Đấu giá tranh Việt kiểu... ta

05/01/2017 06:24 GMT+7

Phiên đấu giá nghệ thuật đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5.2016. Sau đó, hàng loạt các phiên đấu giá nghệ thuật bắt đầu “nở rộ”.

Tuy nhiên, để các sàn đấu giá VN trở nên chuyên nghiệp, trở thành điểm đến của các nhà sưu tầm lớn trên thế giới, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra.
Tiềm năng thu hút “khách Tây”
Chỉ trong tháng 12 vừa qua, có đến 3 phiên đấu giá được giới nghệ thuật đặc biệt chú ý: phiên đấu giá các tác phẩm của các danh họa nổi tiếng VN, Indonesia - trong đó có họa sĩ Lê Phổ (VN) và Affandi (Indonesia) - tại TP.HCM; phiên đấu giá Giáng sinh hội tụ, trong đó có tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân; phiên đấu giá các tác phẩm của các họa sĩ xưa như Dương Bích Liên, Công Văn Trung, Trọng Kiệm... tại Hà Nội. Trong một số phiên đấu giá, nhà sưu tầm nước ngoài đã tìm đến để mua tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ VN.
Trong phiên đấu giá của Nhà đấu giá Chọn, diễn ra tại không gian của Chọn Gallery, vừa diễn ra tại Hà Nội, có 5 tác phẩm được đưa ra đấu giá: tác phẩm Tình mẫu tử của nhà điêu khắc Nguyễn Hiếu (sinh năm 1916, hiện chưa rõ năm mất, thuộc thế hệ nhà điêu khắc cổ điển, học khóa 1 tại Trường Mỹ nghệ thực hành thành lập năm 1938 tại Hà Nội), bức sơn dầu Thiếu nữ của họa sĩ Trọng Kiệm (1930 - 1991) sáng tác năm 1962, bức sơn dầu Nàng thơ của họa sĩ Nguyễn Dung (1912 - 1987) sáng tác vào năm 1968, bức ký họa Tết mới của họa sĩ Dương Bích Liên (1924 - 1988) sáng tác năm 1987, bức ký họa chì Bình dân học vụ của họa sĩ Công Văn Trung (1907 - 2003, họa sinh khóa 1 Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) vẽ năm 1967. Trong số các nhà sưu tầm, chơi tranh tham gia phiên đấu giá, có 1 người đến từ Nhật Bản và 1 người đến từ Pháp. Vào cuối phiên, nhà sưu tầm người Pháp đã mua tác phẩm của họa sĩ Công Văn Trung và Nguyễn Hiếu, trong đó tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Hiếu được mua với giá 16.000 USD (khoảng 370 triệu đồng), vượt giá khởi điểm 4.000 USD.
Đấu giá tranh Việt kiểu... ta 1
Tác phẩm Tình mẫu tử của nhà điêu khắc Nguyễn Hiếu
“Không phải người nước ngoài không quan tâm tới mỹ thuật VN đâu mà họ rất quan tâm là đằng khác. Trước đây, họ chủ yếu tìm đến các gallery, hoặc tìm gặp trực tiếp các họa sĩ để mua tác phẩm”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Chọn Gallery, chia sẻ. Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc dự án Viet Art Space, một trong những thành viên Tổ chức Nhà đấu giá Chọn, cho biết: “Chúng tôi có những đối tác lâu năm trong và ngoài nước. Nên khi chúng tôi vừa công bố thông tin, qua những đối tác này, các nhà sưu tầm, mua tranh nước ngoài đã chủ động tìm đến”.
Phiên đấu giá tại Chọn Gallery đã cho thấy tiềm năng thu hút “khách Tây” tại sàn đấu giá nghệ thuật trong nước. Tuy nhiên, để các sàn đấu giá VN trở nên chuyên nghiệp, trở thành điểm đến của các nhà sưu tầm lớn trên thế giới, vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra.


Ở ta, hầu hết vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, người cầm trịch cũng không có nghề nên phòng đấu giá thường lạnh ngắt, ỉu xìu, giá trả cho tác phẩm cũng không cao


Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo


Đấu thắng rồi… biến
Tại phiên đấu giá đầu tiên (5.2016), người thắng đấu giá cặp chóe hơn 6 tỉ đồng sau đó đã… xù mất. Trong phiên đấu giá các tác phẩm mỹ thuật vừa diễn ra, nhiều nhà sưu tầm đã bỏ về vì thất vọng trước cách tổ chức nhộn nhạo, chỉ định giá cho người đấu giá…
“Các sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật VN là tin mừng nhưng liền sau đó là mức độ chuyên nghiệp không đồng đều. Các sàn đấu giá uy tín phải chuyên nghiệp trong quy trình từ giới thiệu tác phẩm cho đến chỗ tìm người mua, rồi đến tổ chức bán đấu giá. Khi tổ chức bán đấu giá, người cầm búa phải làm sao để sàn đấu giá ấy được hâm nóng lên, người đấu giơ tay và tăng giá liên tục. Còn ở ta, hầu hết vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, người cầm trịch cũng không có nghề nên phòng đấu giá thường lạnh ngắt, ỉu xìu, giá trả cho tác phẩm cũng không cao”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo nhìn nhận.
Họa sĩ Bùi Hoài Mai cho biết anh đã rất “choáng” khi tới một gallery nằm giữa trung tâm Hà Nội và bắt gặp bức tranh “nhái” tác phẩm của mình. “Chính tình trạng tranh giả đang tràn lan tại VN đã khiến chúng ta mất uy tín với nhiều nhà sưu tầm tranh nước ngoài”, họa sĩ Bùi Hoài Mai nhìn nhận. Không chỉ vậy, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, không ít lần sàn đấu giá nước ngoài cũng bán phải tranh giả của họa sĩ VN. “Các sàn đấu giá VN cần tăng sự chuyên nghiệp, uy tín, hợp tác với các sàn đấu uy tín quốc tế cũng là một cách tránh tình trạng tranh giả của họa sĩ VN bị đem đi đấu giá như vậy”, ông Bảo bày tỏ. Nhưng để làm được việc này, chính các sàn đấu giá trong nước cũng phải tạo được uy tín trong khâu thẩm định đầu vào của tác phẩm đấu giá.
Tiếp thị sản phẩm văn hóa
Trên thế giới và ngay cả các nước trong khu vực, các cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật không chỉ được coi là một cách tạo ra nguồn lực kinh tế mà còn thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật trong nước, tiếp thị sản phẩm văn hóa, quảng bá du lịch. Nhà nước đưa ra những chính sách quản lý và thúc đẩy sự phát triển của các sàn đấu giá. “Chúng ta mới bắt đầu một cách rất chậm chạp”, ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, trước hết VN cần đưa ra quy chế hoạt động chung cho các sàn đấu giá nghệ thuật. “Các cơ quan quản lý cần có một quy chế chung để các sàn thực hiện theo. Nếu không, có những sàn đấu giá có thể đưa “cò mồi”, hay có những hình thức gian lận. Nếu sàn đấu giá nào vi phạm phải yêu cầu đóng cửa, tránh mất lòng tin của người đấu giá”, ông Bảo nói. Ở vị trí “người trong cuộc”, ông Vũ Tuấn Anh bày tỏ: “Chúng tôi cần những chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như ưu đãi về thuế”.
Ông Tuấn Anh cho biết trong cuộc đấu giá vừa qua, ban tổ chức đã mời ông Neeraj Ajmani (1961), Giám đốc Gallery One (Ấn Độ) đồng thời là chủ biên cuốn sách Nghệ thuật VN một làn gió mới, tham gia hội đồng thẩm định. “Việc hợp tác này mới chỉ dừng lại ở khâu tuyển chọn, cố vấn đầu vào. Trong tương lai, khi đã ở trình độ chuyên nghiệp hơn, có tiềm lực kinh tế lớn hơn, chúng tôi mong muốn có thể hợp tác chặt chẽ với Sotherby’s”, ông cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.