Đi săn ảnh ở Campuchia

06/12/2008 23:53 GMT+7

Đất nước làng giềng Campuchia với công trình Angkor Wat, Angkor Thom, hồ Tongle Sap, những cánh đồng thốt nốt hàng trăm năm tuổi... là một nơi hấp dẫn để các nhiếp ảnh gia VN lên đường khám phá và “săn” những khoảnh khắc đẹp khó quên.

Cuối tháng 11.2008, các tay máy Hồ Xuân Bổn, Ngọc Hợi (Đà Nẵng), Chính Hữu (Đắk Lắk), Huỳnh Ngọc Dân, Tam Thái, Nguyễn Văn Đảnh, Võ Tùng Giang (TP.HCM) hè nhau một chuyến sang Campuchia săn ảnh. Đất nước chùa tháp cũng không phụ người, bao nhiêu điều thú vị hiện ra dọc đường từ Phnom Penh, Siem Riep, 

Battamboong..., tha hồ cho các nhiếp ảnh gia ta mỏi tay bấm máy. Buổi sáng, trên đường từ Phnom Penh đi Siem Riep, những hàng thốt nốt hàng trăm năm tuổi trên những cánh đồng lúa chín vàng hửng nắng sớm khiến đoàn nhiếp ảnh vội vã dừng xe. Gặp một anh nông dân Campuchia đang ra ruộng, các nhiếp ảnh gia mời anh làm mẫu vài động tác để chụp ảnh. Khi đoàn chỉ tay lên cây thốt nốt ra hiệu anh hãy trèo lên, anh vui vẻ đưa ra hai ngón tay. Biểu tượng chiến thắng ư? Không, ý anh ấy là... 2 USD. “OK”, các nhiếp ảnh gia hiểu ý ngay. Anh nông dân đu vào cây thốt nốt trèo lên thoăn thoắt, nghiêng bên này, ngả bên kia... không ngớt làm theo yêu cầu cho đúng hướng nắng, cho đúng động tác. Các tay máy ta hào hứng bấm máy rào rào. Còn anh nông dân thì được chút tiền công buổi sớm.

Ngày cuối cùng ở Battamboong, đoàn nhiếp ảnh gia vào một ngôi chùa để sáng tác. Gặp được một nhà sư biết tiếng Việt, cả đoàn mừng húm, mau chóng vào chùa “mượn” vài sư nữa để chụp ảnh. Chụp xong sư đề nghị đoàn nên cúng quả cho chùa. Cũng là việc phải lễ nên làm. Cúng quả rồi sư nhắc nên cho các sư trẻ một ít để các thầy có tiền đi học. Sư cũng nói khi làm đĩa xong thì nhớ gửi cho sư. Đoàn nói chỉ đi chụp ảnh, không phải quay phim hay video clip gì. Lúc ấy sư như ngẩn người ra. Khi đó người trong đoàn mới bụng bảo dạ: Có thể sư hiểu lầm đây là đoàn quay phim để kinh doanh nên... giàu có?


Săn ảnh bình minh ở Angkor Wat - Ảnh: Huỳnh Ngọc Dân

Buổi chụp ảnh ở Angkor Wat cũng đáng nhớ. Buổi sớm, đoàn cùng hàng trăm du khách vào đền để đón cảnh bình minh. Sau đó đoàn đi vào chụp ảnh Angkor Thom, tháp Bayon, đền Ta Phrom - nơi nữ minh tinh Angelina Jolie từng đóng phim Kẻ cướp mộ. Đến chiều, Chính Hữu, Nguyễn Văn Đảnh, Hồ Xuân Bổn, Ngọc Hợi, Võ Tùng Giang mua vé 15 USD để lên khinh khí cầu chụp hoàng hôn Angkor Wat từ trên cao. Khổ nỗi, hôm ấy trời mây mù nên dự định này thất bại. Tiếc quá, cả đoàn quyết “gỡ vốn” bằng cách nán lại chụp Angkor Wat lúc lên đèn. Theo quy định khi Angkor Wat lên đèn, tất cả du khách phải rời đền, nhưng các nhiếp ảnh gia ta quyết “hoạt động bí mật”. Đang mò mẫm tưởng không ai hay, ai ngờ trong bóng tối các tay máy chợt giật bắn người bởi bị vỗ vai từ phía sau, rồi bị cảnh sát áp giải ra tận cổng để tiễn chân. 

Nhưng đâu chỉ chụp ảnh, du lịch đất nước chùa tháp còn là sự chiêm nghiệm văn hóa. Dọc đường, anh tài xế Hara người địa phương kể chuyện những cổ vật Campuchia đang bị chảy máu ra nước ngoài bởi nạn trộm cắp, buôn bán đồ cổ. Những chiếc xe bò cổ rất đẹp của Campuchia giờ đây cũng gần như vắng bóng vì những thương lái Thái Lan lùng mua để mang về trang trí cho những khách sạn, nhà hàng sang trọng. Những quán ăn, chỗ nghỉ xe, bến phà... bán la liệt những “đặc sản” như ễnh ương, nhện, dế, le le, cà cuống. Anh Võ Tùng Giang nhìn con cà cuống mà đau lòng vì loại giáp xác có vị tinh dầu thơm đặc biệt này đã trở nên hiếm hoi ở Việt Nam, giờ chỉ còn biết mua ở Campuchia bỏ vào miệng nhấm nháp để hoài niệm tuổi thơ. Anh Hara cũng nhắc rằng cà cuống ở Campuchia chỉ có con cái, còn con đực có vị thơm hơn thì thương lái Thái Lan gom hết rồi.

Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Đảnh, vốn là một giảng viên kiến trúc, thì khâm phục những công trình kiến trúc kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại và văn hóa truyền thống của Campuchia. Một đất nước còn khó khăn như Campuchia nhưng ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống quả là điều đáng suy ngẫm.  

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.