Đi tìm rùa hồ Gươm trong lịch sử : Truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm

01/03/2011 00:12 GMT+7

Rùa hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) bị thương cần được chữa trị gấp đang là câu chuyện nóng trên nhiều phương tiện thông tin. Không chỉ quan tâm đến loài rùa quý có tuổi thọ hàng trăm năm trước nguy cơ tuyệt chủng, mà nhiều người còn muốn tìm hiểu nhiều điều xung quanh địa danh lịch sử này.

Rùa trong quan niệm dân gian

Trong quan niệm của người Á Đông nói chung và trong tín ngưỡng dân gian của Việt Nam nói riêng, 4 con vật: long, lân, quy, phượng (miền Nam gọi là phụng) được gọi là tứ linh. Song, trong tứ linh chỉ có quy (rùa) là có thật trong đời sống còn ba con vật kia đều là hư cấu. Điều đó cho thấy tự thân rùa mang giá trị tâm linh trong quan niệm của con người về vạn vật.


Ảnh: D.Đ.Minh 

Với người Việt, rùa là vật cân bằng bởi có cả âm và dương. Bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai khum tượng trưng cho trời (dương). Dân gian cho rằng hình tượng rùa đội bia tượng trưng cho hạnh phúc, phát triển và sự chịu đựng. Rùa còn là biểu tượng của cao quý, sự bền vững của xã tắc và sự trường tồn. Chính vì quan niệm như vậy nên rùa tuy không xuất hiện nhiều trong các công trình kiến trúc tôn giáo nhưng có thể thấy làm con vật đỡ chân bia tại các chùa. Ở chùa Linh Ứng (Thanh Hóa), ngôi chùa được xây vào thời Lý, rùa đã được sử dụng để đội bia. Hình tượng rùa đội hạc cũng tìm thấy ở chùa Láng (Hà Nội), ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ XV. Đến đời vua Lê Thánh Tông (1484) đã cho dựng bia những người đỗ tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mỗi khoa là một tấm bia đá ghi thành tích và tấm bia được dựng trên lưng rùa. Như vậy từ truyền thuyết Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa vàng đến các tấm bia  tiến sĩ trên lưng rùa đời vua Lê Thánh Tông cho thấy các vua triều Lê rất chú trọng đến hình tượng rùa.

Từ Lục Thủy đến truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm

Rùa xuất hiện trong truyền thuyết từ thời An Dương Vương. Theo đó, thần Kim Quy đã giúp nhà vua xây thành Cổ Loa sau nhiều lần thất bại trước đó và còn cho chiếc móng làm nỏ thần để giữ thành. Nhưng rồi con gái An Dương Vương là Mỵ Châu đã đem lòng yêu Trọng Thủy - con trai của Triệu Đà, kẻ đang có âm mưu chiếm đoạt Loa thành. Khi nỏ thần bị Trọng Thủy lấy cắp, thành bị rơi vào tay quân thù và trong lúc nguy cấp, An Dương Vương than thở thì thần Kim Quy hiện lên bảo: giặc đang ở sau lưng, An Dương Vương quay lại thấy Mỵ Châu liền rút gươm chém chết đứa con gái yêu, rồi cưỡi rùa đi ra biển.

Trước khi Lý Thái Tổ định đô trên nền thành Đại La đổ nát thì mảnh đất này có rất nhiều sông ngòi, hồ ao, kênh rạch và nối dòng với sông Hồng. Phía bắc của hồ Lục Thủy (hồ Gươm ngày nay) có hồ Diên Hưng (khu vực phố Hàng Ngang hiện nay), hồ Thái Cực (khu vực phố Hàng Bè hiện nay). Vào triều vua Lý Thánh Tông (1057) đã cho xây dựng tháp Báo Thiên (nay là vị trí Nhà thờ Lớn) bên hồ Lục Thủy. Tất cả những gì sử sách để lại về thời các vua Lý không thấy nói đến hồ Hoàn Kiếm cũng như rùa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi kháng chiến chống quân Nguyên thắng lợi, vua Trần Nhân Tông đã cho dựng một miếu thờ các liệt sĩ ở một địa điểm gần hồ Lục Thủy. Tuy nhiên, sử sách cũng không ghi chép nhiều về đền này và các nhà viết sử chỉ suy đoán đền nằm ở phía bắc hồ. Điều ấy cũng cho thấy đời các vua Trần cũng chưa có tên hồ Gươm và cũng không có cuốn sách nào ghi lại sự tích gì ở hồ Lục Thủy liên quan đến rùa.   

Ai cũng biết truyền thuyết Lê Lợi trả lại gươm thần cho rùa vàng sau khi đánh tan giặc Minh. Cách kể trong dân gian, trong sách, trên các văn bia có đôi chỗ khác nhau nhưng có thể tóm tắt: Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền trên hồ Lục Thủy dạo mát và ngắm cảnh, bỗng nhiên ngài thấy có ánh vàng loang loáng dưới nước và một lúc sau rùa vàng ngoi lên mặt nước rồi bơi về phía thuyền của nhà vua. Lúc này Lê Thái Tổ chợt nhớ đến lưỡi gươm mà Lê Thận cho với hai chữ "Thuận Thiên" đã giúp ngài đánh tan giặc ngoại xâm. Khi ngài vừa rút gươm ra khỏi vỏ thì lưỡi gươm đã tự bay về phía rùa vàng. Rùa ngậm lưỡi gươm và lặn xuống hồ và từ đấy hồ có tên là hồ Hoàn Kiếm (dân gian quen gọi là hồ Gươm). Song vấn đề là ở chỗ truyền thuyết xuất hiện khi Lê Thái Tổ còn sống hay sau khi ngài qua đời thì không thể xác định được. Và việc trả gươm rùa vàng của Lê Thái Tổ phải chăng có liên quan đến truyền thuyết An Dương Vương với bài học về chữ tín, về mượn thì phải trả? Tại sao lại liên quan đến rùa mà không phải vật khác? Nhà sử học người Pháp Philippe Papan, người từng là thành viên của Viện Viễn Đông bác cổ, sống ở Hà Nội từ năm 1991 đến 2004 và là tác giả của cuốn sách Lịch sử Hà Nội cho rằng mô-típ anh hùng trả gươm cho rùa sau khi diệt hết giặc ngoại xâm hay diệt yêu quái không chỉ riêng Việt Nam mới có mà còn có ở các quốc gia Đông Nam Á.

Có một điều cũng rất lạ là quanh hồ Gươm không có đền miếu thờ Lê Thái Tổ mà chỉ có đình làng Kiếm Hồ (nay là đoạn giữa phố Lý Thái Tổ) có bài vị thờ Lê Lợi làm Thành hoàng làng. Cho đến năm 1897, Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải mới cho dựng tượng ngài bằng đồng ở ven hồ (tượng nằm ngay sát Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ - số 16 phố Lê Thái Tổ). Đến cuối triều Lê, chúa Trịnh cho xây lầu Ngũ Long (vị trí Bưu điện Hà Nội ngày nay) để ngự trên lầu này xem biểu diễn thủy quân. Để đi từ phủ chúa (khu vực xung quanh Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện nay), nhà chúa đã cho đắp con đường ngăn Lục Thủy thành hai phần và gọi phía trên là Tả vọng (nay là hồ Gươm), phía dưới là Hữu vọng. Do vậy nếu Lục Thủy có giống rùa quý như ngày nay thì tại sao các hồ phía nam Thăng Long khi còn thông với Hữu vọng (ví dụ hồ Ba Mẫu, Bảy Mẫu), không có loài rùa này?

Nguyễn Ngọc Tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.