Dầu tràm & phân bò

27/04/2012 08:11 GMT+7

(TNTS) Mình nhận được email của một người anh học cùng Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch, trước mình mấy khóa, viết: “Những chuyện Lập kể trong Thầy trò một thuở thật cảm động. Lập nói đúng đấy, chúng ta có niềm tự hào ứa nước mắt. Bây giờ nghĩ lại không hiểu vì sao khổ như thế. Khổ vì bom đạn thì đã đành, nhưng có những cái khổ không đáng khổ, ví dụ cái thời vừa học vừa làm của anh em mình, thời “phân bò và dầu tràm” ấy mà. Nào có ai bắt mình phải vừa học vừa làm đâu nhỉ? Anh nhớ là không ai bắt chúng ta cả, đúng không?”.

(TNTS) Mình nhận được email của một người anh học cùng Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch, trước mình mấy khóa, viết: “Những chuyện Lập kể trong Thầy trò một thuở thật cảm động. Lập nói đúng đấy, chúng ta có niềm tự hào ứa nước mắt. Bây giờ nghĩ lại không hiểu vì sao khổ như thế. Khổ vì bom đạn thì đã đành, nhưng có những cái khổ không đáng khổ, ví dụ cái thời vừa học vừa làm của anh em mình, thời “phân bò và dầu tràm” ấy mà. Nào có ai bắt mình phải vừa học vừa làm đâu nhỉ? Anh nhớ là không ai bắt chúng ta cả, đúng không?”.

Mình chẳng biết nói sao với anh ấy cả. Mỗi thời có lý lẽ riêng của nó. Thời đó học và hành được hiểu là học tập và lao động, học sinh cấp 3 mà không biết lao động, lười lao động là quân tiểu tư sản, thuộc tầng lớp ăn bám xã hội. Hơn nữa khi đó Bắc - Nam chia cắt, khẩu hiệu “Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” đốt cháy hết thảy tâm can mọi người, từ con nít đến người lớn. Có ai hô hào làm việc gì đó để “góp phần giải phóng miền Nam” là háo hức làm ngay.

Năm mình học lớp 4, thầy hiệu trưởng phát động phong trào “Hũ gạo chống Mỹ”, mỗi ngày bớt một nắm gạo gửi vào chiến trường cho bộ đội ăn no thắng Mỹ. Tất cả học sinh đều tự giác thực hiện rất nghiêm túc. Nhà mình còn có một nắm gạo bỏ vào hũ chứ nhà thằng Xuân chỉ có một nắm gạo nấu cháo cho cả nhà, nó vẫn bỏ nắm gạo ấy vào hũ. Cả nhà nó chấp nhận ăn khoai sắn “để dành gạo gửi ra chiến trường”. Cứ cuối tháng học sinh lại ôm hũ gạo ấy đến trường, khoe gạo của nhau, cãi nhau ỏm tỏi, nói gạo tao ngon hơn - gạo mi mà ngon - gạo mậu dịch không ngon thì gạo mô ngon - ê ê ngu ngu, gạo mậu dịch mà ngon.

 
Ảnh: Nam Phương

Mặc kệ chúng nó nói, mình vẫn tin gạo mậu dịch của mình là ngon nhất. Hũ gạo của mình ghi dòng chữ bằng vôi trắng: Hũ gạo chống Mỹ của em Nguyễn Quang Lập, học sinh lớp 4c... Mình tưởng tượng các chú bộ đội ôm hũ gạo của mình đổ vào nồi, tấm tắc khen gạo của em Nguyễn Quang Lập lớp 4c rất ngon, tự nhiên mình sướng rêm, tự hào kinh khủng. He he.

Bây giờ nhớ lại mới giật mình đặt câu hỏi: chẳng biết “Hũ gạo chống Mỹ” của  tụi mình có ra được chiến trường không, hay là ở lại trong kho ông chủ nhiệm hợp tác? Là nghĩ vậy thôi chứ tụi mình không hề ân hận gì về những việc đã làm. Dù gạo có chạy đi lối nào thì niềm tự hào ấy vẫn không thay đổi, chỉ cần mình hoàn thành nghĩa vụ của một người yêu nước là quá đủ, không cần phải nghĩ ngợi gì nhiều.

Dài dòng như vậy để nói không phải thầy trò trường mình điên khùng, tự dưng ách giữa đàng muốn quàng vô cổ, không ai bắt sản xuất cũng lao đầu vào sản xuất. Chỉ vì khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” lúc đó quá đỗi thiêng liêng, được góp phần cho bộ đội ăn no thắng Mỹ là công việc quá lớn lao, không thể thoái thác.

Ngày đó trường mình chia làm ba đội: đội trồng trọt, đội chăn nuôi và đội công nghiệp. Lớp mình lúc đầu thuộc đội trồng trọt, sau chuyển sang đội công nghiệp. Gọi công nghiệp cho oách, kỳ thực là nấu dầu tràm. Không biết ai đã sáng chế ra cái nồi nấu dầu tràm to cao như đống rơm, chắc là các thầy bên tổ tự nhiên. Nấu dầu tràm na ná như nấu rượu. Đại khái bứt lá tràm về cho vào nồi, đun thật sôi, hơi dầu bốc lên đi qua ống lọc dẫn đến bể làm lạnh, dầu hóa lỏng chảy vào chai, xong. Một nồi tràm to đùng thế kia cũng chỉ thu được đôi ba chai dầu thôi, nhưng mà háo hức lắm. Mỗi tháng được chừng 50 chục chai dầu tinh lọc, mỗi chai rót vào hai chục lọ nhỏ, vậy là có cả nghìn lọ dầu gửi ra chiến trường, sướng rêm.

Các lớp thay nhau nấu suốt ngày đêm, mỗi ngày đêm nấu được 3 nồi, mỗi nồi mất chừng hơn ba tạ lá tràm, cả tấn lá tràm một ngày đêm, một tháng ngốn chừng 30 tấn lá tràm. Bãi tràm sau trường bát ngát mênh mông là thế, chỉ vài tháng bị cắt sạch. Lúc đầu quy định mỗi đứa một tuần 30 cân lá tràm thấy nhẹ hều. Ra bãi tràm cắt chừng một giờ là đầy gánh. Sau, khi bãi tràm sau trường bị cắt sạch, tụi mình phải đi xa hơn, có khi đi ra tận Quảng Tùng, Quảng Xuân, suốt ngày kiếm không  đủ một gánh tràm. Khi đó lũ “nhất quỷ nhì ma” tha hồ trổ tài tháu cáy nhằm tăng cân gánh tràm. Đứa nhúng nước, đứa ngâm bùn, đứa lót gạch vào giữa gánh, hết thảy đều bị lật tẩy. Đứa nào đứa nấy méo mặt, đi học chẳng lo thiếu điểm, chỉ lo gánh tràm thiếu cân.

Một hôm mình phát hiện ra một bãi tràm rất tốt chừng ba bốn chục gánh, mừng như cha chết sống lại. Sợ chúng nó phát hiện được cắt hết, mình liền làm cái biển gỗ: “Khu vực có bom từ trường, cấm vào”, đóng cọc cắm lên đấy. Từ đó cứ đến ngày thứ năm (phiên nộp lá tràm của lớp mình) mình túc tắc quảy gánh ra, cắt một gánh đầy, khỏe re. Chúng nó thấy mình cắt được tràm tốt, đi về rất nhanh, ngạc nhiên lắm, phục mình sát đất. Nhiều đứa năn nỉ hỏi mình cắt ở đâu. Tất nhiên mặt mình vênh lên, nói thiên cơ bất khả lộ.  Được vài tuần, một hôm mình quảy gánh đi ra thì bãi tràm đã bị cắt sạch. Cái biển của mình bị xóa đi, đứa nào đó viết đè lên:  Tổ bọ thằng Lập!”. Tức chết được, hi hi.

Kiếm lá tràm còn dễ hơn kiếm phân trâu bò (gọi tắt phân bò cho gọn). Ở đội trồng trọt, cày cuốc cấy gặt không sợ, sợ nhất là việc nhặt phân bò. Quy định mỗi tuần một đứa phải nộp 30 cân thôi, nhưng trâu bò ba xã quanh trường chắc không đủ ngàn con mà ngày nào cũng có cả ngàn đứa quảy gánh ra đồng nhặt phân bò, kiếm đâu ra? Khắp cánh đồng ba xã ngày ấy ở đâu cũng thấy học sinh cấp 3 quảy gánh lượn lờ quanh các đàn trâu bò. Hễ thấy con nào cong đuôi, cả chục đứa bưng rổ chạy đến tranh nhau hứng, cãi nhau chí chóe, nói tau thấy trước tau thấy trước - ê ê đừng có gian, tau thấy trước không phải mi. Lắm khi mất bạn mất bè vì một bãi phân bò.

Nhưng tình yêu cũng nảy nở từ phân bò, hi hi. Con trai thường tinh nhanh hơn con gái, nhiều đứa nhặt phân bò nhanh như chớp, chỉ cần hy sinh một bãi phân bò đôi khi cũng lấy được cảm tình của các “em”. Các “em” cũng khôn lắm, thấy chú nào hăm hở xăm xăm đi tới nơi có phân là các “em” đã kêu to, nói ê ê của em của em, em thấy trước. Chú cười cái xoẹt, vội tránh ra cho người đẹp dù biết thừa người đẹp chẳng hề thấy cái “của em” nằm ở đâu. Có chú đã nhặt phân bỏ vào gánh rồi, nghe các “em” nũng nịu, nói của em... của em mừ, đành ngậm bồ hòn “nôn” ra cho người đẹp.

Mất bãi phân bò nhưng được các “em” nhoẻn miệng cười, ném cho cái liếc, thật sướng củ tỉ. Hy sinh phân bò cho các “em”, được các “em” ném cho mấy nụ cười, mấy cái liếc thế là quá hạnh phúc rồi, không dám mơ tưởng gì thêm nữa.

Thằng Cảnh mê gái đẹp nhất hạng, trong lớp chục “em” nó mê 5 em, lại còn mê tràn sang các “em” lớp khác, mê nhất là “em” Thuận lớp 8E xinh nhất trường. Nó làm thơ tặng các em trong lớp: Ước gì anh hóa phân bò/ để em nhặt lấy nộp cho thầy Hiền. Mình chê dở, sửa lại thơ cho nó: Ước gì anh hóa phân bò/để em nhặt lấy ủ cho thật nồng. Thằng Cảnh gật gù khen hay, nó chép lại tặng cho con Thuận. Chẳng dè con Thuận khóc như cha chết, nói anh Cảnh khinh em, coi em không bằng cục cứt. Thằng Cảnh hãi quá, cầu cứu mình. Mình bèn trổ tài đấu hót, nỉ non với con Thuận về “giá trị thiêng liêng của phân bò” suốt buổi chiều nó mới hết giận. Từ đó nảy nòi ra “thơ ca trường phái phân bò”, đứa làm thơ, đứa “ phổ” nhạc loạn cả lên. Sáng sáng chủ nhật, đàn con trai quảy gánh ra đồng, vừa đi vừa hát rống lên bài hát nhại theo bài Cung đàn mùa xuân: Em ơi tới đây nhặt phân bò. Kìa bò đã cong đuôi, trâu cày đang dạng háng ơ hơ...

Thằng Thái Bình lớp 8A mê con Châu lớp mình, một hôm nó đứng cửa sổ ném thơ cho con Châu, chẳng may trúng đầu mình. Mình giở ra đọc oang oang: “Châu ơi giấc mơ học trò/đêm nào cũng thấy phân bò và em”.

Hi hi, có lẽ đó là câu thơ hay nhất thời phân bò và dầu tràm. 

Nguyễn Quang Lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.