Điện ảnh Sài Gòn một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay

28/07/2012 03:07 GMT+7

Biết phim Điệu ru nước mắt sắp bấm máy, đàn em của Đại ca Thay (Đại Cathay) - nhân vật cốt tủy trong tiểu thuyết cùng tên của Duyên Anh cũng là tay anh chị có thật trong giới giang hồ Sài Gòn - đã tìm đến gặp đạo diễn Lê Hoàng Hoa.

 Điện ảnh Sài Gòn  một thuở - Đàn em Đại Cathay bám trường quay
Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (thứ 2 từ trái qua) và nhạc sĩ Phạm Duy
(đeo kính) trên trường quay  Ảnh: Tư liệu

Lúc đó, ông đang trải qua những ngày không vui vì Diệu Linh bị gia đình buộc phải rời Sài Gòn về ở luôn trên Đà Lạt, “hơn một tháng đã trôi qua trong yên lặng hoàn toàn, không một tin tức gì về Linh dù là rất nhỏ... tôi tự nhủ hãy quên đi”. Để quên “giấc mơ hoa” ấy, ông dồn tâm sức viết bản phân cảnh kỹ thuật phim Điệu ru nước mắt và định quay cảnh đầu tiên vào sáng hôm sau, thì buổi trưa hôm đó một thanh niên khoảng 27 - 28 tuổi không hẹn bước vào, tự giới thiệu: “Em là Hùng đầu bò!”. 

Bất ngờ trước giờ bấm máy

Nghe xưng danh, ông không ngạc nhiên lắm vì đã thuộc làu những cái tên như Đại ca Thay, Hùng đầu bò, Bốn lơ xe, Năm Hòa Hưng, Bốn bù loong, chỉ băn khoăn không hiểu Hùng đầu bò đến gặp có việc gì, thì anh ta đã nói ra: “Tụi em muốn mời anh đi ăn cơm để cho anh biết một vài điều về “đại ca” (Đại Cathay) để anh làm phim cho đúng”. Dứt lời, Hùng nhìn ra cửa và lập tức từ bên ngoài ập vào “sáu tên mặt mày dữ tợn dàn hàng ngang sau lưng gã”. Ông nghĩ thầm “chết rồi, chắc là băng du đãng muốn kiếm chuyện gì đây”. Cô thư ký của ông mặt tái xanh định điện thoại kêu cảnh sát, nhưng ông ngăn lại, bình tĩnh bảo Hùng là mình phải đi họp ở hãng phim gấp bây giờ.

“Tụi em sẽ đi theo anh, khi nào anh họp xong mình đi ăn” - Hùng đầu bò nói như vậy, rồi lên chiếc mô tô cùng 6 đàn em (chở nhau trên 3 chiếc Vespa) bám theo Lê Hoàng Hoa đến Liên Ảnh Công ty ở đường Ngô Thời Nhiệm. Ông vào bàn việc với ông Mỹ Vân xong, quay ra lấy xe chạy thẳng đến nhà hàng Thanh Thế. Vừa ngồi xuống đã thấy Hùng đầu bò tiến thẳng đến chỗ ông, sáu tay du đãng đàn em ngồi ở một góc khác. Hùng cho biết gia đình mình sinh sống ở Đà Nẵng, cha làm nha sĩ, mẹ dược sĩ, nhưng Hùng chán đời bỏ đi bụi, một lần bị cảnh sát bắt đánh gãy hai răng cửa Hùng để vậy luôn làm kỷ niệm, không muốn trồng răng giả vào. Suốt bữa ăn, Hùng kể về Trần Đại (tức Đại ca Thay) với “những chi tiết mà trong tiểu thuyết của Duyên Anh không có”... 

Giải cứu đạo diễn

Sáng hôm sau, Lê Hoàng Hoa đến Liên Ảnh Công ty thấy các ê kíp quay phim, ánh sáng, hóa trang cùng các diễn viên Trần Quang, Hùng Cường, Thiên Trang, Tâm Phan, Cẩm Hồng, Ngọc Phu, Trần Hoàng Ngữ, Minh Long và cố vấn võ thuật là võ sư Quỳnh Kỳ đã có mặt. Ông Mỹ Vân đứng khấn vái trước cái bàn tròn có đặt sẵn “con heo quay và đủ các thứ đồ ăn bánh trái”, đốt 3 cây hương bảo: “Đạo diễn cúng đi, anh em cúng hết rồi”. Ông nhìn qua bên kia đường Ngô Thời Nhiệm, thấy Hùng với đám đàn em ngồi ở quán cà phê đối diện nhìn sang. Đoàn phim đến địa điểm chọn sẵn ở một rừng sồi trên xa lộ Biên Hòa để quay cảnh thanh toán nhau giữa Đại ca Thay và Bốn lơ xe vốn là “trận then chốt của Điệu ru nước mắt, phải cắt plan thật nhiều và phải dùng kỹ xảo khi thu hình”. Đóng hai vai đó là Hùng Cường và Ngọc Phu đã “quần nhau” theo những thế võ được Quỳnh Kỳ chỉ dẫn tỉ mỉ giúp ông “ghi nhớ trong đầu những đoạn cần phải lấy cận ảnh (CU: close up)”. Trong đám đông dân chúng kéo lại xem, ông thấy Hùng đầu bò với đàn em cũng có mặt ngay từ lúc “ê kíp ánh sáng của Trương Sĩ Liên vừa đặt các tấm phản quang (reflector) lên chân và ê kíp quay phim của Châu Tùng ráp các đường ray thành vòng cung theo ý đồ đạo diễn”...

Khi đạo diễn phải đợi !

1. Đợi chờ là việc rất thường xảy ra với các đoàn làm phim, đợi mưa, đợi nắng, đợi mây mù, đợi chiều tà, đợi mặt trời mọc, đợi hiệu quả đặc biệt (special effect), đợi diễn viên, đợi đủ thứ trên đời...

2. Đợi phương tiện: Tôi đi thẳng vào phòng làm việc của ông Mỹ Vân và ông cho tôi xem một ống kính Scope Zoom 180 mới toanh còn trong bao giấy dầu. Tôi vui không thể tưởng được vì suốt cả thời gian 46 ngày quay phim Chân trời tím chúng tôi chỉ có một ống kính Ultrascope 50 dùng cho tất cả các cảnh. Ông Mỹ Vân đã qua Hồng Kông mua ống kính này và tôi là người đầu tiên sử dụng nó cho phim Điệu ru nước mắt.

3. Đợi người yêu: Không chịu nổi sự cô đơn đợi chờ, tôi mượn Paulette cái cassette nhỏ. Không biết bao nhiêu cuộn cassette, không biết bao nhiêu bản nhạc đã đi qua trong cái không gian tĩnh mịch cô đơn đó. Tôi lịm người trên chiếc ghế dựa cho đến khi có tiếng gõ nhẹ bên ngoài. Linh đã đến...

Lê Hoàng Hoa

Cứ thế Hùng đi theo đoàn phim mãi, hết nơi này đến nơi khác, nhưng bao giờ cũng giữ một khoảng cách, không lộ liễu. Một hôm, đoàn phim ăn trưa ở quán Con Nai Vàng, Thủ Đức, nửa bữa một người đàn ông lạ mặt bỗng cầm ly bia 33 bước đến trước mặt Trần Quang và Hùng Cường mời, cả hai anh vui vẻ uống cạn. Người ấy lại tiến về phía Lê Hoàng Hoa mời trăm phần trăm, ông nói thật là mình không biết uống bia rượu, song gã kia vẫn lớn tiếng: “Không biết cũng phải uống”. Cả đoàn ái ngại im lặng, chợt một thanh niên lực lưỡng ở đâu bước tới với bộ dạng dữ tợn “kẹp cổ và bẻ quặt cánh tay đang cầm ly bia của gã kia ra đằng sau” rồi hét vào tai gã: “Ông đạo diễn nói không uống là không uống. Có biết tiếng Việt không?”, gã lắp bắp: “Dạ biết, dạ biết”. “Còn một lần hỗn láo với ông đạo diễn là tao cắt tai mày đó” và một cái đạp khiến gã chúi nhũi, chạy khỏi quán. Ông biết đàn em Hùng đầu bò đã ra tay nhưng Hùng vẫn ngồi yên như không can dự gì. Sau việc ấy, ông tự nhủ “nổi tiếng không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc và vui vẻ... mà thường đi đôi với ganh tỵ, còn sự ái mộ của quần chúng có lúc mang lại vui sướng nhưng cũng lắm lúc đem đến phiền muộn mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được”... (Còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.