Điện ảnh Hollywood 10 năm nhìn lại từ góc độ doanh thu

12/01/2017 09:00 GMT+7

Trong vòng 10 năm qua, số lượng vé bán ra ngày càng sụt giảm nhưng doanh thu tại các rạp ở Mỹ vẫn tăng đáng kể.

Theo các thống kê chi tiết trên The-numbers, hoạt động kinh doanh phòng vé đi từ con số hơn 1,4 tỉ vé trong năm 2006 để rồi tuột dốc dần xuống còn hơn 1,3 tỉ vé trong năm 2016. Trong vòng 10 năm qua, số lượng vé bán ra giảm đi trong khi doanh thu tại các rạp trên thị trường Mỹ vẫn tăng mạnh đáng kể, từ 9,1 tỉ USD năm 2006 lên 11,2 tỉ USD năm 2016. Lý giải cho điều này chính là giá vé tăng đến 30% trong 10 năm qua, trung bình từ 6,5 USD/vé lên 8,4 USD/vé như hiện nay.
Lượng người mua vé giảm đi nhưng không nói được điều gì về sức hút kém của nghệ thuật thứ bảy. Theo Variety, lượng tải lậu đã gây “thất thoát” nặng nề doanh thu hằng năm, khi mà phim vừa ra rạp đã có bản lậu trên các trang web khác nhau. Đơn cử như Deadpool, phim đứng thứ 6 trong top những phim có doanh thu nội địa (tại Mỹ) năm 2016 với tổng cộng 363,1 triệu USD ở Mỹ và 783 triệu USD toàn cầu chính là phim bị tải lậu nhiều nhất năm qua. Ông Koleman S. Strumpf, một nhà kinh tế học người Mỹ, chia sẻ trên Wall Street Journal rằng các bản lậu trái phép gây ảnh hưởng đến doanh thu phòng chiếu với trung bình 3% tổng doanh thu các bộ phim. 
Deadpool là bộ phim được tải lậu nhiều nhất năm 2016, đây là thống kê mà các nhà sản xuất hẳn không mong muốn chút nào Ảnh: Poster phim
Mặc dù vậy, các nhà làm phim thì vẫn đầu tư hết mình trong việc sáng tạo, một mặt nhằm cống hiến về nghệ thuật, chăm chút cho đứa con tinh thần, mặt khác là nuôi sống bản thân. Nếu nói về doanh thu thuộc hàng top của các phim qua từng năm sẽ thấy rằng số tiền thu vào vẫn chưa nói lên hết được chất lượng của bộ phim và cả gu thay đổi xoành xoạch của người xem.
Những phim có doanh thu cao nhất trong vòng 10 năm qua trải đủ các thể loại như super hero (siêu anh hùng), action (hành động), historical fiction (dã sử), science fiction (khoa học viễn tưởng)… Đó đều là những "bom tấn" với kinh phí đầu tư lớn. Năm 2006, khuynh đảo phòng vé là Pirates of the Caribbean: Dead Man's Chest Fantasy với doanh thu quy đổi ở thời điểm hiện tại là 1,066 tỉ USD. Năm 2007, phần tiếp theo cũng đánh bật các tác phẩm khác, mang về 963 triệu USD cho nhà sản xuất. Năm 2008, ngôi vương thuộc về The Dark Knight với 1,003 tỉ USD, để rồi đột phá trong năm 2009 là Avatar với 2,777 tỉ USD. Phim hoạt hình lên ngôi trong các năm 2010 với Toy Story 3 - 1,067 tỉ USD, năm 2013 với Frozen - 1,276 tỉ USD. Còn lại là khoa học viễn tưởng và siêu anh hùng, với Harry Potter and the Deathly Hallows phần 2 - 1,341 tỉ USD năm 2011, Transformers: Age of Extinction - 1,104 tỉ USD năm 2014, Star Wars: The Force Awakens - 2,068 tỉ USD năm 2015 và Captain America: Civil War - 1,153 tỉ USD trong năm vừa qua.
Bộ phim khoa học viễn tưởng đặc sắc Avatar do James Cameron viết kịch bản và đạo diễn, khi ra rạp năm 2009 đã phá vỡ hàng loạt kỷ lục doanh thu phòng vé suốt thời gian trình chiếu, giữ vững vị thế là bộ phim có doanh thu cao nhất ở cả thị trường nội địa Bắc Mỹ trong 10 năm qua Ảnh: Poster phim

Nếu làm một cuộc “tuần du” qua các thể loại, hãng sản xuất, nguồn phim, kiểu phim… thì sẽ thấy khá rõ xu hướng điện ảnh của nước Mỹ trong vòng 10 năm trở lại đây. Những câu chuyện mang yếu tố fiction (hoang đường, tưởng tượng) lẫn kịch bản mang ít nhiều yếu tố này thu hút số lượng khán giả đến rạp là phần đông.
Cụ thể, ở kiểu phim contemporary fiction (từ chỉ các phim có yếu tố hư cấu, tưởng tượng đương đại) có số lượng phim nhiều nhất là 5.737 phim, tổng doanh thu trong 10 năm này là trên 82 tỉ USD. Bên cạnh đó, những nhà sản xuất khổng lồ của Hollywood như Walt Disney, Warner Bros., Sony Pictures, 20th Century Fox, Universal... cũng đã tạo được chỗ đứng vững chắc cho mình ở kinh đô điện ảnh khi mà tên tuổi luôn trở thành một thương hiệu đáng tin cậy để khán giả mua vé. Dẫn đầu trong các hãng phim này là Walt Disney, tính đến thời điểm hiện tại đã cho ra đời 531 phim với tổng doanh thu mang về trên 30,2 tỉ USD, chiếm 15% thị phần Hollywood. Bám sát nút là Warner Bros. với 29,9 tỉ USD (678 phim) và thứ ba là Sony Pictures với 24,6 tỉ USD (641 tác phẩm điện ảnh).
Dường như nhiều thế hệ khán giả Mỹ vẫn còn “chìm đắm” trong những câu chuyện mà hãng hoạt hình Walt Disney tạo nên, dù với chất liệu gì và đạo diễn bởi ai. Walt Disney thật sự trở thành một tượng đài về số lượng phim ảnh được sản xuất và tiêu thụ Ảnh: Walt Disney
Một điều đáng nói nữa đó là hầu hết các loại phim mà người Mỹ ưa chuộng chiếm nhiều nhất là loại PG-13. Theo Hệ thống phân loại phim của MPAA (Motion Picture Association of America), đây là loại phim mà các bậc cha mẹ đặc biệt chú ý khi cho trẻ em coi vì nhiều cảnh trong phim không thích hợp với trẻ dưới 13 tuổi. Loại phim này có đến 2.735 phim và thu về trên 93 tỉ USD với mức chia sẻ vô cùng rộng rãi là hơn 47%. Tiếp sau đó là loại phim R, giới hạn người xem vì đây là loại phim không dành cho người dưới 16 tuổi…
Nhìn chung, thị trường điện ảnh nước Mỹ 10 năm trở lại đây vô cùng năng động, tiêu thụ một lượng phim ảnh khổng lồ hằng giờ, hằng ngày. Chính sự đòi hỏi ngày càng cao của khán giả đã phần nào đó thôi thúc các nhà làm phim ở Hollywood phải liên tục bơm vốn vào các dự án. Nếu Titanic cách đây 20 năm gây sửng sốt khi chi phí sản xuất lên tới 200 triệu USD thì một bộ phim hoạt hình của Walt Disney là Tangled đã ngốn sơ sơ 260 triệu USD hồi năm 2010.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.