Để Việt Nam thành 'đích ngắm' của nghệ sĩ thế giới

Ngọc An
Ngọc An
01/11/2019 06:09 GMT+7

Do tổ chức không chuyên nghiệp, không bán được vé, không đáp ứng được yêu cầu của nghệ sĩ, nên nhiều "sao" quốc tế hủy lịch diễn, hay chương trình không tổ chức là chuyện không còn lạ.

 Cách đây 2 năm, ngôi sao nhạc pop người Mỹ Ariana Grande từng hủy show diễn tại TP.HCM chỉ 5 tiếng trước khi chương trình diễn ra. Mới đây, Đại nhạc hội K-Pop tại Hà Nội với hàng loạt tên tuổi ngôi sao Hàn Quốc, trong đó có diễn viên Ji Chang-wook, cũng bất ngờ hủy diễn.
Làm thế nào để VN trở thành điểm đến của những sự kiện nghệ thuật quốc tế, cũng như có công nghệ biểu diễn chuyên nghiệp... là những vấn đề được đề cập trong hội thảo Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật
tại VN, do Đại sứ quán Đan Mạch, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL) và Công ty Thanh Việt Production (nhà tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa) tổ chức, diễn ra vào ngày 31.10 tại Hà Nội.

Thiếu nhiều thứ để đưa “sao” quốc tế về VN

“Cái thiếu đầu tiên là thiếu sự kết nối với đời sống âm nhạc thế giới, xuất phát từ việc không tôn trọng bản quyền, thị trường âm nhạc cũng chưa phát triển”, nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận. Anh cho hay những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới không bán, không quảng bá được sản phẩm tại VN. “Họ không dành ưu tiên cho những nơi mà họ không có thị trường. Bởi vậy việc mời họ đến càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, do không được ưu tiên, nên nhà tổ chức phải trả giá cao hơn”, nhạc sĩ lý giải.
Trong khi đó, cát sê của các nghệ sĩ thế giới tăng chóng mặt. Chẳng hạn, nhà tổ chức tại Singapore phải chi tới 1,5 triệu USD cho ban nhạc như Red Hot Chilli Pepper trong một đêm diễn, chưa kể tiền tổ chức sản xuất. Từ năm ngoái đến nay, cát sê của nữ ca sĩ người Mỹ Billie Eilish đã tăng gấp nhiều lần. Một nhà tổ chức đã trả tới 10 triệu bảng Anh (khoảng gần 300 tỉ đồng) để mời Billie Eilish. Nhưng cũng có trường hợp, nhà tổ chức có nhà tài trợ “sộp” cũng chưa chắc đã mời được sao quốc tế về biểu diễn. “Có nghệ sĩ yêu cầu phải có khoảng từ 30.000 - 50.000 khán giả mới biểu diễn. Đó cũng là một trong những thứ cản trở nền công nghiệp biểu diễn của VN bởi chúng ta chưa có sân khấu nào có sức chứa như thế”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.
“Chúng ta cần từng bước xây dựng nền công nghiệp âm nhạc với thị trường âm nhạc lành mạnh, hội nhập với đời sống âm nhạc của thế giới mới mong thu hút được những ngôi sao lớn. Bên cạnh đó, những liên hoan âm nhạc cần tạo uy tín, bởi với những nghệ sĩ hàng đầu thế giới, ngay cả khi chúng ta đáp ứng được về mặt tiền bạc đi chăng nữa, thì không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng đến khi những liên hoan đó chưa có kinh nghiệm tổ chức biểu diễn”, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ.

Cần nhận thức về tính chuyên nghiệp

PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN) kể câu chuyện không lấy gì làm vui: Năm 2012, chuyên gia UNESCO đã bối rối khi đánh giá về các ngành công nghiệp văn hóa VN. “Nói VN có các ngành công nghiệp văn hóa cũng đúng mà nói không có cũng đúng. Bởi ngành gì cũng có như thời trang, âm nhạc, cho đến điện ảnh, nhưng lại không có tính chuyên nghiệp”, ông Sơn cho hay.
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt từ năm 2016, đề cập đến việc xây dựng tính chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa. “Một ca sĩ đến muộn chương trình của mình đã cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn ví dụ và cho biết,
để nâng cao tính chuyên nghiệp trong văn hóa, cần có nhận thức của nghệ sĩ, công chúng, nhà quản lý; xây dựng thương hiệu cho các nhóm như nghệ sĩ, các sự kiện, công ty tổ chức, điểm đến, cuối cùng là cần có bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, cho hay VN đang mong muốn xây dựng thương hiệu trong các ngành công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, qua hội thảo, có thể thấy VN còn quá nhiều việc phải làm để trở thành chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp văn hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.