Dạo vườn thư pháp mùa Vu lan

12/08/2005 22:23 GMT+7

Ngày rằm tháng bảy âm lịch mới đúng lễ Vu lan, nhưng trước đó cả tuần, người ta đã rộn ràng vào "mùa" - mùa Vu lan - mùa báo hiếu. Một trong những nét nổi bật nhất của mùa Vu lan ở TP.HCM là hoạt động của các nhà thư pháp chữ Việt.

 

Người "khai bút" đầu tiên có lẽ là nhà thơ Song Nguyên. Năm nay bên cạnh những lời hay, ý đẹp về tình cảm gia đình mà ông đã thu thập từ nhiều năm qua để múa bút cho bá tánh, ông còn luyện... chữ với một câu rất "thời sự": "Ngày trở về: Mẹ lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ. Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ !" (ca từ trong bài hát Ngày trở về của Phạm Duy vừa mới được phép hát lại). Song Nguyên cho biết mùa Vu lan năm nay ông sẽ "chạy sô" giữa các điểm: tòa soạn Báo Giác ngộ, chùa Vĩnh Nghiêm và thiền viện Vạn Hạnh. "Xuất chiêu" cùng lúc với Song Nguyên là gã lãng tử Bùi Hiến, anh ôm bút lông, giấy mực chui vào một cái chòi lá bên một bờ hồ thật thơ mộng ở cà phê Cát Đằng (64 Trần Quang Khải, Q.1). Khách ở quán đa phần là giới trẻ nên ngày nào "ông đồ" cũng bị quây kín bởi những nam thanh, nữ tú "xin chữ" về treo.

 


Thư họa Giang Phong

Rực rỡ hơn cả là cuộc triển lãm tranh và thư pháp của tu sĩ - họa sĩ Giang Phong vừa khai mạc sáng ngày 10.8.2005 tại trụ sở Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3). Khách đến tham quan triển lãm không chỉ có giới tăng ni, phật tử mà còn có rất nhiều người đang hoạt động trong giới mỹ thuật. Họ đến chia sẻ với Giang Phong tình thương mến của những người đồng nghiệp. Với 70 tác phẩm thuộc nhiều thể loại và chất liệu, Giang Phong đang rất hy vọng giới thưởng ngoạn "chiếu cố" để thành tâm của anh được toại nguyện khi quyết định dùng số tiền bán tranh, thư pháp giúp đỡ trẻ em nghèo xã Dak Choah - Kon Tum (triển lãm kéo dài tới ngày 20.8.2005). Và chắc chắn, hoành tráng nhất sẽ là cuộc triển lãm mỹ thuật truyền thống hằng năm diễn ra tại thiền viện Vạn Hạnh (750 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận) nhân mùa Vu lan - khai mạc vào ngày 14.8.2005 (mùng 10 âm lịch) với sự tham gia của một lực lượng hùng hậu các nhà thư pháp, họa sĩ, nghệ nhân từ Bắc chí Nam.

 

 Những ngày trước thềm Vu lan, lực lượng viết thư pháp còn tỏa về các ngôi chùa trong thành phố. Thiện nam, tín nữ thập phương sau khi lễ Phật, ra về, trên tay có thêm tờ giấy, mà ở đó có thể là dòng chữ "Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng. Vì trông hoa tôi thấy mẹ tôi rồi" (thơ Thị Đức) được các nhà thư họa "tung tẩy" lên mặt giấy một cách hết sức sống động, và bức thư pháp ấy đã không còn là một vật trang trí đơn thuần mà còn chở nặng, còn nhắc nhở với chúng ta cái đạo lý làm người.

 

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.