Di sản văn hóa 'hút' khách

24/11/2015 06:13 GMT+7

Các khu di sản thế giới đã kết hợp với nhau thành một câu lạc bộ các di sản thế giới ở VN. Việc kết nối này, tuy chỉ mang tính tự nguyện song đã có thành công đáng kể trong tuyên truyền.

Các khu di sản thế giới đã kết hợp với nhau thành một câu lạc bộ các di sản thế giới ở VN. Việc kết nối này, tuy chỉ mang tính tự nguyện song đã có thành công đáng kể trong tuyên truyền.

Chùa Cầu, Hội An thắp đèn trong đêm rằm là nét văn hóa thu hút du khách  - Ảnh: Ngữ ThiênChùa Cầu, Hội An thắp đèn trong đêm rằm là nét văn hóa thu hút du khách - Ảnh: Ngữ Thiên
Di sản văn hóa thế giới tại VN đang ngày càng thu hút du khách - là nhận định của đa số chuyên gia dự Hội thảo khoa học quốc tế bảo tồn phát huy giá trị di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long do Ủy ban Quốc gia UNESCO VN và UBND TP.Hà Nội tổ chức tại Hà Nội ngày 23.11.
Đa dạng chương trình, liên kết di sản
TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, cho biết với di sản này số lượng khách tới thăm mỗi lúc một nhiều hơn. “Mỗi năm lượng khách tăng 5 - 10 vạn người. Đặc biệt là các sự kiện văn hóa tổ chức những năm vừa qua đã thu hút nhiều vạn người đến đây. Người dân biết đến hoàng thành càng nhiều. Khách du lịch từ Nhật và châu Âu ngày càng đông”, ông Sơn nói. Các di sản khác như Huế, Tràng An, Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng... cũng có lượng khách tăng đều hằng năm.
Các khu di sản cũng có những chương trình để thu hút khách. Chẳng hạn, Hoàng thành Thăng Long có chương trình trải nghiệm cho các nhà khảo cổ nhí Em tập làm nhà khảo cổ cho phép các em được ghép hiện vật trên các hố khai quật giả định. TS Bùi Thị Thu Phương cho biết, chương trình Photo Voice đã tập trung những người dân sống quanh vùng đệm khu di sản, trao cho họ máy ảnh, tập huấn và chụp ảnh, sau đó tổ chức triển lãm ảnh Hà Nội như tôi thấy. Có 73 bức ảnh tiêu biểu từ hàng nghìn ảnh của các thành viên cộng đồng cho thấy cuộc sống ở khu vực này. Bà Phạm Thùy Dương, Trưởng ban Quản lý di tích Hạ Long, cho biết các khu di sản thế giới đã kết hợp với nhau thành một câu lạc bộ các di sản thế giới ở VN. Việc kết nối này, theo bà, tuy chỉ mang tính tự nguyện song đã có thành công đáng kể trong tuyên truyền. “Huế, Hạ Long hay hoàng thành khi quảng bá cũng dễ có cơ hội tiếp cận với du khách. Thông qua tuyên truyền thì Ban Quản lý Thành nhà Hồ đã tăng khách nhờ có di sản khác giới thiệu”, bà Dương nói.
“Tái hiện nhưng đừng để mất tầng văn hóa”
Việc quy hoạch di sản, thực hiện cam kết với di sản là điều nhiều chuyên gia nói tới. Nhiều cam kết với UNESCO cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, cho biết hiện còn 4,6 ha diện tích khu di sản chưa được bàn giao cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội để thống nhất quản lý, gồm: khu nhà khách Bộ Quốc phòng, khu biệt thự của gia đình bà Nguyễn Thị Phương và các con cháu. Bên cạnh đó, trung tâm chưa được tiếp nhận, bàn giao số lượng di vật và hồ sơ khoa học. Điều này khiến công tác nghiên cứu quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản gặp nhiều khó khăn.
Việc quy hoạch hoàng thành cũng còn điều khiến chuyên gia quốc tế lo ngại. Một trong những lo ngại đó là việc người làm quy hoạch có ý kiến muốn xóa bỏ các tòa nhà thời Pháp và đưa di sản về với thời hoàng kim dưới thời Lê trong tưởng tượng. Theo đó, một trong những tòa nhà Pháp là Nhà con rồng do người Pháp xây làm trụ sở pháp binh cuối những năm 1880 trên khu vực Điện Kính Thiên của hoàng thành. Một bản vẽ cho thấy không gian hoàng thành dự kiến được khôi phục vào những năm 2020 có mô tả Điện Kính Thiên được phục dựng còn các tòa nhà thời Pháp phía trước điện bị dỡ bỏ để nhường không gian cho quảng trường rộng lớn. “Tôi cũng mong muốn tái hiện quang cảnh trục trung tâm từ Nhà con rồng tới Đoan Môn, nhưng tôi cho rằng không nên để mất tầng văn hóa Pháp”, GS William Logan - Khoa Giáo dục và nghệ thuật, Trường ĐH Deakin (Úc), cho biết.
Ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý di tích Mỹ Sơn, cho biết ở di sản này đã có những cam kết, chương trình định kỳ hằng năm là gặp gỡ giao lưu 3 xã có địa bàn tiếp giáp với Ban Quản lý Mỹ Sơn. “Bên cạnh sinh hoạt giao lưu văn nghệ là những cam kết cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ di sản, sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp cháy rừng xảy ra. Nhờ đó, rừng cảnh quan phục hồi xanh tốt, thú hoang dã cũng đã xuất hiện trở lại”, ông nói.
Điều tiết khách cho di sản “thở”
Theo các chuyên gia, khách tăng tuy mừng nhưng cũng có nhiều nguy cơ tiềm ẩn. GS William Logan cho rằng: “Nhiều khu di sản thế giới đang bị đe dọa trên phạm vi toàn cầu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau khi có được danh hiệu Di sản thế giới, du khách đến quá đông, tới mức cả các yếu tố vật thể lẫn phi vật thể của di sản bị xuống cấp. Không gian yên tĩnh vốn rất cần thiết cho việc cảm nhận giá trị nổi bật toàn cầu của di sản bị phá vỡ”.
Còn nhớ, một chuyên gia hang động người Anh từng khuyến cáo đóng cửa hang Phong Nha - Kẻ Bàng một thời gian trong năm để hang được nghỉ dưỡng.
Kế hoạch cho di sản “thở” cũng đã được để tâm hơn trước. Bà Thùy Dương cho biết, hiện Hạ Long đã có nghiên cứu để quản lý khách. Chính xác hơn là đã có đề tài đánh giá sức tải cho các điểm đến trên vịnh Hạ Long. Hạ Long cũng đang điều tiết lượng khách vào hang động theo đánh giá sức tải đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.