Đắt show nhạc đỏ

Ngọc An
Ngọc An
20/10/2018 07:26 GMT+7

Dòng nhạc truyền thống cách mạng, thường được gọi là nhạc 'đỏ', lâu nay vẫn bị coi là kén khán giả.

Nhưng thời gian gần đây, nhiều live show của những nghệ sĩ nhạc đỏ đã thu hút đông đảo khán giả, thậm chí có hiện tượng “cháy vé”.
Cách đây 3 năm (năm 2015), khi Trọng Tấn thực hiện live show Bài ca không quên, anh đã đưa “tam ca đỏ” Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn trở lại trên sân khấu. Khán giả đã vô cùng phấn khích và vỗ tay không ngớt khi được nghe “tam ca đỏ” hát. Lúc ấy, Trọng Tấn đã hứa “ba anh em sẽ có một chương trình riêng”.
Hiện tượng “đắt show” nhạc đỏ cho thấy nhu cầu của khán giả với các live show dòng nhạc này là có, nhưng lâu nay ít được đáp ứng
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long

Lời hứa ấy vừa mới thành hiện thực. Live show Đường chúng ta đi kỷ niệm 20 năm ca hát của “tam ca đỏ” diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 8 vừa qua. Chương trình “cháy vé” từ hơn nửa tháng trước khi diễn ra khiến ngay chính nghệ sĩ cũng bất ngờ. Khán giả ngồi chật kín khán phòng Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô (hơn 1.000 ghế ngồi) và như vẫn còn “thèm thuồng” sau khi chương trình kéo dài 3 giờ đồng hồ kết thúc.
Người thầy đã “se duyên” cho “tam ca đỏ” - NSND Quang Thọ, một trong những giọng ca lớn của dòng nhạc truyền thống cách mạng, sẽ thực hiện live show Hãy đến với anh kỷ niệm 50 năm ca hát trong tháng 11. Cũng trong tháng tới, một trong những giọng ca thính phòng nữ hàng đầu VN - ca sĩ Lan Anh sẽ thực hiện live show đầu tiên sau gần 20 năm ca hát của mình có tên Ánh trăng tình yêu. “Tôi đã ấp ủ việc thực hiện live show từ một năm trước sau live show Mặt trời của tôi của anh Đăng Dương diễn ra”, ca sĩ Lan Anh chia sẻ.
Còn nhớ, Mặt trời của tôi - live show đầu tiên của Đăng Dương, một trong những giọng ca đương đại nổi bật của dòng nhạc chính thống - không chỉ cháy vé cả 2 đêm diễn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) mà còn khiến công chúng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những “chiêu, trò” nghệ thuật được tung ra. Mặt trời của tôi đã minh chứng được một điều: nhạc đỏ không khó hút khán giả nếu biết cách và chịu khó làm. Sự đón nhận hào hứng của khán giả với Mặt trời của tôi đã khiến nhiều nghệ sĩ đi theo dòng nhạc vốn nhiều dè dặt làm live show phải thay đổi suy nghĩ. Như ca sĩ Lan Anh, ngay sau khi xem live show Mặt trời của tôi, chị đã mời ê kíp thực hiện chương trình gồm nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, đạo diễn Tất My Loan... tham gia làm live show Ánh trăng tình yêu của mình.
Tín hiệu tốt cho sân khấu âm nhạc
Sự thiếu vắng live show của những giọng ca dòng nhạc đỏ lâu nay trên sân khấu âm nhạc có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, có cả nguyên nhân kinh phí thực hiện những live show như vậy không hề nhỏ do những đòi hỏi công phu về chất lượng âm nhạc, dàn nhạc, phối khí... Chẳng hạn, ca sĩ Đăng Dương đã đưa cả dàn nhạc giao hưởng lên sân khấu.
Bên cạnh đó, hát dòng nhạc đỏ còn yêu cầu những quy chuẩn trong kỹ thuật, thể hiện, biên độ giọng rộng, đòi hỏi nghệ sĩ phải tập luyện dày công, cũng như sức khỏe để thực hiện live show. Ca sĩ Lan Anh cho biết: “Để chuẩn bị cho live show, từ cách đó vài tháng, tôi đã luyện tập và đi tập gym”. Mặt khác, live show nhạc đỏ vắng bóng cũng bởi nhiều nghệ sĩ vẫn còn băn khoăn về sự đón nhận của công chúng.
Sự xuất hiện của nhiều live show nhạc đỏ, nhạc chính thống trong thời gian gần đây, bên cạnh những nỗ lực cá nhân của nghệ sĩ, đã có những “bà đỡ” nghệ thuật. Chẳng hạn, “bà đỡ” của live show “tam ca đỏ” đã tiếp tục “đỡ đầu” cho live show của NSND Quang Thọ. Bà Đoàn Thúy Phương (Tổng giám đốc Công ty VietArt) cho rằng, trong thời điểm sân khấu âm nhạc Hà Nội bão hòa về live show, việc live show như Đường chúng ta đi của bộ ba Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn cháy vé cho thấy sức hút không chỉ của các nghệ sĩ mà cả dòng nhạc chính thống với khán giả. “Nhiều ý kiến cho rằng, nhạc chính thống cũng có nghĩa là dòng nhạc kỷ niệm của những sự kiện “cúng cụ”, kén khán giả và khó bán vé. Nhưng đêm nhạc của “tam ca đỏ” diễn ra mới đây nhận được phản hồi tích cực và cháy vé từ sớm đã chứng minh điều ngược lại với định kiến đó”, bà Phương nhìn nhận.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: “Lâu nay, nhạc trẻ, nhạc bolero... hầu như chiếm lĩnh đời sống ca nhạc. Tất nhiên mỗi dòng nhạc có vị trí, có lượng khán giả riêng, nhưng nếu đời sống âm nhạc VN mà chỉ tập trung vào một, hai thể loại âm nhạc là thiếu hụt và đáng buồn”. Ông Long nhìn nhận, sự xuất hiện của những live show dòng nhạc đỏ hay nhạc chính thống, với sự hưởng ứng của khán giả, thậm chí có chương trình còn cháy vé là tín hiệu tốt cho sân khấu âm nhạc, là niềm vui với đời sống văn hóa, nghệ thuật trong nước. Ông cho rằng: “Hiện tượng “đắt show” nhạc đỏ còn cho thấy nhu cầu của khán giả với các live show dòng nhạc này là có, nhưng lâu nay ít được đáp ứng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.