Đi và viết những nghĩa sĩ Cần Giuộc

17/08/2014 08:00 GMT+7

Trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc là do tôi tự nghĩ ra đề tài, tự làm lấy mọi việc, không ai đặt hàng cho tôi hết. Tôi viết trường ca này với lòng ngưỡng mộ vô cùng đối với 'Bình Tây đại nguyên soái' Trương Định, với những 'dân ấp dân lân... cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó' mà tôi thương yêu và đồng cảm hết lòng. Song tình cảm là một chuyện, ngưỡng mộ là một chuyện, còn khi bắt tay vào xây dựng ý tưởng và tìm tài liệu cho trường ca, thì phải lao động cụ thể và tỉ mỉ.

Trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc là do tôi tự nghĩ ra đề tài, tự làm lấy mọi việc, không ai đặt hàng cho tôi hết. Tôi viết trường ca này với lòng ngưỡng mộ vô cùng đối với “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định, với những “dân ấp dân lân... cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó” mà tôi thương yêu và đồng cảm hết lòng. Song tình cảm là một chuyện, ngưỡng mộ là một chuyện, còn khi bắt tay vào xây dựng ý tưởng và tìm tài liệu cho trường ca, thì phải lao động cụ thể và tỉ mỉ.


Hình ảnh người anh hùng Trương Định và những nghĩa sĩ Cần Giuộc đã đi vào thơ văn, điện ảnh... Trong ảnh là một cảnh trong phim Trương Định - Bình Tây đại nguyên soái - Ảnh: C.L

Bắt đầu từ năm 1977, tôi đã tìm đọc những tài liệu (đã dịch ra tiếng Việt) về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ những ngày đầu Pháp xâm lược Việt Nam. Phải đọc rộng để hiểu cả phong trào kháng Pháp, rồi sau đó mới đọc sâu vào cuộc khởi nghĩa của Trương Định. Càng đọc, càng tự hào và yêu thương dân tộc mình. Chính những khi người yêu nước lâm vào thế yếu, thế khó, thế kẹt, mới lừng lững xuất hiện những người anh hùng, những tập thể anh hùng, và nhân dân anh hùng lẫm liệt. Trong lịch sử, dân tộc ta đã từng thua quân nhà Minh, và phải sau cuộc trường kỳ kháng chiến mười năm “nằm gai nếm mật” của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, chúng ta mới giành được thắng lợi. Nhưng ngay trong lúc thua, Việt Nam đã chói sáng lên bao anh hùng!

Với thời kỳ đầu kháng Pháp cũng vậy. Đọc lịch sử mới thấy, thực ra Trung Quốc thua phương Tây quá dễ dàng, dù đó là thua Anh hay Pháp. Thua dễ dàng và thê thảm. Còn Việt Nam thì không. Trong suốt thời kỳ 80 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất Việt Nam, chưa bao giờ kẻ xâm lược được yên. Thực dân Pháp dựng lên những nhà tù còn nhiều hơn những khu mỏ mà họ khai thác tài nguyên của Việt Nam. Những nhà tù ấy, chủ yếu để cô lập những "tài nguyên” thực sự của Việt Nam - đó là những người khởi nghĩa, những người yêu nước, và cuối cùng, là những nhà cách mạng Việt Nam sẽ làm cuộc vùng dậy thành công vào ngày 19.8.1945. 

Để viết trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc tôi phải tìm tới những “khu mỏ” mà “khai thác tài nguyên”. Tôi đi Cần Giờ, Cần Giuộc, Gò Công. Cũng may là hồi kháng chiến chống Mỹ tôi có thời gian sống ở chiến trường Mỹ Tho, lại đã từng qua Long An, Đồng Tháp, nên những địa danh Nam bộ này hoàn toàn không xa lạ với tôi. Tôi như người về lại vùng đất cũ, nơi đã cưu mang mình trong chiến tranh. Và đúng là tôi đã được bà con ở Gò Công hay Cần Giuộc tiếp đón ân cần, dù họ chưa hiểu mục đích chuyến đi của tôi.

n cần nhất khi ta về những vùng quê ấy, là được… mời nhậu. Dạo đó tôi còn trẻ khỏe, và uống rượu rất chì. Tôi không từ chối bất cứ cuộc mời nhậu nào, dù rượu Cần Giuộc hay Cần Đước rất nặng độ, còn rượu Gò Công thì tuyệt vời khi được ngâm với trái sê ri là đặc sản của vùng đất này. Và bạn biết không, với bà con nông dân Nam bộ, thì sự xáp vô thật tình đó là “chứng chỉ” tốt nhất để bạn có thể được họ cảm mến.

Sẽ là một thiếu sót vô cùng nếu tôi không đưa vào trường ca của mình cái tên một nhà thơ vĩ đại của đất Chín Rồng, của đất dừa Bến Tre và đất ruộng Long An: nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Tôi đã nhờ cậy rất nhiều vào khí phách, vào thơ ca, vào nhân cách của cụ Đồ Chiểu khi viết trường ca này. Và sau khi Những nghĩa sĩ Cần Giuộc ra đời được mấy năm, tôi vẫn chưa thấy đủ nên lại viết tiếp trường ca Trò chuyện với nhân vật của mình mà cụ Đồ Chiểu là nhân vật chính, nhân vật trung tâm. Tôi nghĩ, Trương Định và Đồ Chiểu là “cặp đôi hoàn hảo” ăn ý nhất không chỉ trong suy nghĩ và hành động yêu nước, cứu nước, mà cả trong thơ, trong văn học. Dường như người này sẽ thiếu rất nhiều nếu không có người kia, và ngược lại. Đó cũng là điều kỳ lạ ở đất nước chúng ta.

Với Việt Nam, thơ ca là nhập cuộc, là có ích, là chiến đấu. Và thơ ca là cầu nối cho những tình bạn cao đẹp, bền vững. Trương Định không phải nhà phê bình thơ, không làm thơ, nhưng có thể nói, Trương Định là người hiểu thơ Đồ Chiểu hơn ai hết. Quảng Ngãi quê tôi cũng không thiếu kẻ hèn, nhưng tôi tự hào vì có một con người can trường tới khi chết như Trương Định. Và ông cũng là niềm tự hào vô cùng với mọi người dân Nam bộ yêu nước và sống hồn nhiên, lành sạch. Ông đã ngã xuống đúng nơi cần ngã xuống. Vì đất nước Việt Nam.

Dân Mộ Nghĩa
(trích trường ca Những nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Biển ơi
người mê hoặc tôi bằng ngọn sóng thiếu nữ
những đường cong chói sáng
tự xóa bỏ mình

và lập tức tái sinh
gào lên khúc ca hoang dại

đứng trước người tôi chỉ là đứa trẻ
mỉm cười dút dát
như e sợ ngọn sóng kia vùi dập

cho tới khi tôi hòa nhập cùng người...

khi đó tôi thành hạt muối nhỏ nhoi
đọng mặt trời tan trong nước
đi lại dễ dàng giữa hai bờ sống chết
lấp lánh lặng im ca hát mặn mòi

giọng cao tung bọt trắng trời
giọng trầm sâu thẳm

tôi trôi qua những vùng bóng tối nhấp nhoáng ngọn lửa sình lầy
đám rễ bần quờ quạng đón nước lên
mắt chớp xanh đom đóm
những rừng tràm bầy ong rung cánh sáng
qua bao mái lều cất tạm
giữa biền bưng vàng ố đất phèn

ai đầu tiên rèn chiếc phãng
cho cánh tay phát cỏ nhịp nhàng như múa
vũ điệu trên trống đồng sao lưu lạc tới đây
ơi con trăng người xa xứ
cứ mải miết theo ta lúc vơi lúc đầy

gió bạt luồng chim về hai phía
cù lần kêu khắc khoải
tiếng cọp gầm mang mang nước lên
sáp ong nổi những đám mây tơi tả
trên dòng sông ráng đỏ
gõ mái chèo này, ca đôi câu
chừng nhẹ bớt đường đời

bỏ buồn cho em bỏ buồn cho tôi
hỡi người qua truông về giồng dứa
nỗi nhớ rối bời dây choại
biết mọc lối nào níu được chân đi

uống ngụm nước phèn chát ngắt chát ngơ
tìm người thương lội sình ngang ngực
em là hoa sen mảnh mai đài các
hay bông súng khiêm nhường?

tôi yêu quý hoa sen
nhưng xin ở suốt đời cùng bông súng
lẳng lặng nở hoa giữa đồng sâu ruộng trũng
giữa những anh em côi cút của tôi

họ lấm láp sình lầy bước vào thơ Đồ Chiểu
nồng mồ hôi mùi lưng trần khét cháy
cất tiếng nói nặng nề như đá
chân đạp tay vung... chẳng giữ ý chút nào
căm bọn bất lương bằng xúc đất đổ đi
ghét chuyện tầm phào hơn ghét cỏ
không áo mão cân đai phẩm hàm văn võ
họ để lại những vệt bùn làm vinh dự cho thơ

để dưới trăng lưỡi mác mài bén ngót
cọp ba chân thấy phải ghê mình
người già dượt cho lớp trai đường quyền hiểm hóc
trao miếng võ gia truyền làm vũ khí dắt lưng

tù và rúc xuyên đêm lồng lộng
nối nhịp cầu ứng cứu nhau
xuồng ba lá lướt trên biển cỏ
mấy túp nhà loáng thoáng suốt đồng không

mù sương loang ngực sông
sắp bình minh
lặng lẽ những tốp người mò ốc gạo
sóng dậy một ven bờ
những đốm lửa bập bềnh chớp tắt
trái bần chua lá bần ngơ ngác
bầy khỉ chuyền rung mưa trong vòm xanh

những đàn chim bốc lên
gió ào qua rừng tối
thả xuống hừng đông âm thanh chói lói

chân khẽ khàng đặt bên màu trắng
bỗng vỡ òa tiếng chim non
mặt đất chao cây xoay nghiêng ngả
những hạt cườm long lanh

bàn tay nâng nhẹ tổ chim
cái cổ rắn xanh lè chợt vươn tới
dấu trơn nhớt hằn trên lá rữa...

có bậc thầy tay không bắt rắn
có bậc thầy gài bẫy sập heo rừng
có bậc thầy biết luồng cá dưới sông
có bậc thầy ăn ong bậc thầy đâm sấu...

họ sống lẫn mặt trời bóng tối
cảm hết các mùa thay đổi trên da
qua dòng sông nghe giọng nói rừng già
trông sắc mây tính ngày mưa nắng
tìm giống lúa mọc cao theo nước nổi
chỉ ở đây kêu lúa bằng nàng
nàng hương nàng rừng...
dịu dàng như ta gọi người thương

nhịp chày ba giã gạo sáng trăng
buông giọng hò cám bay phất phưởng
ôi hàng cau xa lắm
răng hạt na thắt lưng hoa lý
buổi hội làng chếnh choáng màu pháo đỏ
tiếng trống chuyển trong đường gân mạch máu
còn đập dồn nơi cổ tay

người già nhớ vùng quê hao gầy
đất vặn xoắn giữa hai triền núi biển
bão phủ đầu người ở xa mới đến
mưa sầm sập mưa lê thê giận dỗi oán hờn
đá lở rền vang vùi giấc ngủ
những nóc nhà mất hút...

vùng quê điệu lý xanh trên dòng sông xanh
giọng nói nắng trưa gay gắt
ngón chân mềm bấm nát đá
những củ khoai trong lốc bụi mịt mù

kỳ lạ đền đài cát chuyển hóa về đâu
thành quách trắng lòa ảo giác
duy máu xương rất thật
bị xóa nhòa cùng những cơn mưa

những giọt nước mắt kia
bao giờ hóa thạch
những tầng khổ đau làm sao khai quật
và hy vọng? và nụ cười ?

của ai phải lìa bỏ quê
sống lang thang còn lang thang sau khi chết
đã cắm xuồng đời mình giữa đồng lầy heo hút
muỗi kêu như sáo thổi
đã chìm xuống tận cùng như cặn rượu
bị lột truồng trong mấy tiếng chửi thề
cuộc đời chó đẻ!

nhưng sao cực quá thế này?

biết nguyền rủa ai cảm tạ ai đây
trời chăng? vua chăng? hay đất bùn ngay dưới chân mình đứng ?
hay lưỡi rìu mình vung quá trán
chém sâu vô những khổ lụy trần gian

thì tuôn nữa vào rừng hoang
lớp da dày cứng hơn bởi gai cào
cái nắng đồng phèn bốc hơi ngùn ngụt
từng trận mưa rào gõ trống trên lưng

phát cỏ phát cỏ
chắt chiu từng hạt giống
đất chẳng phụ người
chỉ người phụ người thôi

kẻ giàu ăn hết của kẻ nghèo
đời là thế
quan bỏ mặc dân
đời là thế

đi đâu?

vót nhọn thêm ngọn lao gỗ mun
đẽo nhọn thêm mũi thuyền độc mộc
xuyên qua sóng cắm vào hàm sấu
vuốt mồ hôi uống cạn vầng trăng

cất chòi nón rách phơi đầu gió
nghèp mạt rệp
lòng sông nước đang kỳ ròng sát
lộ rõ từng rễ cây hang cua vỏ ốc
những bãi tối tăm sình lầy
câu hát vẩy cá lấp lánh
mùa khô hoa tràm rụng ong bay
khói đốt đồng vàng bông điên điển
gió chướng non trẻ nhỏ hò reo quanh đám tát đìa

cá lóc nướng trui
lươn xào sả ớt
bống kèo kho khô
nào chuột nào rắn
ngó sen lục bình
của trời vô tận
nảy lên từ bùn
một trăm giống lúa
tụ nghĩa trên đồng
những đời rơi vãi
kết lại thành bông
ngọn đèn quả ớt
búi tóc củ hành
túp lều ngật ngưỡng
con mắt đêm xanh
rượu thơm mùi gạo
bàn tay mùi khói
ngựa ô tung vó
bầy sáo sang sông
cá lội biệt tăm
nước dâng chầm chậm
núi cao lún xuống
bóng tối đè lưng
bóng tối hóa đá
đá thành Bà Đen
quầng trăng đỏ quạch
sương mù vỡ tan
cỏ may lang thang
mặt đất ẩm ướt
đám cháy vàng rực
rùa bò cuống cuồng
cánh chim bốc lửa
trời trưa chang chang
khát đến đắng miệng
đứng sững nước phèn
hương tràm thầm lặng
giấc mơ gió nồm
mướt tàu lá chuối
quệt vào hoàng hôn

cho tôi bài hát trẻ con
nghêu ngao từ thuở tôi còn chưa sinh
vẩn vơ theo đám lục bình
nước ròng nước lớn thả mình về đâu
thời gian ai biết nông sâu
buông câu ca tính làm sao khỏi chìm
dễ thường bọt nước bóng chim
một chút gió một khoảng im bên đường
mà đưa ta băng đại dương
nhanh hơn tàu sắt thuyền rồng đấy chăng
mong manh tơ nhện giăng giăng
neo lòng ta giữa sắc vàng mùa thu
mặt trời tuổi nhỏ thơm như
trái bình bát chín ven bờ kinh xanh
tôi không ăn tôi để dành
mãi sau những lớp lá cành lãng quên
ước chi mình đừng lớn lên
mỗi năm không phải xa thêm mặt trời
bao lớp áo tả tơi rồi
trụi trần lại hát những lời thơ ngây

tôi đã qua nhiều khoảng lặng im
như quãng lặng kéo dài trong bản nhạc
lúc các anh thể hiện đời mình
trên ngọn sóng những phiếm đàn biển cả
trong âm vang mơ hồ của đá
cánh tay quăng tia chớp về trời

dễ gì nói được bằng lời
đôi mắt vùi trong bùn lóe lên phút chốc
bông súng trắng
lửa của lồng ngực mênh mang bị khinh rẻ
một nhà thơ mù nhìn rõ các anh
từ đó chúng ta thành đồng đội

có hề chi vài chữ tôi dùng
những tiếng kêu chìm khuất
những hạt giống những mảnh sành

tôi không phải nhà khảo cổ
khi tìm đến các anh

đây chỉ là cuộc gặp gỡ giản đơn
giữa trái tim gió nồm và trái tim lá cỏ

nếu trời cho cơ hội
được trò chuyện tâm tình
biết nói gì đây
hay bàn tay ta bỗng lặng lẽ rung lên
nâng chén rượu mắt mèo
tôi sung sướng chúng ta còn rất trẻ
có hề chi một trăm hai mươi năm
những khoảng cách trở nên vô nghĩa

cảm ơn nhà thơ mù
cảm ơn người hát rong căng số phận mình trên sợi dây đàn độc nhất

hát về những ngọn sóng bình minh

Thanh Thảo

Thanh Thảo

>> 'Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc'' - Ngôi đền thiêng trong văn học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.