi Trung Quốc không phải thị trường, các anh chỉ theo cung cách Mỹ. Nhưng ngày nay, họ lại hỏi tôi: “Bạn có nghĩ khán giả Trung Quốc thích kiểu này không?”. Tất cả các biên kịch, nhà sản xuất đều nghĩ đến Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc là trung tâm của mọi thứ rồi”.
Quốc hội Mỹ lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Hollywood, kêu gọi xem xét kỹ lưỡng hơn về các khoản đầu tư nhất định của Trung Quốc tại Mỹ. Trong ảnh, John Travolta và fan Trung Quốc tại một sự kiện của Wanda Group Ảnh: Reuters
Các yếu tố về Trung Quốc trong phim ngày càng nhiều. Các fan hẳn còn nhớ trong The Martian (2015), cơ quan không gian Trung Quốc trở thành chốn trú ẩn cứu phi hành gia thoát chết. Hay Transformers 4 (2014) phá kỷ lục phòng vé Trung Quốc với 320 triệu USD có một phần quay tại Hồng Kông và trang trí nhiều vật phẩm Trung Quốc. Hoặc Rogue One: A Star Wars Story có hai nhân vật Trung Quốc do Khương Văn và Chân Tử Đan vào vai...
Time nhận định tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc khiến cho các vấn đề chính trị: cách hành xử của Bắc Kinh tại biển Đông, tin tặc tấn công các chính phủ nước ngoài hay sự độc lập của Tây Tạng, sẽ không nhận được ủng hộ của các xưởng phim Mỹ trong tương lai gần. Nó cũng được cho là nguyên nhân tạo ra thay đổi về nhân vật cho “đẹp lòng” Trung Quốc như trong Doctor Strange (2016), nhân vật The Ancient One truyện tranh bản gốc là nam giới người Tây Tạng đã được thay đổi thành một người phụ nữ người Celt do Tilda Swinton vào vai.
Còn nhớ hè 2006, Cục Điện ảnh Trung Quốc đã yêu cầu nhà phân phối Nhiệm vụ bất khả thi 3 lược bỏ một số chi tiết và hình ảnh liên quan tới thành phố Thượng Hải trước khi khởi chiếu ở nước này. Giải thích về quyết định trên đại diện Cục Điện ảnh Trung Quốc cho biết hình ảnh thành phố Thượng Hải trong phim không được đẹp mắt với những ngôi nhà xập xệ, chẳng khác gì một khu ổ chuột.
Hollywood thỏa mãn khán giả và chính quyền Trung Quốc dù cho có phải thay đổi nhân vật gốc như The Ancient One trong phim Doctor Strange Ảnh: Chụp màn hình phim
Trước tình hình này, quốc hội Mỹ lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Hollywood. Mùa thu năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ đã kêu gọi xem xét kỹ lưỡng hơn về các khoản đầu tư nhất định của Trung Quốc tại Mỹ, như trường hợp Wanda và Legendary.
Trung Quốc đưa ra nhiều quy định khắt khe
Chưa hết, ngành điện ảnh Mỹ đang đổ xô về phía Trung Quốc bất chấp nước này đã ra một số quy định khắt khe về phim ảnh nói riêng và giải trí nói chung. Tháng 8.2016, chính quyền Trung Quốc cảnh báo các chương trình tin tức địa phương không được “thể hiện sự ngưỡng mộ lối sống phương Tây” hay "phong cách sống xa hoa của Hollywood".
Mặt khác, Trung Quốc muốn bảo vệ sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh trong nước nên đưa ra hạn ngạch nhằm giới hạn số lượng phim nhập khẩu. Hồi tháng 12, Thượng nghị sĩ Charles Schumer đã gửi một lá thư bày tỏ quan ngại khi "các công ty Mỹ tiếp tục phải đối mặt với rào cản để tiếp cận thị trường ở Trung Quốc”. Cái khó ló cái khôn, Hollywood quay sang hợp tác sản xuất - thực hiện dự án cùng với một đối tác Trung Quốc - để không phải chịu hạn ngạch.
Các yếu tố Trung Quốc trong phim Hollywood ngày càng nhiều, từ nhân vật, diễn viên, quang cảnh, các chi tiết đề cập… Trong ảnh, Khương Văn và Chân Tử Đan trong Rogue One Ảnh: Chụp màn hình phim
Nhưng hợp tác sản xuất này vẫn phải tuân thủ luật chơi của Trung Quốc: đòi hỏi đảm bảo tài chính nhất định, quy định về cảnh quay tại Trung Quốc và diễn viên Trung Quốc, cấm các công ty điện ảnh trong nước hợp tác với các nhà làm phim nước ngoài có ý định "xúc phạm nhân phẩm quốc gia của Trung Quốc, danh dự và lợi ích, hoặc làm tổn hại đến sự ổn định xã hội hoặc làm tổn thương cảm xúc của quốc gia". Điều này nảy sinh thực tế Hollywood phải dùng chiêu chiều lòng lấy lệ đối phó lại Trung Quốc khiến khán giả và phía Trung Quốc chỉ trích.
Zhang Zhao người đứng đầu Le Vision nói: “Tôi đã đến Mỹ cách đây 20 năm và làm nhân viên giao hàng, học tiếng Anh, làm việc chăm chỉ để đến được nơi tôi đang đứng. Người Hollywood đến đây, họ có thể nói tiếng Hoa bao nhiêu? Họ đã thay đổi suy nghĩ bao nhiêu? Hollywood cần phải đối xử với chúng tôi như một đối tác công bằng chứ không phải chỉ là một thị trường”.
Hengdian Group đang điều hành và tiếp tục xây dựng phim trường ngoài trời lớn nhất thế giới tại tỉnh Chiết Giang, có thể khiến Paramount và Universal phải ganh tị. Những mô hình hoành tráng mang đậm dấu ấn Trung Quốc tại đây được cho là sẽ chắp cánh ước mơ điện ảnh của nước này bay xa hơn.
Như vậy, bằng các hoạt động thu mua xưởng phim, đầu tư tài chính vào việc làm phim của Hollywood, đưa ra nhiều quy định để bảo hộ, giúp điện ảnh nước nhà phát triển, Trung Quốc đã khiến Hollywood phải thay đổi cách làm phim theo hướng có lợi cho mình về chính trị, văn hóa… Và hàng loạt các yếu tố Trung Quốc diễn đạt theo ý muốn của họ xuất hiện ngày càng nhiều trong các tác phẩm "bom tấn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.