Dấu ấn nữ quyền trong tác phẩm của Tự lực văn đoàn

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/05/2021 06:26 GMT+7

Nhóm Tự lực văn đoàn gồm toàn nam giới đã ủng hộ nữ quyền trong tác phẩm văn học và cả trên báo chí (Phong hóa, Ngày nay) từ đầu thế kỷ 20.

TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, từng làm luận án tiến sĩ tại Pháp về vấn đề giới tại Việt Nam giai đoạn 1920 - 1945. “Tôi quả quyết rằng đầu thế kỷ 20 đã có một làn sóng đấu tranh nữ quyền thực sự”, bà Phượng nói tại tọa đàm Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam được tổ chức ở Viện Pháp (Hà Nội), nhân dịp giới thiệu cuốn Tự lực văn đoàn với vấn đề phụ nữ ở nước ta. Cuốn này nằm trong tủ sách Phụ nữ tùng thư của NXB Phụ nữ.
Dấu ấn nữ quyền trong tác phẩm của Tự lực văn đoàn

Tranh biếm họa đề tài nữ quyền trên báo Phong hóa

Ảnh: chụp từ sách

Theo TS Phượng, đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ lan tỏa rộng rãi với sự góp sức của nền giáo dục công lập. “Đầu thế kỷ 20 là lúc Pháp không thể không dạy về quyền con người trong nhà trường. Từ những người Việt học ở trường đó sẽ khởi xướng cuộc đấu tranh nữ quyền. Thời kỳ đó đấu tranh nữ quyền có điều kiện để “nở hoa rực rỡ”. Lần đầu tiên nữ sinh được cắp sách đến trường; từ đó ra đời nhiều ngành nghề phụ nữ tham gia như nam giới như làm báo, viết văn. Đó là những thuận lợi”, bà Phượng phân tích.
Còn có một thuận lợi nữa cho việc thúc đẩy nữ quyền là ý chí của dân tộc Việt Nam khi việc chống thực dân bằng vũ trang thất bại. Sau khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại, việc đấu tranh phi bạo lực được đặt ra. “Khi đó,
các nhà yêu nước đã dùng làn sóng nữ quyền để thúc đẩy đấu tranh giải phóng. Nữ sĩ Phan Thị Bạch Vân, người đã lập Nữ lưu thư quán, nuôi tham vọng
in sách bán giá rẻ như cho để truyền bá giáo dục cho phụ nữ”, bà Phượng nói. Sách của Nữ lưu thư quán được đánh giá là đào tạo cho thanh niên thời đó tinh thần cách mạng và bồi dưỡng lòng ái quốc.
TS Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học), người đã biên soạn, tổ chức bản thảo một số đầu sách trong tủ sách Phụ nữ tùng thư, cho biết nhóm Tự lực văn đoàn gồm toàn nam giới đã ủng hộ nữ quyền trong tác phẩm văn học và cả trên báo chí (các báo Phong hóa, Ngày nay). Họ đã nhìn thấy phụ nữ vừa là nạn nhân của nam quyền, vừa là nạn nhân của mất độc lập. “Thời kỳ Tự lực văn đoàn thì phong trào phụ nữ đã mạnh. Nữ lưu thư quán hình thành, bà Bạch Vân khi đó trong 2 năm xuất bản 20 đầu sách quan trọng, kết nối người hoạt động từ Nam ra Bắc. Đạm Phương nữ sử thành lập Nữ công học hội. Ý thức về phụ nữ đã là phong trào chính trị xã hội như ở phương Tây”, TS Dương nói.
Cũng theo TS Dương, nhà trường Pháp thoạt đầu cũng muốn xây riêng trường cho nam nữ. Tuy nhiên, do không đủ tiền nên có việc nam nữ học chung. “Việc học chung là điều kiện để nữ cũng được thụ hưởng kiến thức như nam. Phụ nữ cũng nhanh chóng ý thức được quyền của mình. Tự lực văn đoàn cũng hướng tới phong trào nữ quyền vì phụ nữ là độc giả lớn của họ”, ông Dương nói.
Chính vì thế, theo ông Dương, nhóm Tự lực văn đoàn là những người đầu tiên viết về nạn mại dâm ở Hà Nội. Khi phụ nữ có ý thức về thân thể và vai trò xã hội cũng là lúc Tự lực văn đoàn đưa ra việc thay đổi quan điểm về cái đẹp. “Họ đặt ra vấn đề có cần mặc như xưa không. Trong cuốn Gánh hàng hoa, có anh bạn khuyên vợ bạn là hay chị thử thay đổi cách mặc, mặc tân thời đi xem anh ấy có quay lại không. Họ định nghĩa đẹp là trẻ và khỏe mạnh chứ không phải liễu yếu đào tơ nữa. Từ đó kết nối phụ nữ với các phong trào đấu tranh xã hội”, ông Dương nói.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, tủ sách Phụ nữ tùng thư sẽ tiếp tục được bổ sung sách. Đây là tủ sách công bố các công trình về vấn đề phụ nữ, hướng tới nhận thức và thực hành quyền phụ nữ cũng như đấu tranh cho nữ quyền, vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và sự phát triển bền vững của đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.