Đầu tư quảng bá văn học Việt Nam

24/11/2017 07:56 GMT+7

Ngày 23.11 tại TP.HCM, hội thảo quốc tế Triển vọng giao lưu văn học VN - Hàn Quốc do Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Lưu niệm Dongni-Mogwol tổ chức với nhiều tham luận bàn về các vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhận xét: “Từ năm 2000 đến nay tình hình xuất bản của VN có những thay đổi lớn, vì thế việc chọn, dịch và xuất bản các tác phẩm văn học ở nước ngoài cũng có những biến chuyển.
Trung Quốc bắt đầu dịch các tác phẩm văn học VN đương đại như: Tuyển truyện ngắn VN, Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh). Mỹ, Pháp, Nhật, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nga, Úc, Colombia, Ba Lan, Hungary, Ireland… đều lần lượt giới thiệu văn học đương đại VN bằng nhiều hình thức, trong đó có thể nói Mỹ, Pháp, Hàn Quốc là những nước dịch và xuất bản văn học VN nhiều hơn cả”.
Hội thảo ghi nhận hiện nay Hàn Quốc là một trong những nền văn học được bạn đọc VN đón đọc nhiều. Cũng theo ông Thiều: “Hàn Quốc là một ví dụ sống động trong việc truyền bá văn học ra thế giới. Nhà nước chính là người đặt hàng các trung tâm dịch văn học để thực thi việc này, bên cạnh đó là những tập đoàn kinh tế, truyền thông và những quỹ văn hóa, văn học nghệ thuật cũng chung tay hỗ trợ. Còn nước ta, hiện nay chính sách dành cho việc truyền bá văn học ra nước ngoài vô cùng hạn chế bởi chưa có cách nhìn đúng về sứ mệnh của văn học. Nên biết, ở con người, văn hóa là lớn nhất nhưng lại tốn ít tiền nhất để dân tộc này xích lại gần dân tộc kia”.
Nhà biên kịch Jeong Young-uk thì lấy làm tiếc về việc các vở diễn nói về VN xuất hiện còn quá ít trên sân khấu xứ sở kim chi: “Chúng tôi đang và sẽ cố gắng sáng tác nhiều tác phẩm kịch hơn để gắn kết và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc”. Tuy nhiên, tất cả chỉ là sự “tự thân vận động” của chính cá nhân nhà văn và dịch giả.
Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Phạm Sỹ Sáu cho biết: “Tại Hàn Quốc, nhà nước có hẳn chính sách đầu tư chiến lược cho văn học rất bài bản. Họ có cả trung tâm dịch thuật để giới thiệu sách ra nước ngoài và thường xuyên tài trợ cho các nước để dịch, góp phần quảng bá văn hóa cho họ. Nếu điện ảnh làm được bề nổi thì muốn cảm nhận sâu sắc về Hàn Quốc vẫn phải thông qua văn học. Hàn Quốc xác định rõ ràng: khi kinh tế có điều kiện, muốn phát triển vĩnh cửu phải được đặt trên nền tảng của giá trị văn hóa bền vững nên họ bỏ tiền ra dữ lắm”.
Bà Trầm Hương, Trưởng ban Sáng tác và quảng bá tác phẩm (Hội Nhà văn TP.HCM), đề nghị: “Mỗi nhà văn hãy là một “đại sứ” văn hóa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.