Di sản văn hóa hò khoan Lệ Thủy 'Bắc tiến'

28/09/2016 17:27 GMT+7

Chuyến lưu diễn phía Bắc của các nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy là một trong những hoạt động của tiến trình hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa thế giới UNESCO cho di sản này.

Khi những điệu hò khoan Lệ Thủy vang lên thuở ban đầu, nó báo hiệu những buổi lao động. “Hò khoan có mặt ở mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ việc lớn đến việc nhỏ. Chèo thuyền, giã gạo, cày bừa, cấy lúa, đạp nước, kéo gỗ, nện đất, giã vôi, cất nhà, kéo lưới, đẩy thuyền… tất tần tật việc gì cũng hò khoan được, ở đâu cũng hò khoan được”, ông Dương Ngọc Liên, Trưởng đoàn lưu diễn dân ca “Hò khoan Lệ Thuỷ”, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình nói.
Cũng theo ông Liên, dù mảnh đất Quảng Bình có đủ loại hình văn học dân gian như truyền thuyết, chuyện kể, giai thoại, dân ca, song nổi trội vẫn là dân ca, đặc biệt là hò khoan.
Hò khoan Lệ Thủy cũng trao cho ông Liên cùng những người đồng hương một nhiệm vụ độc đáo - chuyến lưu diễn Bắc tiến. Chuyến lưu diễn có 21 thành viên, trong đó có 4 nghệ nhân dân gian và 4 nghệ nhân ưu tú. Họ hát ở trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), nơi những người nghiên cứu văn hóa xã hội tương lai đang theo học.
Họ cũng hát ở Bắc Ninh - quê hương của di sản văn hóa UNESCO quan họ. Họ hát vì con đường phía trước - đưa hò khoan trở thành di sản văn hóa cũng như quan họ vậy. Hiện tại, việc làm hồ sơ đang được thực hiện.
Chính vì thế, trong các buổi diễn, những làn điệu độc đáo của hò khoan được giới thiệu kỹ lưỡng. Các làn điệu gồm: hát mái xắp, hò sáu mái, hò khơi, nậu xăm, hát mới, hò đối đáp…
“Mong muốn của Đoàn là giới thiệu những nét văn hoá độc đáo của hò khoan Lệ Thuỷ tới đông đảo nhân dân cả nước, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hò khoan Lệ Thuỷ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”, ông Liên nói.
Biểu diễn hò khoan làm người nghe xúc động
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ sự xúc động với gần 1.000 câu hò lời cổ của hò khoan. Chúng có quá nhiều cung bậc, nhưng sự đằm thắm của tình quê, tình người rất rõ. “Có lần tôi được trò chuyện với GS.TS Trần Quang Hải, con trai cố GS.TS Trần Văn Khê. Ông có nói rằng chỉ riêng một điệu dạ cổ hoài lang cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại. Đến hò khoan Lệ Thuỷ, chỉ cần một điệu hò “mái sắp” cũng sẽ làm nên được điều kì diệu đó”, ông Vĩ nói.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc, cho rằng, cho dù môi trường diễn xướng của hò khoan không còn như xưa, song giá trị âm nhạc của nó vẫn không thay đổi. "Âm nhạc rất hay", ông Loan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.