Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 7: Đạo diễn đào hoa

31/07/2012 03:40 GMT+7

Lòng đam mê nghệ thuật thứ bảy và tình yêu phái đẹp của Lê Hoàng Hoa đã quyện vào nhau thành chân dung của một đạo diễn đào hoa.

Eugénine Mộng Hảo với “người tình”

Chính ông cũng nhắc khá nhiều tên người đẹp với các câu chuyện lãng mạn qua bút ký Những tháng ngày làm phim. Hãy điểm lại, bắt đầu bấm máy Chân trời tím có Diệu Linh đến. Ký hợp đồng Vết thù trên lưng ngựa hoang chưa ráo mực đã gặp ca sĩ Phương Hồng Loan (sau này là vợ ông).

 
Đám cưới Lê Hoàng Hoa và Phương Hồng Loan
- Ảnh tư liệu của Tạp chí Kịch Ảnh xuất bản tại Mỹ 2002

Khoảng giữa của hai phim đó là Gác chuông nhà thờ có Eugénine Mộng Hảo đột ngột xuất hiện tại nhà hàng Caravelle trong buổi tiếp tân của hãng Sống Film, có mặt đầy đủ các diễn viên nổi danh như Năm Châu, Kiều Hạnh, Túy Hồng, Văn Dzai, Đoàn Châu Mậu, Huy Cường, La Thoại Tân, Bảo n, Tường Vi, Mai Lệ Huyền, Thanh Mai, với nhiều khách mời trang trọng như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kim Vui, Ánh Nga, các ca sĩ Thanh Thúy và Lệ Thu, nghệ sĩ Thanh Hoài, cùng đông đảo quan chức ngành thông tin và báo giới đương thời.

Mọi người vừa vào tiệc, “Eugénine Mộng Hảo đã mặc áo đầm dạ hội bằng nhung màu đen viền kim tuyến vàng nổi bật dưới ánh thủy tinh của những chùm đèn Swarowski treo trên trần” từ ngoài bước vào và đi nhanh về phía ông, nắm lấy tay ông xin lỗi đã đến trễ. Tất cả quay nhìn về phía ông, “thật ra là mọi cặp mắt đó đang nhìn cô gái đứng bên cạnh tôi thì đúng hơn” (Bút ký). Nhà báo Huy Vân cười hỏi: “Diễn viên mới của phim Gác chuông nhà thờ phải không? Toa cho anh em biết đi chứ, hay cũng muốn giữ bí mật như chuyện phim?”. Ông giới thiệu: “Đây là Eugénine Mộng Hảo, em gái tôi”. Huy Vân hỏi: “Toa có em gái từ hồi nào vậy?” - cả phòng tiệc cười ồ lên. Rồi cánh phóng viên đưa máy ảnh vây đến, ông phải năn nỉ hết lời họ mới tha không chụp cảnh ông và Eugénine đứng cạnh nhau.

Thật ra ông quen hai anh em Eugénine hồi ở Mỹ mới về, lúc Eugénine mới 5 tuổi, nay cô đã 18 tuổi rồi. Anh của Eugénine là Nhiên vẫn thường đi chơi với ông luôn. Trước đó khoảng nửa tháng, ông đã nhờ Nhiên cho phép Eugénine đóng vai “người yêu” của mình trước mặt Colette Ái Trinh, dì của Linh, để Colette thấy mà “tránh xa” ông. Nhiên đồng ý và họ cùng đến vũ trường Tour d’Ivoir theo lời hẹn của Colette. Tới đó, Nhiên đón Colette vào trước. Ông và Eugénine vào sau, dìu nhau lên sàn nhảy “tôi ôm Eugénine thật chặt, má tôi và má Eugénine sát vào nhau” trong điệu slow, tiếp đó là rumba. Colette đứng dậy đi nhanh ra cửa, không nói một tiếng nào. Sau “màn kịch” đó, Eugénine đòi ông chở đến vũ trường Moulin Rouge. Một bữa khác lại đòi chở về nhà ông “căn phòng của tôi không lạ gì đối với Eugénine vì đã bao năm nay nàng vẫn đến phòng tôi chơi nghe nhạc như Nhiên anh của nàng nhưng lần này... có một cái gì đó làm tôi không yên tâm cho lắm”. Ông lấy cuốn băng ShotGun của Ngọc Chánh vừa gửi tặng bỏ vào dàn Akai M7, rồi bật máy nghe tiếng hát Phương Dung qua bản Sắc hoa màu nhớ: “Hoa phượng rơi đón mùa thu tới - Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi - Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi - Xác tươi màu pháo vui, tiễn em chiều năm ấy...”. Lúc ông vào trong pha hai ly coca, Eugénine ở ngoài phòng lấy bộ pyjama của ông mặc vào trông “vừa buồn cười vừa thật dễ thương - Eugénine đỡ lấy hai ly coca tôi đang cầm để xuống chiếc bàn vuông nhỏ cạnh ghế sofa, rồi vòng hai tay lên cổ tôi, nói: Nhảy với em đi”. Đột nhiên có tiếng cửa mở, ông và Eugénine nhìn ra. “Đứng ở cửa là Diệu Linh!”. Diệu Linh đột ngột từ Đà Lạt xuống lúc nào không báo trước, trong cảnh đó ông không thể thanh minh được, Linh khóc rồi “ra đi - cũng như Eugénine - không một lời từ biệt”. Sau này, Eugénine qua Pháp du học, còn “Diệu Linh của thành phố đầy sương mù thì hoàn toàn biệt tăm không có tin tức gì...”.

Phương Hồng Loan với “vết thù...”

Liên Ảnh Công ty mời ông thực hiện phim Vết thù trên lưng ngựa hoang và đồng ý để ông làm việc theo ê kíp của ông gồm: “giám đốc hình ảnh (director of photoragraphy) Nguyễn Văn Để, phụ tá đạo diễn (assistant director) Bùi Nhật Quang - vì tôi quan niệm làm phim phải là travail d’équipe (team work) mới được”. Ông đến Đài THVN tìm cameraman Nguyễn Văn Để báo tin đã ký hợp đồng phim ấy, bất ngờ gặp “một cô ca sĩ còn trẻ, rất trẻ, rất đẹp với đôi mắt thật to, suối tóc dài buông xõa qua bờ vai trong chiếc áo dài raclan hở cổ màu hoa cà đang hát trước chiếc camera to cồng kềnh mà cameraman Lê Thiện Minh đang dolly in chầm chậm...”. Ông bần thần bởi giọng ca ngọt ngào nhắc nhớ Đà Lạt với Linh: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi - nghe hơi gió len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi...” và bởi vẻ đẹp thùy mị ngây thơ của cô bé. Hỏi ra biết ca sĩ trẻ ấy là Phương Hồng Loan 17 tuổi - mà trước đó 4 năm là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã được đưa đến gặp ông để đóng vai khán thính giả trong cảnh phòng trà ca nhạc của phim 11 giờ 30 do ông đạo diễn. Đợi Loan từ phòng thu hình bước ra, ông chở Loan về nhà cô ở đường Cao Thắng, xin phép mẹ Loan đưa cô đi ăn trưa ở tiệm Ngân Đình ngoài bờ sông Sài Gòn. Ngồi một lúc, Loan nhắc lại hôm mình đóng vai khán thính giả 13 tuổi trong phim 11 giờ 30 rằng: “Trước lúc quay, Jo Marcel hát bản Mộng dưới hoa, anh đã bế Loan lên, đặt ngồi trên cây đàn piano rồi xoa đầu Loan nói: Cháu xinh quá, lớn lên chú sẽ cưới cháu làm vợ”. Chẳng ngờ câu nói ấy thành sự thật, vì không lâu sau Lê Hoàng Hoa làm lễ cưới ca sĩ Phương Hồng Loan tại khách sạn Caravelle, vào đêm 10.11.1970. “Không khí của đêm đó thật là vui nhộn và thân mật. Một ca sĩ đã lên micro hát bản Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời của nhạc sĩ Y Vân để tặng cô dâu và chú rể, mà đúng như vậy, Phương Hồng Loan thua tôi đến hai mươi tuổi”... (Còn tiếp)

ĐẠO DIỄN LÊ HOÀNG HOA TỪ TRẦN

Vào 0 giờ 40 phút sáng nay (31.7), khi số báo này chuẩn bị chuyển đi in, chúng tôi nhận được tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cho biết đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã từ trần, thọ 80 tuổi. Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết bệnh viện đã tạo điều kiện điều trị tốt nhất cho đạo diễn, kể cả xem xét hỗ trợ chi phí điều trị. Tuy nhiên, do bệnh nặng nên ông đã không qua khỏi. Theo các bác sĩ, đạo diễn đã trải qua tình trạng hôn mê sâu, phải thở bằng máy một thời gian, trên nền tiền sử nhiều bệnh như nhồi máu cơ tim, đái tháo đường thể 2, tăng huyết áp. Trước đó, do bị tai nạn, đạo diễn được đưa vào một bệnh viện tư để phẫu thuật, nhưng rồi tình trạng bệnh diễn tiến nặng nên ông được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115.

Thanh Tùng

Giao Hưởng

>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 6: Những pha “đứng tim” trên gác chuông nhà thờ
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 5: Hòa âm
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 3: Yêu những mái tóc thề
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Kỳ 2: Đạo diễn ở phim trường và trên... mây xanh
>> Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Chân trời tím và cuộc tình bất ngờ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.