Dấu xưa Đồng Tháp Mười: Truyền thuyết mộ Đốc binh Kiều

Đền thờ Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều được xếp hạng di tích quốc gia nằm trong quần thể khu di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp).

Đền thờ Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều được xếp hạng di tích quốc gia nằm trong quần thể khu di tích Gò Tháp (tỉnh Đồng Tháp).

Đền thờ hai vị anh hùng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều - Ảnh: Hoàng PhươngĐền thờ hai vị anh hùng Thiên hộ Dương và Đốc binh Kiều - Ảnh: Hoàng Phương
Đền thờ được xây vào năm 1958 thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, đến năm 1993 được sửa chữa lại và thờ thêm Thiên hộ Võ Duy Dương.
Theo tư liệu lịch sử tỉnh Đồng Tháp, tháng 10.1866, sau khi căn cứ Tháp Mười thất bại, Thiên hộ Dương dâng sớ lên triều đình cho rút về miền Trung, nhưng khi thuyền của ông ra đến cửa biển Thần Mẫu (Cần Giờ) thì bị cướp biển giết chết. Riêng vị phó tướng tài ba của ông là Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều bị thương rồi hy sinh.
Ly kỳ chuyện xác định mộ thật
Nơi an nghỉ cuối cùng của vị đốc binh huyền thoại này đã có nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu lịch sử. Địa chí Đồng Tháp ghi chép, trước sự tấn công ồ ạt của giặc, Đốc binh Kiều điều động nghĩa quân chống trả quyết liệt, đến chiều giặc rút lui. Khi ông trèo lên đài quan sát theo dõi cuộc thoái binh của giặc thì chẳng may bị thương. Mấy ngày sau khi hay tin đại đồn thất thủ, ông uất mà chết. Lại có ý kiến cho rằng sau khi bị thương ông được chở về quê nhà ở xã Long Hưng (nay thuộc H.Châu Thành, Tiền Giang) điều trị rồi mất ở đó.
Ở Gò Tháp Mười, truyền thuyết và giai thoại nở rộ xung quanh địa danh, nhân vật, sự kiện lịch sử gắn chặt tên tuổi Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều, Thống Linh, Phòng Biểu... Người dân có thể kể vanh vách chuyện ông “quan lớn” tập hợp hàng chục chủ trâu gom hàng trăm con trâu rồi huấn luyện cho chúng: một tiếng mõ trâu nằm, hai tiếng mõ đứng dậy, ba tiếng mõ xung phong càn quét vào đội hình giặc, giặc bắn không xuể, bỏ chạy...
Đốc binh Kiều là vị thần được tôn sùng và có ảnh hưởng đối với dân nhất. Dân ở đây gọi ông là “tổng đốc” hoặc “quan lớn thượng”. Lễ hội cúng giỗ, múa hát cũng có bài nói về Đốc binh Kiều. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì việc thờ cúng Đốc binh Kiều là dạng tín ngưỡng theo quan niệm “sinh vi tướng tử vi thần”.
Theo lời kể của dân địa phương, sau khi ngài đốc binh mất, để tránh tai mắt của giặc nên người ta đã làm rất nhiều ngôi mộ, không biết mộ nào giả, thật. Năm nọ, vào tháng 3 âm lịch, là mùa tát đìa, người ta dùng trâu vận chuyển cá từ ngoài đồng về. Bất chợt có một con trâu mài sừng dưới gốc cây sao, tự dưng bị mắc kẹt sừng dưới gốc cây không kéo lên được. Người dân xúm lại kéo trâu lên nhưng cũng không được. Bỗng có một bô lão không biết từ đâu mách rằng đây là vùng đất thiêng nên phải bày mâm cỗ cúng vái. Sau khi cúng vái xong thì con trâu tự nhiên rút sừng lên được. Người ta thấy trên sừng trâu có dính một miếng gỗ trai khắc tên Đốc binh Kiều. Từ đó người dân cho rằng nơi đây là mộ thật của ngài rồi tiến hành đắp mộ tu sửa.
Một dị bản khác kể rằng, vào một mùa tát đìa trước năm 1940, một tay chuyên đấu thầu đìa cá thu được số lượng cá rất lớn. Cho rằng trời đất đã phù hộ mình trong việc làm ăn, nên trước khi rời Tháp Mười, ông ta tổ chức cúng tế tạ ơn rất trọng thể, có mời bà bóng đến múa. Lúc mọi người mải mê xem bóng múa, bỗng một cậu bé chừng 14 tuổi lột phăng áo ra bịt đầu chạy lên sạp tát cho bà này mấy cái nảy lửa rồi quát: “Ta không ưa cái trò đồng bóng này, dẹp hết ngay, nếu không ta vặn họng hết bây giờ”.
Tay thầu đìa không biết chuyện gì xảy ra, nhưng thấy cậu bé mặt mày đỏ gay, thái độ dữ dội, liền sụp xuống lạy. Cậu bé ấy phán rằng, ta là quan Đốc binh Kiều, mộ ta ở phía sau chỗ này. Hát bội còn làm cho ta thấy thích thú, chớ cái trò múa may quay cuồng này làm ta rối mắt quá. Nói xong, cậu bé ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự, mồ hôi vã ra như tắm. Theo sự chỉ dẫn từ cậu bé ấy, người dân Gò Tháp vun đất chất đá thành một nấm mồ và dựng một mái che bằng tre lá để tưởng niệm. Địa điểm ấy là vị trí của ngôi mộ và đền thờ Đốc binh Kiều hiện nay.
Anh Võ Tấn Nghĩa (Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp) cho biết ngôi mộ theo huyền thoại đó đã được dân trong vùng đắp khoảng năm 1946 - 1947. Sau năm 1954, ngôi mộ được xây dựng lại bằng gạch, cũng là vị trí ngôi mộ từ đó đến giờ.
Một đền thờ hai vị tướng
Sau năm 1955, đền thờ Đốc binh Kiều được sửa sang, nhưng do chiến tranh nên đến sau năm 1975 vẫn còn khá đơn sơ, lợp ngói. Năm 1993, sức hút của lễ hội khiến du khách tới đền thờ Đốc binh Kiều rất đông. Thế là một ngôi đền quy mô hơn được xây dựng thờ cả hai vị Đốc binh Kiều và Thiên hộ Dương.
Trước đây lễ hội Đốc binh Kiều và Thiên hộ Dương được tổ chức vào ngày 14 - 15.11 âm lịch. Thời gian sau này, có lẽ xuất phát từ quan niệm “cúng bà phải kiến ông” nên vào ngày lễ hội Bà Chúa Xứ rằm tháng 3 âm lịch, người dân và khách thập phương cũng tổ chức lễ cúng hai ngài.
Hiện nay đền thờ Thiên hộ Dương đang được xây dựng rất quy mô nhằm tách ra 2 cơ sở tín ngưỡng. Tỉnh Đồng Tháp cũng đang có kế hoạch tổ chức hội thảo, bàn việc tách ra 2 lễ hội thiên hộ và đốc binh, sau khi xây dựng xong đền thờ Thiên hộ Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.