Để tiếng hát lại vang trong hang Én

19/01/2018 06:37 GMT+7

Ở khu di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, bà con Arem hiện không được vào hang Én để bắt chim như ông bà mình trước đây.

Tạm biệt sợi dây đuôi vượn
Câu chuyện thú vị bằng phim dài 20 phút đã được ông Peter Larsen, ĐH Lucerne (Thụy Sĩ) giới thiệu trong nhóm truyền thông di sản UNESCO tại buổi thảo luận bàn tròn Cách tiếp cận di sản mới ở VN do UNESCO tổ chức ở Hà Nội ngày 16.1. Ở đó, ông theo chân một người Arem để trải nghiệm những phong tục tập quán nơi họ sinh sống. Bộ phim Trở lại hang Én này có nhân vật chính là ông Đinh Lâu, một người Arem. Trong suốt bộ phim, ông Đinh Lâu nói nhiều về những cái tên, phong tục, tập quán của dân tộc mình. Ở đó, những ngọn núi, cái hang cũng có cái tên riêng theo ngôn ngữ người Arem đặt, như hang Chut Un Han, vực Ca Tau, khe Dung, khe Trung, khe Thiên. “Người Arem chỉ làm ăn câu cá, không làm rẫy ở đây”, ông Lâu nói. Họ đã ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng này nhiều đời lắm rồi.
Rồi ông Đinh Lâu kể câu chuyện hang Én, có tên theo tiếng Arem là Rục Tuông. Ông cũng vừa kể vừa xoắn sợi dây đuôi vượn. Sợi dây này, khi xoắn lại đúng cách mà người Arem vẫn dạy nhau, sẽ vừa chắc vừa bền. Nếu có phân chim rơi vào lại càng bền hơn. Họ dùng dây này trèo lên hang để bắt chim trong tổ. “Có những lúc người Arem vào đây để lấy con chim. Bây giờ làm du lịch không cho người Arem vào. Cho vào lại thì tốt. Đời mẹ dặn lại hát bài
Thêu con chim trong hang”, ông Lâu nói. Rồi ông cất tiếng hát bài hát về con chim mà nhiều đời nay, người Arem vẫn hát trong hang này.
Theo thông điệp qua phụ đề cuối phim, từ khi các công ty du lịch đưa khách trong và ngoài nước đến hang Én, người Arem không còn được phép tiếp tục những tập tục truyền thống của họ nữa. “Bữa ni người ta cấm rồi, không bắt được… Theo luật là đúng. Mình phải giữ cái luật nhà nước, mình không bắt được chim. Hang Én vẫn còn nhiều chim, bắt cũng không giảm được. Nếu không biết (cách - PV) thì mới giảm chim, còn mình biết đưa rượu đưa gạo thì năm mô hắn (chim - PV) cũng về hết”, ông Đinh Lâu nói.
Để tiếng hát lại vang trong hang Én
Người Arem dùng sợi dây đuôi vượn để leo trèo Ảnh chụp từ phim trở lại hang Én
Cơ chế phân chia lợi ích
Ông Peter Larsen cho biết: “Người ta hay nói khai thác du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhưng người dân ở đó không được khai thác theo phong tục bản địa của họ nữa. Làm thế nào để cân bằng?”. Theo ông Peter Larsen, cần phải thiết lập những quy tắc chung để giải quyết mâu thuẫn này.
Nhà nghiên cứu Nghiêm Hoa, người cùng tham gia nghiên cứu với ông Peter, đặt vấn đề: “Chúng ta cần nhìn thấy lợi ích của người dân không chỉ là lợi ích vật chất, mà là nhìn lợi ích tinh thần của người dân xung quanh, về tâm linh, về tình cảm, về quan điểm. Khi người dân phải đối diện với các công ty tư nhân tới địa bàn của họ làm ăn, thế thì quyền lợi của họ ra sao, quyền lợi của những người làm du lịch ra sao?”.
Ông Peter cho biết, hiện cả tỉnh Quảng Bình đang được hưởng lợi từ du lịch. Tuy nhiên, trong cách quản lý du lịch hiện nay, khu hành chính của Phong Nha - Kẻ Bàng chưa có một cơ chế chia sẻ lợi nhuận rõ ràng, còn hướng dẫn du lịch thì không có người dân tộc thiểu số tham gia. “Du lịch ở Phong Nha - Kẻ Bàng phát triển rất mạnh, nhưng đời sống của dân bản cũng thế thôi. Cần có cơ chế chia sẻ du lịch”, ông Peter nói.
Giữ văn hóa, phát triển du lịch
Theo bà Nghiêm Hoa, hiện tại cộng đồng Arem này có chưa tới 200 người. “Số người muốn trèo lên bắt én và hát bài hát gọi én chỉ 50 người. Hoàn toàn nằm trong sức chịu đựng và có thể cho vào hang bắt én được”, bà Hoa nói.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cũng đồng tình cần chú ý đến lợi ích của cộng đồng bản địa. Ở Ninh Bình đã từng có doanh nghiệp đề nghị Sở cho phép đặt máy chụp ảnh tự động ở cửa hang. “Thế thì mấy trăm thợ ảnh Ninh Bình mất việc. Chúng tôi từ chối để giữ lấy bền vững”, ông Mạnh chia sẻ kinh nghiệm.
Trong khi đó, bà Phạm Thanh Hường, chuyên gia văn hóa của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho rằng cần thúc đẩy bản sắc dân tộc chứ không phải đẩy người bản địa vào thế bị động là chia cho họ một ít tiền. “Nếu khách thích có thể đi cùng với họ, có thể xem dùng sợi dây đuôi vượn để đi vào đó thế nào. Du lịch văn hóa như thế thì thích chứ. Sao ban quản lý không lập đề án kết nối công ty du lịch, hay ưu đãi thuế cho doanh nghiệp du lịch trong gắn kết các hoạt động của người dân, trải nghiệm văn hóa?”, bà Hường gợi mở.
Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, nói: “Chúng tôi có ý tưởng phục dựng và giữ không gian sinh tồn của người bản địa, lưu truyền, truyền dạy, phát triển không gian sinh tồn của họ vì chính họ là chủ nhân di sản. Đưa du lịch vào để góp phần bảo tồn, giữ gìn các lễ hội, cho họ có ý thức bảo vệ, khi có lợi ích thì công tác bảo vệ sẽ tốt hơn”. Ông Trần Vũ Khiêm, Giám đốc Sở VH-TT Quảng Bình, đưa ý kiến: “Có chủ trương bảo tồn văn hóa các dân tộc người thiểu số, trong đó có văn hóa người Arem. Tuy nhiên mới ngang mức bảo tồn văn hóa phi vật thể thôi, còn như cái hang Én - nơi sinh sống trước đây của họ thì chưa có”.
Còn ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cho biết: “Đồng bào dân tộc thiểu số có cách khai thác khác chứ không phải dạng hủy diệt, tận diệt. Tại một số diễn đàn cũng có ý kiến nên chăng mở hơn để cho người dân có quyền được sống chung, tồn tại với rừng. Một số vườn quốc gia ở nước ngoài, người dân sống trong đó được săn bắt theo một quy định, số lượng cụ thể”.
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND H.Bố Trạch, Quảng Bình, thì lại có cách nhìn khác: “Thu nhập từ én có đáng là bao đâu, chỉ là thu nhập thêm thôi, chứ việc không vào lấy cũng không ảnh hưởng lắm đến đời sống của họ. Văn hóa truyền thống nhưng cần phải xem xét cái gì cần bảo tồn thì bảo tồn nhưng có những cái không hợp lý thì cần tuyên truyền vận động xóa bỏ thôi chứ đâu phải mọi cái đều phải bảo tồn. Việc người Arem vào hang Én có cần lưu giữ hay không thì cần phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhưng trước nay chưa có nghiên cứu đánh giá nào”.
Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.