Đêm nhạc Phạm Duy: Mơ về vẻ đẹp xưa

19/07/2010 14:23 GMT+7

Trong 2 đêm 17 và 18.7.2010, tại Nhà hát Hòa Bình - TPHCM đã diễn ra đêm nhạc Phạm Duy mang tên "Mơ giấc mộng dài"... Người mến mộ nhiều thế hệ đã đến thưởng thức đông chật nhà hát.

Vẫn là những giai điệu từ xưa của người nhạc sĩ nay đã vào tuổi 90, nhưng qua tư duy của đạo diễn tài năng Phạm Hoàng Nam, tất cả đều mới mẻ trên sàn diễn, được cấu trúc theo trục thời gian từ tuổi thơ đến tuổi già, với lời dẫn trước từng giai đoạn.
 
Một cuộc ra quân đồng bộ từ ánh sáng, hình chiếu, thiết kế mỹ thuật đến phối khí dàn nhạc, múa minh hoạ và ca sĩ đã khiến cho người thưởng thức có cảm giác như đang bay lên, đang mơ về vẻ đẹp xưa của một thời nền nếp và thuần khiết. Con người giữa thời kinh tế thị trường xô bồ và vội vàng có dịp chợt dừng lại, chợt ngẫm nghĩ. Và có thể, chợt ngộ ra khoan nhặt điều gì đó tử tế hơn, lành sạch hơn.

Màn múa hát mở đầu của các thiếu nhi qua bài đồng dao “Ông trăng xuống chơi cây cau” trong trang phục quần áo ta, tay cầm đèn lồng đã rạo rực lôi cuốn người xem vào giấc mơ âm thanh. Những chiếc đèn lồng trang trí đã được khuyếch đại bằng chiều cao sàn diễn và trở thành điểm nhấn chính ở đáy sàn diễn và hai bên cánh gà. Ở giữa chúng là những rẻ quạt lúc xòe ra, lúc xếp lại với những hình chiếu gợi về những giai điệu của chương trình.

Ánh sáng thường và ánh sáng hoa cũng được sử dụng kỹ lưỡng qua tư duy đạo diễn, để hòa điệu cùng âm nhạc. Những bản phối khí vừa nhiều cảm xúc, vừa biết làm mới những giai điệu Phạm Duy của các nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, Hoài Sa, Trần Thanh Tùng đã chắp cánh cho các giọng hát vàng chao liệng.

Thật khó tìm được một chương trình, một đêm diễn mà tất cả ca sĩ đều xuất thần đến không ngờ. Từ tốp nữ “Tuổi mộng mơ” đến tốp “5 dòng kẻ”, từ Hà Anh Tuấn đến Đức Tuấn và Tấn Minh, từ Mỹ Linh đến Nguyên Thảo và Khánh Linh. Đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu trên sân khấu lớn của Ý Lan (con gái ca sĩ Thái Thanh lừng danh một thời) từ California trở về hát những “Tóc mai sợi vắn sợi dài” thổn thức của “bác” Duy.

Người nghe vẫn nhận ra một Đức Tuấn đầy phong độ, chững chạc qua “Chiều về bên sông” trong trang phục áo the cách điệu. Tấn Minh đã hát rất bay bổng “Tỳ bà” (thơ Bích Khê) - một ca khúc mà ca từ chỉ có thanh bằng, không có thanh trắc. Người nghe trầm trồ khi Mỹ Linh đưa chất thính phòng (bencalto) vào “Nghìn trùng xa cách” khiến cho giai điệu quen thuộc kia trở nên lung linh và mới lạ.

Bên cạnh đấy là sự ngạc nhiên về chuẩn mực và kỹ lưỡng, nhưng đầy tình cảm của Nguyên Thảo qua “Nếu ngày mai em đã qua đời”. Giữa những giai điệu thấm đẫm chất tự sự, chợt rộn lòng khi nghe Khánh Linh tung tăng trong “Gánh lúa’’ cùng tốp múa phụ họa. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Phạm Duy đã là nhạc sĩ đóng góp nhiều trong việc đưa dân ca vào giai điệu để trở thành những điệu dân ca mới mà người đời thường gọi là “Duy ca”. “Gánh lúa” chính là “Duy ca” đầy tài hoa.

Già nhất trên sàn diễn, nhưng giọng hát vẫn “thanh xuân thuở nào” chính là NSND Trần Hiếu. Ông vừa đảm nhiệm “diễn” bốn đoạn lời dẫn rất thu hút, lại vừa là người khởi sự “Tình hoài hương” bằng giọng trầm ấm: “Quê hương tôi có con sông Đào xinh xắn...” “Tình hoài hương” đã khép lại “Mơ giấc mộng dài” của “Người phiêu lãng” Phạm Duy.

Để có một chương trình nghệ thuật đáng thưởng thức như “Mơ giấc mộng dài” sau nhà tài trợ Acecook là cuộc vận hành nỗ lực và đầy tính chuyên môn cao của “Phương Nam phim”, một nỗ lực trong tiến trình phát triển văn hóa hôm nay. Một nỗ lực đáng khen, đáng khuyến khích.

 Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.