Dịch giả 8x Giáng Hương với ‘Paris 55 ngày cấm túc – nhật ký viết từ tâm dịch’

10/01/2021 09:00 GMT+7

Paris 55 ngày cấm túc - nhật ký viết từ tâm dịch , cuốn sách của dịch giả - Tiến sĩ Văn chương Giáng Hương, hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp khiến độc giả quan tâm, chia sẻ không chỉ vì tính thời sự , chân thực mà còn bởi những dòng văn đầy cảm xúc.

Chọn lối viết nhật ký, qua Paris 55 ngày cấm túc, Giáng Hương đã thể hiện mong muốn không gì khác hơn là ghi lại được từng ngày trong đợt cách ly xã hội 55 ngày bởi Covid-19 tại Paris - kinh đô Ánh sáng của Pháp - đất nước mà ngành du lịch thu hút khách vào bậc nhất thế giới. Có lẽ hình thức nhật ký là cách tốt nhất để có thể lưu lại từng sự kiện mỗi ngày, những diễn tiến mà không ai có thể ngờ trước, và những cảm xúc cũng xoay chuyển từng giờ từng phút theo mỗi sự kiện ấy.
Nhật ký khiến độc giả dõi theo, bởi nó không còn là câu chuyện của riêng một cá nhân con người nữa, mà cá nhân ấy nằm trong số phận chung của cộng đồng, của thế giới này, đặc biệt, nơi đó - một đất nước tiên tiến mà người ta không thể nghĩ rằng đại dịch có thể “chạm” tới vào những năm thuộc ¼ đầu thế kỷ 21 này. Bắt đầu từ Paris, thứ Sáu ngày 13 tháng Ba năm 2020 và kết thúc là Paris, thứ Sáu ngày 8 tháng Năm năm 2020, 55 ngày ấy, theo mục lục của cuốn sách, bạn đọc có lẽ không thể bỏ qua ngày nào, bởi sự hồi hộp, lo lắng, những cung bậc cảm xúc, những tâm trạng mà người bên ngoài dù hình dung thế nào cũng khó có thể thấu hiểu hết được.
Giáng Hương đã ghi lại, kể lại một cách chi tiết, đầy đủ, giúp bạn đọc như cùng cô trải nghiệm tất cả, từ những ngày đầu tiên mà người dân còn hoang mang không chấp nhận “bóng ma” của Covid-19, đêm hôm trước họ còn “đổ ra đường, bắt tay hôn má và ăn chơi nhảy múa như thường”, các công dân “áo vàng” vẫn diễu hành, ngày mùng 8 tháng Ba, cánh nữ quyền vẫn rầm rập tuần hành với kèn trống và biểu ngữ. Phải đợi đến bài phát biểu rất muộn màng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào 8 giờ tối thứ Năm 12.3, người dân nơi này mới gật gù: “Hình như đúng thật là có cái đại dịch gọi là Coronavirus”. Khi Tổng thống tuyên bố chính thức cách ly xã hội, người ta mới hỏi nhau về việc làm thế nào để trông con khi không có trường học… Và Giáng Hương, tác giả cuốn sách, cũng như nhiều người bạn của cô sinh sống và làm việc ở Paris, chính thức “tắt máy tính, khóa cửa phòng và chào tạm biệt các bạn đồng nghiệp. Hẹn tái ngộ các bạn vào một ngày không xác định…”.
Ngoài những diễn tiến về dịch bệnh: Khi mục cáo phó trải dài gấp đôi so với thường lệ trên tờ Le Monde, khi những đồng nghiệp có người thân là y tá, bác sĩ như anh chủ nhiệm chia sẻ những câu chuyện của họ, với con số những người bệnh dần tăng lên xung quanh... bạn đọc cũng dõi theo không khí của Paris với từng ngày nóng lên, như câu chuyện khẩu trang với sự nghi ngờ tác dụng của nó - mà chủ yếu là sự hoang mang trước những tuyên bố vòng vo của chính phủ (Paris, Chủ nhật ngày 22 tháng Ba năm 2020: nhà nước tuyên truyền về việc người dân không nên đeo khẩu trang, nhưng lại khuyên nhường khẩu trang cho nhân viên y tế; tiếp đó là lúc họ thừa nhận khẩu trang đã có tác dụng nhất định khi giúp các nước Đông Nam Á ngăn chặn dịch bệnh…). Và cũng từng ngày, câu chuyện “khoảng cách xã hội” - một chuyện kỳ khôi chưa từng có của nhân loại, nhất là đối với người phương Tây, bắt đầu là hiện thực. Tác giả đã nhắc đến Anne Frank (Nhật ký Anne Frank - cô bé Do Thái giam mình trong căn phòng bí mật trốn sự truy lùng của Phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai) để tự vực dậy tinh thần cho mình trong những ngày cách ly này: “Khi bạn ngẩng lên nhìn bầu trời cao lòng không sợ hãi, khi đó bạn biết rằng tâm hồn bạn vẫn thuần khiết và dù cho mọi ưu phiền, bạn sẽ tìm thấy được hạnh phúc” (Paris, thứ Ba ngày 24 tháng Ba năm 2020).
Tuy nhiên, trong sự cố gắng sắp xếp việc nhà, con cái, “tự giam cầm”, cũng là lúc Giáng Hương thay đổi tư duy của chính mình. Cô tranh thủ thời gian này để “Chiều chuộng thân thể mình, không bắt nó phải dậy theo tiếng chuông đồng hồ báo thức. Tôi cố tìm cho mình một nhịp sinh hoạt khác để đem chút dư vị cho hai ngày cuối tuần” (Paris, Chủ nhật ngày 19 tháng Tư năm 2020).
Cùng với việc dõi theo những con số, so sánh những ca bệnh và xét nghiệm của Ý, Tây Ban Nha, Đức… cô cũng bắt đầu hình thành những thói quen mới trong giao tiếp với bạn bè qua mạng xã hội. Những câu chuyện về đại dịch Covid-19 có lẽ cũng giống nhau qua những bài phóng sự, những thông tin cập nhật hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, với cuốn sách này, Giáng Hương mang đến cho bạn đọc một cảm xúc khác: đó là những suy nghĩ trải lòng đôi khi khắc khoải như dòng tin nhắn: “Có lẽ năm nay con không về thăm bố mẹ được”, đôi khi lại dịu dàng không kém phần lãng mạn với “Mẩu giấy nhỏ gấp làm bốn bên nhành hoa linh lan nhỏ: “Chúc em một ngày tốt lành! P” (Thứ Sáu ngày 1 tháng Năm năm 2020).
Giọng văn thủ thỉ của Giáng Hương mang đến nhiều đồng cảm, chia sẻ: “Những lúc như thế này tôi mới hiểu được cảm giác ấm áp khi được lắng nghe và được chia sẻ với một ai đó. Cuộc sống tha hương đã rèn luyện cho tôi chân cứng đá mềm, sự cô đơn giúp trái tim tôi rắn rỏi và lý trí vững vàng hơn. Nhưng sự quan tâm và tình yêu thương muôn thuở vẫn như những hạt mưa xuân khơi nguồn sự sống, tiếp sức cho con người vượt lên những lúc khó khăn” (Paris, thứ Bảy ngày 2 tháng Năm năm 2020). Cô vẫn cắm những nhành hoa linh lan vào chiếc lọ thủy tinh màu xanh dương - với ý nghĩa của sự hồi sinh và điềm may mắn, nhân ngày Quốc tế Lao động 1.5 để cầu may. Nhìn quê nhà qua màn hình máy tính, qua hình ảnh bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội để tìm chút không khí quê hương: “Một bát phở nóng, một bát cơm cà, một ly cà phê nâu đá làm tôi nhớ về mấy góc phố nhỏ của một Hà Nội u tịch giữa dòng đời hối hả”…
55 ngày cấm túc trôi qua, cũng là khi tác giả học được những bài học mà trước đây cô chưa hề cảm nhận thấy, như bài học trân trọng đồ vật: một đất nước tiên tiến như Pháp, bỗng chốc rơi vào tình trạng bế quan tỏa cảng và thiếu thốn đủ thứ hàng nhập khẩu, đến chiếc khẩu trang cũng không đủ cho mọi người; bài học trong khổ hạnh mới hiểu thế nào là hạnh phúc: “Chỉ còn ba ngày nữa là tôi được đi mua quần áo, được cắt tóc gội đầu"; cô học được thói quen uống cà phê với bạn bè qua màn hình máy tính, thưởng thức những đặc sản tự làm và đặt mua về nhà… Và trên hết là bài học về tinh thần, nghị lực của chính bản thân “tôi tin dòng máu chảy bên trong tôi cũng sẽ giúp tôi kháng cự được dịch bệnh".
Tác giả Giáng Hương sinh năm 1984, hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp, được biết đến với các tác phẩm đã xuất bản: Tình (Truyện dịch) - Marguerite Duras, 2009; Nguyện ước (Truyện dịch) - Michèle Desborde, 2011. Qua Paris 55 ngày cấm túc - nhật ký viết từ tâm dịch, Giáng Hương tiếp tục “trở về” với bạn đọc quê nhà bằng những chia sẻ văn chương hữu ích của mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.