Đề nghị xây công viên Truyện Kiều

09/08/2015 05:48 GMT+7

Khoảng 120 tham luận của các học giả đã được gửi tới hội thảo quốc tế kỷ kiệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Nội ngày 8.8.

Khoảng 120 tham luận của các học giả đã được gửi tới hội thảo quốc tế kỷ kiệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du tại Hà Nội ngày 8.8.

Quách Ngọc Ngoan (trái) vai thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm điện ảnh Long Thành cầm giả ca
Quách Ngọc Ngoan (trái) vai thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm điện ảnh Long Thành cầm giả ca - Ảnh: tư liệu
Đó là tham luận của học giả VN, Trung Quốc, Nga, Nhật, CH Czech, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào… với nội dung chủ yếu liên quan đến Truyện Kiều - kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du. Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, đến nay đã có hơn 30 bản dịch Truyện Kiều ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau.
Vượt xa tác phẩm gốc
Một vấn đề được nhiều người mổ xẻ tại hội thảo là sự vượt trội của Truyện Kiều so với tác phẩm gốc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Theo GS Triệu Ngọc Lan (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc), Truyện Kiều đã cho thấy sức sống mạnh mẽ từ thổ nhưỡng của văn hóa dân tộc VN. Chính nhờ đó, tác phẩm đã có một tầm vóc lớn. Trong khi đó, dù đã được truyền bá sang Hàn Quốc, Nhật Bản song Kim Vân Kiều truyện vẫn chỉ giống các câu chuyện có đề tài hay kiểu sáng tác về tài tử giai nhân khác.
Nhà nghiên cứu Nhật Bản Kawaguchi Kenichi cũng so sánh Truyện Kiều với một tác phẩm khác của Nhật Bản - Kim Ngư truyện. Tác phẩm này phần lớn được phỏng theo bản dịch Thông tục Kim Kiều truyện của Nishida Korenori. Nó được xây dựng chặt chẽ, có những nét đặc trưng của phong cách Nhật Bản. Nói cách khác, Truyện KiềuKim Ngư truyện là hai tác phẩm có cùng chung bản gốc. “Truyện Kiều được diễn âm, trong đó Nguyễn Du dùng nhiều điển cố, nên độc giả thấy hay và sâu sắc. Đặc biệt, thể lục bát tạo ra hiệu quả rất lớn về mặt tình cảm thẩm mỹ đối với độc giả… Nhưng độc giả hiện nay thấy nội dung tác phẩm Kim Ngư truyện không sâu sắc như tác phẩm của Nguyễn Du”, nhà nghiên cứu đánh giá.
Giao lưu quốc tế
Những câu chuyện về dịch Truyện Kiều sang nhiều thứ tiếng khác nhau cũng được kể tại hội thảo. TS Trương Hồng Quang nói về dự án Truyện Kiều song ngữ Đức Việt. TS Nguyễn Huy Hoàng giới thiệu về tình hình dạy Truyện Kiều tại Liên bang Nga và việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga. Ở đó, Truyện Kiều là trọng tâm trong chương trình giảng dạy và văn học VN trong các khoa tiếng Việt. Dự án còn đang được thực hiện ở Czech của nhà nghiên cứu Jan Komárek…
Một giao lưu khác là giao lưu Truyện Kiều với những giá trị Tây học. Nhà nghiên cứu Phùng Kiên đã khảo sát phong trào bình và vịnh Kiều trên một tờ báo tiên phong tôn vinh giá trị phụ nữ là Phụ nữ tân văn. Trong số 16 bài vịnh Kiều thì có đến 14 bài chê Kiều với những diễn đạt kiểu “Cụ Nguyễn Du, tôi tiếc cho tài năng của cụ, mà tôi chê cái đạo lý của cụ”. Nó cho thấy nghịch lý - phần lớn độc giả của tờ báo ủng hộ quyền phụ nữ ấy lại không chấp nhận sự giải phóng cá tính của Kiều. “Truyện Kiều và giá trị của nó được nhận thức bởi những con người mới chứ không phải bởi những đại diện truyền thống. Có lẽ đó là một giá trị lớn nhất mà Truyện Kiều đã mang lại cho văn hóa VN. Nó cũng có ý nghĩa khi nghiên cứu xã hội nhân văn ở VN”, ông Kiên cho biết.
Công viên Truyện Kiều
Bên cạnh nhiều phân tích về tái tạo Truyện Kiều qua âm nhạc, ballet, opera, điện ảnh, có ý kiến đề nghị xây dựng công viên Truyện Kiều. Nó giúp đưa tác phẩm này tới gần công chúng trẻ hơn.
Theo Th.S Lư Thị Thanh Lê (Khoa Văn học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), điều này giống như việc trên thế giới có nhiều công viên giải trí theo chủ đề (theme park) lấy cảm hứng từ một tác giả hay một tác phẩm nghệ thuật đã quen thuộc. Chẳng hạn Tây Ban Nha có Bảo tàng Don Quixote dựa trên tác phẩm cùng tên, Trung Quốc có Bảo tàng Hồng Lâu Mộng, Bảo tàng Tây Du Ký. Thổ Nhĩ Kỳ có Bảo tàng Ngây thơ… Theo Th.S Lê, Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật thơ mà còn là tác phẩm giàu tính nhạc họa. Thêm vào đó, các nghệ thuật trình diễn được gợi cảm hứng từ Truyện Kiều rất đa dạng. Chẳng hạn nghệ thuật lảy Kiều, cải lương Truyện Kiều, hợp xướng Truyện Kiều, ballet Kiều...
“Việc tái tạo không gian này sẽ cần huy động các nghệ sĩ chuyên nghiệp tới biểu diễn thường xuyên, có quá trình đào tạo một lớp nghệ sĩ biểu diễn từ nguồn nhân lực của địa phương”, Th.S Lê phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.