Dấu tích móng đá ở phía đông điện Kính Thiên

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
17/05/2019 06:27 GMT+7

Ngày 16.5, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Viện Khảo cổ học thông báo kết quả khai quật năm 2018 tại khu vực phía đông điện Kính Thiên (khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội).

Theo đó, nét mới nổi bật tại hố đào 2018 là cấu trúc hồ/ao có hình dạng khá phức tạp và dấu tích móng đá khoảng thời Lê Trung hưng. Điều đó, theo các nhà khoa học, sẽ góp phần thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên.
Theo báo cáo, cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hóa dày gần 6,5 m với các lớp văn hóa có niên đại khoảng từ thời Đại La, qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn tới thời hiện đại.
Về di tích, cuộc khai quật đã làm xuất lộ một số dấu tích kiến trúc thuộc các thời Lý, Trần, Lê sơ và Lê Trung hưng. Các dấu tích kiến trúc này đã bị phá hủy phần lớn bởi một ngòi nước sâu, có móng kè đá, tường gạch vồ quy mô rất lớn và kiên cố niên đại khoảng thế kỷ 17 - 18. Năm nay, hố khai quật còn xuất lộ dấu tích chân móng kiến trúc xây bằng đá, hiện chưa rõ chức năng nhưng rất kiên cố cho thấy vị trí quan trọng của khu vực Kính Thiên.
Di vật đã tìm thấy nhiều loại hình khác nhau gồm đồ đất nung, đồ gốm, cấu kiện gỗ, đồ kim loại. Trong đó, số lượng lớn là gạch ngói, đặc sắc nhất là nhóm gạch ngói và vật liệu trang trí lợp mái cung điện có tráng men vàng (hoàng lưu ly) và men xanh (thanh lưu ly) thuộc thời Lê sơ.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, phát hiện khảo cổ học lần này cho thấy tầm quan trọng và giá trị to lớn của khu di tích điện Kính Thiên. Nó cũng góp phần tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực đông bắc chính điện Kính Thiên và góp thêm tư liệu mới để phục vụ dự án nghiên cứu, khôi phục điện này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.