Đề cử thêm 16 di sản ký ức thế giới

18/05/2016 19:51 GMT+7

Ngày 18.5, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), Hội nghị Toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) đã khai mạc.

Dự hội nghị có 66 đại biểu quốc tế đến từ 16 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và khoảng 40 đại biểu từ các ban ngành trung ương, địa phương...
Nội dung hội nghị gồm đánh giá các chương trình hoạt động được thông qua tại Hội nghị Toàn thể trước đó; giới thiệu và hướng dẫn thực hiện khuyến nghị của UNESCO về di sản tư liệu; xem xét lại bộ Hướng dẫn về Chương trình Ký ức thế giới và Bảo vệ Di sản tư liệu; bàn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời lựa chọn, công bố những bộ sưu tập tài liệu tiêu biểu, có giá trị và ý nghĩa lịch sử, phù hợp với các tiêu chí đã đề ra vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của châu Á - Thái Bình Dương.
Thơ và đại tự tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) Ảnh: Lê Công Doanh
Hội nghị lần này sẽ xem xét 16 hồ sơ của 10 nước đệ trình đăng ký công nhận là Di sản tư liệu chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương để công nhận năm 2016 (Trung Quốc, gồm cả Hồng Kông và Macao, có 4 hồ sơ; Việt Nam có 2 hồ sơ; Hàn Quốc có 2 hồ sơ; Malaysia có 2 hồ sơ; các nước Uzbekistan, Nhật Bản, Singapore, Iran, Myanmar và Mông Cổ, mỗi nước có 1 hồ sơ). Hai hồ sơ của Việt Nam gồm Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh).
Theo ông Phạm Thanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam, lưu giữ trong mình nhiều ký ức quý báu của đất nước. Trong đó có hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, được đề cử danh mục Di sản tư liệu thuộc chương trình MOWCAP. Còn Mộc bản Trường học Phúc Giang là tư liệu quý duy nhất của một dòng họ ở Việt Nam lưu trữ và bảo quản. Nó thể hiện tư tưởng của UNESCO về việc cần thiết xây dựng một xã hội học tập và đào tạo con người có đức có tài.
Toàn cảnh hội nghị Ảnh: Tuyết Khoa
Hội nghị sẽ công bố kết quả vào phiên bế mạc sáng 20.5. Trong khuôn khổ của hội nghị lần này còn diễn ra hội thảo Khuyến nghị về việc bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu dưới dạng số vào chiều 20.5.
Phát biểu tại hội nghị, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Sau gần 40 năm trở thành thành viên chính thức của UNESCO, Việt Nam đã có 8 di sản vật thể, 10 di sản văn hóa phi vật thể, 4 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Ở trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 72 di tích quốc gia đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 3.308 di tích cấp quốc gia và đưa 162 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục quốc gia. Đó là chưa kể gần 10.000 di sản văn hóa cấp tỉnh, thành phố đã được các địa phương xếp hạng và sau 6 năm triển khai, trên 4 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Điều đó cho thấy dù là một quốc gia đang phát triển, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam luôn nỗ lực hết mình để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của đất nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.